GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng: ‘Tôi không theo chồng đi Pháp vì còn tình yêu lớn hơn’ - Báo VnExpress - Báo VnExpress

Tôi suy nghĩ mãi, mày mò đọc sách tìm hiểu nhưng không có thông tin. Tới năm 1984, tôi được cử qua Bangkok làm việc, cứ hết giờ làm, tôi lập tức lên thư viện của họ để tìm tài liệu về hiếm muộn. Lúc đó, tôi mới biết tới phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) đã thực hiện thành công ở Anh từ năm 1978. Tôi hạ quyết tâm, bằng mọi giá tôi phải làm được điều đó cho người Việt Nam.
Tôi bắt đầu tìm cơ hội từ những đoàn khách quốc tế tới thăm Từ Dũ. Sau khi giải quyết hết công việc chính, câu cuối cùng tôi luôn ngỏ lời xin họ hỗ trợ chút ít dụng cụ thực hiện thụ tinh ống nghiệm. Họ đều nhìn tôi với ánh mắt kinh ngạc. Việt Nam đang thực hiện kế hoạch hoá gia đình, dân số quá đông trong khi kinh tế khó khăn, tôi lại đi ngược dòng. Vậy nên, không ai giúp. Tôi buồn lắm nhưng vẫn quyết tâm.
Tới 1994, sau ca mổ Việt - Đức (ca mổ tách cặp song sinh dính liền thành công đầu tiên ở Việt Nam), Bộ Y tế cho tôi qua Pháp làm bằng tiến sĩ. Với kinh nghiệm của mình, tôi được xét phong giáo sư và qua Pháp dạy học.
Sang đó, tôi lại tận dụng mọi thời gian rảnh, vào nơi họ làm IVF, ghi chép lại cẩn thận từng quy trình, từng thiết bị cần thiết. Lương giáo sư ở Pháp cao, tôi tiết kiệm đến mức chỉ ăn cánh gà - phần rẻ nhất - để gom tiền mua thiết bị mang về.
Đến năm 1995, khi trở về nước, tôi đã sắm được gần đủ cho phòng thí nghiệm. Tôi còn dư một khoản tiền để gửi bác sĩ Từ Dũ sang Pháp học thêm về thụ tinh.
Năm 1997, tôi bắt đầu thực hiện kỹ thuật chọc hút noãn. Nhưng xin giấy phép rất khó. Ông Đỗ Nguyên Phương – lúc đó là Bộ trưởng Y tế – nói với tôi: "Sản xuất ra máy móc, nếu hỏng thì bỏ. Còn sản xuất ra con người thì tôi cần thời gian, phải xin ý kiến Bộ Chính trị".
Chờ hơn 4 tháng, đến ngày 19/8/1997, Bộ Y tế ra công văn chính thức cho phép Bệnh viện Từ Dũ thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Ngay trong ngày hôm đó, tôi thực hiện ca đầu tiên.
- Thụ tinh trong ống nghiệm là một hành trình gian nan, đặc biệt trong bối cảnh y tế Việt Nam những năm 1990. Bà đã làm như thế nào với những ca đầu tiên?
- Thời điểm đó, thuốc hỗ trợ điều trị hiếm muộn rất đắt đỏ. Tôi biết, để người dân chi trả khoản tiền lớn từ đầu rất khó khăn nên tôi xin được hỗ trợ thuốc miễn phí đợt đầu.
Sau khi tiêm thuốc, thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, phải chờ hai tuần mới biết kết quả. Khoảng thời gian đó với tôi rất căng thẳng, không thể ăn, không thể ngủ. Tôi nhờ nhóm bác sĩ của mình gọi điện tới từng gia đình để theo dõi. Chỉ cần nghe câu: "Bệnh nhân có kinh trở lại", là tôi biết ca đó thất bại, tôi lại suy sụp. Cứ một người, rồi hai người, ba người... thất bại, tôi suy sụp, tóc tôi bạc trắng sau thời gian đó. Mãi đến khi nhận được tin hơn 10 phụ nữ trong nhóm thử nghiệm đã mang thai, tôi mới có thể thở phào.
Trước ngày dự sinh của ba sản phụ đầu tiên, tôi gần như không rời bệnh viện. Đúng sáng 30/4, cả ba đứa trẻ tự nhiên chui ra, khoẻ mạnh, đủ cân nặng.
- Ngoài IVF, bà cũng dành cả sự nghiệp để nghiên cứu và đấu tranh cho công lý của nạn nhân chất độc da cam. Mới đây, bà được trao giải Ramon Magsaysay - được mệnh danh là "giải Nobel châu Á" cho những đóng góp này. Nhìn lại hành trình ấy, bà cảm thấy thế nào?
- Hồi mới trở thành bác sĩ sản, lúc đó khoảng năm 1966, tôi vô tình đỡ đẻ cho một thai nhi vô sọ. Số lượng trẻ tương tự ngày càng tăng. Không thể lý giải nguyên nhân, tôi xin giữ lại những bào thai này để nghiên cứu. Từ đó, tôi bắt đầu tìm kiếm tài liệu.
Năm 1982, tôi dẫn đoàn đến xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, Bến Tre, một trong những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Rất nhiều trẻ dị tật, chết không rõ nguyên nhân. Nhiều bé gái 16-17 tuổi bị sứt môi, chẻ vòm hầu. Các em rất mặc cảm, không dám đến trường. Tôi xác định có 5 nhóm dị tật mà Việt Nam thường gặp: dị tật ống thần kinh, nứt đốt sống, khuyết tật về tay chân, khuyết tật về cơ quan giác quan như mắt, mũi, miệng, lỗ tai, song thai dính nhau như Việt - Đức và cuối cùng là sứt môi, chẻ vòm hầu.