Hà Nội ghi nhận nhiều trẻ nhập viện vì Covid-19

3 giờ sáng, Bệnh viện Nhi Hà Nội đón một bé gái mới tròn 6 tháng tuổi trong tình trạng sốt cao, giật mình liên tục. Mẹ bé, chị P.T.A. (trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) không giữ nổi bình tĩnh vì quá lo lắng.
"Con sốt từ hôm trước, chảy nước dãi liên tục, quấy khóc không ngừng. Cả ngày, tôi ở bên theo dõi mà không thấy đỡ, đến tối lại thấy con giật mình liên tục. Hai vợ chồng tôi không dám chần chừ thêm, lập tức đưa con vào viện trong đêm", chị A. kể lại.
Trẻ nhập cấp cứu giữa đêm
Kết quả xét nghiệm khiến người mẹ trẻ càng thêm hoang mang, bé mắc Covid-19 và đồng thời tay chân miệng.
"Dạo này đọc mạng xã hội toàn tin về dịch bệnh, tôi lo lắm. Giờ thì con tôi lại dính cả hai bệnh, thực sự là nỗi sợ lớn nhất đối với một người mẹ", chị A. nghẹn ngào.
Không chỉ chị A., những ngày gần đây, nhiều phụ huynh rơi vào cảnh tương tự. Chị V.T.T. (trú tại Trung Văn, Nam Từ Liêm) đưa con gái 5,5 tháng tuổi nhập viện sau 2 ngày sốt cao liên tục trên 39 độ, không hạ.
"Cả nhà tôi đều khỏe mạnh, giữ con kỹ lưỡng, vậy mà không hiểu sao con lại nhiễm bệnh", chị T. thắc mắc.
![]() ![]() ![]() ![]() |
Bệnh nhi mắc Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Hà Nội. Ảnh: L.L. |
Tại Bệnh viện Nhi Hà Nội, bệnh nhi này được chẩn đoán mắc Covid-19 và phải nhập viện theo dõi do dưới 1 tuổi, nhóm có nguy cơ cao dễ biến chứng.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Sỹ Đức, khoa Truyền nhiễm, cho biết từ đầu mùa hè đến nay, bệnh viện đã ghi nhận khoảng 150 ca Covid-19 ở trẻ em, trong đó khoảng 40 trẻ phải nhập viện. Phần lớn là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Hiện bệnh viện điều trị nội trú cho khoảng 10 trường hợp, trong đó có những ca đặc biệt nặng.
"Một bệnh nhi phải chuyển điều trị tại khoa cấp cứu, một bệnh nhi bị ung thư đồng nhiễm Covid-19 và hai trường hợp mắc kèm tay chân miệng", bác sĩ Đức thông tin.
Covid-19 có thể gia tăng theo chu kỳ như cúm
TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội, cho hay từ cuối năm 2023 khi Bộ Y tế quyết định đưa dịch Covid-19 trở thành dịch bệnh truyền nhiễm nhóm B, bệnh viện vẫn ghi nhận số ca mắc Covid-19. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 trở lại đây, tình trạng bệnh nhi vào viện mắc Covid-19 tăng cao.
Đặc biệt, bệnh gia tăng nhanh trong khoảng một tuần trở lại đây. Chỉ riêng ngày 21/5, bệnh viện đã ghi nhận 24 trường hợp trẻ đến khám và được xác định mắc Covid-19.
"Chúng tôi đánh giá ca mắc Covid-19 có xu hướng gia tăng. Bệnh nhân nặng đến mức thở máy, nguy kịch thì chưa nhưng có tình trạng biến chứng viêm phổi nhập viện", bác sĩ Nga nói.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, trong ngày 21/5, cơ sở y tế này cũng có 6 ca Covid-19 đang điều trị nội trú. Các trường hợp này đang được điều trị tích cực để kiểm soát nguy cơ diễn biến nặng.
Đại diện cho hay số ca mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng và Covid-19 có xu hướng gia tăng trong thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao, điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát triển.
![]() |
Bệnh viện Thanh Nhàn cũng có 6 ca Covid-19 đang điều trị nội trú. Ảnh: Thu Giang. |
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết hàng ngày đơn vị này vẫn rải rác ca mắc Covid-19 vào viện.
"Đây là bệnh thông thường, không quá lo ngại. Tại trung tâm Hồi sức tích cực vẫn có ca nặng, phải thở máy nhưng không có trường hợp phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) như trước đây. Nhiều người bị thường ở nhà tự cách ly, ca nặng mới phải vào viện điều trị", bác sĩ Khiêm nói với Tri Thức - Znews.
Theo bác sĩ Khiêm, với đặc thù là bệnh viện chuyên về truyền nhiễm, việc bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc Covid-19 hay các bệnh lây nhiễm khác không phải là trở ngại. Ngay khi tiếp nhận ca bệnh, bệnh viện luôn đảm bảo có khu cách ly hoặc sắp xếp khu vực điều trị phù hợp, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan trong cơ sở y tế.
Lý giải về sự gia tăng số ca mắc Covid-19 trong thời gian gần đây, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Phó trưởng phòng Cấp cứu truyền nhiễm, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay các bệnh do virus, đặc biệt lây qua đường hô hấp như Covid-19, thường bùng phát theo chu kỳ "làn sóng".
Khi virus lan rộng, số ca mắc tăng mạnh, sau đó giảm khi nhiều người đã nhiễm và có miễn dịch. Tuy nhiên, nếu miễn dịch suy yếu hoặc virus biến đổi, dịch lại có thể bùng lên.
Bác sĩ Thái nhấn mạnh để đánh giá chính xác tình hình dịch, cần có hệ thống giám sát dịch tễ chặt chẽ, như xét nghiệm định kỳ tại các bệnh viện. Tuy nhiên, từ khi Covid-19 được xếp vào nhóm B (không còn là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm), việc giám sát đã lỏng lẻo hơn. Do đó, số ca mắc hiện nay có thể chưa phản ánh đúng quy mô thực tế của dịch.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng số ca Covid-19 gia tăng trong thời gian gần đây là điều hoàn toàn bình thường.
"Trước đây, chúng ta không xét nghiệm nhiều, nay xét nghiệm lại nên phát hiện thêm ca nhiễm. Đây là hiện tượng giống cúm mùa, không có gì bất thường", bác sĩ Khanh giải thích với Tri Thức - Znews.
Nhớ sống hạnh phúc nhé!
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.