Gương thanh niên làm theo lời Bác: Những người trẻ hết mình vì cộng đồng

Rất nhiều bạn trẻ dành cả tuổi thanh xuân của mình để cống hiến cho cộng đồng. Với họ, sống là sẻ chia, là góp phần làm đẹp thêm cho đời, như vậy cuộc sống mới có ý nghĩa.
Dành cả thanh xuân với hiến máu tình nguyện
Anh Nguyễn Quốc Huy (35 tuổi) hiện là nhân viên văn phòng Trung tâm máu quốc gia, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư. Từ khi còn là sinh viên đến nay, anh đã vận động hàng nghìn lượt người tham gia hiến máu góp phần cứu sống người bệnh và cá nhân anh đã hiến máu tới 68 lần. "Tròn 18 tuổi, khi là sinh viên đại học, tôi bắt đầu tham gia hiến máu, sau đó làm tình nguyện viên vận động hiến máu. Đến nay tôi đã có hơn 17 năm đồng hành cùng hoạt động ý nghĩa này", anh Huy chia sẻ.
Anh cũng cho biết cơ duyên đến với công việc này khi tham gia hiến máu tình nguyện do Đoàn Thanh niên của Trường ĐH Lao động Xã hội tổ chức. Lần đầu tiên hiến máu, anh cũng rất băn khoăn và lo lắng nhưng sau lần đó, anh có thêm kiến thức về máu và lợi ích của việc hiến máu tình nguyện nên xung phong làm tình nguyện viên cho Đội Thanh niên vận động hiến máu của trường và của TP.Hà Nội.
Tuy nhiên, công việc lúc đó vô cùng khó khăn vì nhận thức của cộng đồng về hiến máu tình nguyện còn hạn chế. Anh và các tình nguyện viên đến từng bến xe buýt, vào từng khu phố hay cổng các khu công nghiệp để tuyên truyền, vận động. "Vận động được một người hiến máu, cả nhóm ôm nhau vừa vui vừa cảm động. Sung sướng lắm!", anh nhớ lại.
Năm 2014, anh có sáng kiến thành lập CLB Hành trình Đỏ với lực lượng nòng cốt là các tình nguyện viên đã hoàn thành nhiệm vụ trong chuyến Hành trình Đỏ quốc gia, để tham gia vận động và hiến máu tình nguyện. Từ những hoạt động này mà nhận thức của cộng đồng về hiến máu tình nguyện được nâng lên. Anh đã hỗ trợ một số địa phương thành lập CLB Hành trình Đỏ, vận động hiến máu tại địa phương như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn La, Lâm Đồng, Đắk Lắk, TP.HCM… Các CLB này đã phát huy được vai trò và ngày càng có đóng góp quan trọng trong công tác hiến máu tại địa phương.
Không chỉ đi vận động hiến máu, trong 17 năm, anh Huy đã có 68 lần tham gia hiến máu, bao gồm 42 lần hiến máu toàn phần. Để hiến máu được nhiều lần hơn, khoảng 5 năm gần đây, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 xảy ra hay dịch sốt xuất huyết bùng phát ở Hà Nội, anh chuyển sang hiến tiểu cầu (26 lần). "Hiến thành phần máu là tiểu cầu để thời gian hiến nhắc lại nhanh hơn (sau khoảng 2 - 3 tuần, thay vì 12 tuần), nghĩa là có thêm cơ hội để góp phần cứu sống nhiều người bệnh", anh chia sẻ.
Ban đầu khi nghe tin con trai hiến máu thường xuyên, bố mẹ anh Huy rất lo ngại. Nhưng anh đã giải thích bằng các cơ sở khoa học, hơn nữa thấy anh ngày một khỏe mạnh hơn, gia đình không chỉ ủng hộ mà còn tham gia hiến máu. Đến nay, cả mẹ và em gái anh đều có trên 5 lần hiến máu, riêng vợ anh đã 10 lần hiến máu. Gia đình anh còn vận động bà con, họ hàng cùng tham gia. "Mỗi lần hiến máu xong, tôi và những người trong gia đình thấy rất vui và như có thêm nguồn năng lượng mới, có thêm "hormone hạnh phúc" để sống, làm việc và cống hiến nhiều hơn", anh Huy bày tỏ.
Không chỉ hiến máu, anh Huy còn lan tỏa tấm lòng nhân ái bằng nhiều hoạt động thiết thực. Với vai trò là Bí thư Đoàn Thanh niên Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, anh cùng Ban Chấp hành Đoàn của Viện tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: huy động hàng ngàn suất quà để trao cho các gia đình chính sách, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân điều trị tại Viện; xây dựng các công trình thanh niên trị giá hàng trăm triệu đồng như 3 ngôi nhà nhân ái tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Quảng Trị; bếp ăn bán trú cho trường mầm non tại tỉnh Lai Châu…
Chia sẻ về công việc của mình, anh cho biết trong hành trình đến các địa phương để vận động hiến máu tình nguyện, anh và các bạn trẻ được đến những nơi là "địa chỉ đỏ" gắn liền với hoạt động của Bác Hồ, được nghe hướng dẫn viên kể những câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Người. Từ đó, anh học tập được ở Bác rất nhiều như tác phong làm việc, tính kỷ luật, lối sống giản dị, tiết kiệm hay cách đối nhân xử thế trong cuộc sống. Đặc biệt, tinh thần bác ái, lòng bao dung, vị tha và nhân văn của Người luôn thôi thúc anh nỗ lực, cố gắng hơn nữa để hoàn thiện bản thân.
Tâm đắc mô hình "Thắp sáng đường quê"
Chị Hứa Thị Phương Liên, với vai trò là Phó bí thư Huyện đoàn, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên huyện Quảng Hòa, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng luôn chủ động, sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm với công việc, góp phần đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cấp trên giao.
Theo chị Liên, đại bộ phận thanh thiếu nhi có tinh thần tương thân, tương ái, phát huy truyền thống yêu nước, hiếu học, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, nỗ lực trong lao động, sản xuất và công tác; chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; quan tâm và có trách nhiệm với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của quê hương, đất nước, tích cực tham gia hoạt động do Đoàn, Hội tổ chức; vai trò, vị trí của thanh niên trong xã hội tiếp tục được khẳng định và nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội.
Chị Hứa Thị Phương Liên đề xuất, tham mưu xây dựng các công trình phần việc thanh niên có ý nghĩa trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đảm bảo an sinh xã hội; chăm sóc, giáo dục thiếu nhi, chuyển đổi số…
"Cá nhân tôi đã tham mưu cho lãnh đạo thực hiện 8 công trình, 15 phần việc thanh niên cấp huyện; các cơ sở Đoàn, Hội trong toàn huyện thực hiện 233 công trình, phần việc thanh niên cấp cơ sở. Tiêu biểu trong những công trình phần việc thanh niên làm theo lời Bác của tuổi trẻ huyện nhà là những công trình tuyến đường "Thắp sáng đường quê" được triển khai rộng khắp, sôi nổi ở tất cả các cấp bộ Đoàn, Hội trong toàn huyện", chị Liên cho biết.
Chị Liên cùng với lãnh đạo, chuyên viên Huyện đoàn đã vận động các nguồn xã hội hóa, các nguồn lực hợp pháp xây dựng 7 tuyến đường thắp sáng đường quê trên địa bàn các xóm biên giới, xóm đặc biệt khó khăn với tổng giá trị các công trình trên 300 triệu đồng, thu hút trên 5.000 đoàn viên, thanh niên tham gia.
Theo chị Liên, xây dựng các tuyến đường "Thắp sáng đường quê" chính là cách làm khẳng định sự đóng góp cụ thể, thiết thực, ý nghĩa nhất của đoàn viên, thanh niên trong quá trình tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới. Trên thực tế, có những con đường liên thôn, liên bản trước đây chưa được lắp đặt hệ thống chiếu sáng, người dân rất ngại đi lại vào buổi tối.
"Giờ đây bà con nhân dân và các bạn đoàn viên thanh thiếu nhi đều phấn khởi, ý thức hơn về việc giữ gìn môi trường văn hóa chung. Nhờ mô hình tuyến đường "Thắp sáng đường quê", những con đường làng rực rỡ ánh đèn đã đem lại diện mạo mới cho nhiều làng quê, góp phần ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại", chị Liên chia sẻ.
Với giá trị mang lại cho cộng đồng, mô hình tuyến đường "Thắp sáng đường quê" sẽ được nhân rộng và phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.