Nhảy đến nội dung

GS Pierre Bayard nói về tính dục, hình tượng nữ giới trong văn chương

Theo Pierre Bayard, hình tượng phụ nữ trong một số tác phẩm văn học vẫn phản ánh sự mất cân bằng khi phụ nữ thường là đối tượng để mô tả, chứ không phải là chủ thể được lắng nghe.

phu nu anh 1

GS Pierre Bayard. Ảnh: L'est Republician.

Tại buổi tọa đàm Phụ nữ và Tính dục do Nhà xuất bản Phụ nữ tổ chức tối 4/5, GS Pierre Bayard đã chỉ ra rằng trong Viện Hàn lâm Pháp, nhà văn nữ vẫn chỉ chiếm 6/40 thành viên. Trong khi đó, những giải thưởng văn học danh giá như Goncourt thường có tỉ lệ nhà văn nam nằm trong top 4 nhiều hơn.

Hơn nữa, hình tượng phụ nữ trong một số tác phẩm văn học vẫn phản ánh sự mất cân bằng khi phụ nữ thường là đối tượng để mô tả, chứ không phải là chủ thể được lắng nghe. Dù vậy trong giới nữ cầm bút, một số tên tuổi đã được ghi nhận như Annie Ernaux, Emma Clit, Jenifer Tamas...

Những người phụ nữ dần tìm lại sự cân bằng

Theo quan sát của GS Pierre Bayard, làn sóng đấu tranh cho sự công bằng giới đang ngày một lan rộng và tạo ra những thay đổi thực chất trong nhận thức và cấu trúc xã hội. “Tôi cũng lưu ý thêm rằng một số đòi hỏi quyền cho phụ nữ vẫn còn chưa được cụ thể hóa, nhưng những nỗ lực về ngôn ngữ, chính trị, văn học đang góp phần quan trọng vào việc cân bằng giới tính trong đời sống,” ông chia sẻ.

Một trong những thay đổi nổi bật là sự lan tỏa của khái niệm tỷ lệ cân bằng giới (parité), vốn được phát triển mạnh mẽ qua các cuộc tranh luận nữ quyền tại Pháp từ thập niên 1990. Khái niệm này yêu cầu sự hiện diện ngang bằng giữa nam và nữ trong các thiết chế xã hội, đặc biệt là trên chính trường. Trước đó, những hình ảnh tại Quốc hội Pháp vào những năm 1960-1970 gần như không có bóng dáng nữ giới, một điều từng được xem là bình thường. Nhưng sau nhiều thập kỷ đấu tranh, điều đó đang dần thay đổi, dù tiến độ còn chậm.

Bên cạnh đó, trong đời sống gia đình, những khái niệm như “gánh nặng tinh thần” (charge mentale) cho thấy phụ nữ phải gánh vác phần lớn trách nhiệm tổ chức và chăm sóc gia đình. Hiện, khái niệm đã được phổ biến rộng rãi nhờ các tác phẩm truyện tranh của nữ tác giả Emma Clit buộc nhiều người đàn ông Pháp, trong đó có chính GS Bayard, phải suy nghĩ lại về cách phân chia lao động trong gia đình.

phu nu anh 2

Nhiều độc giả tham dự buổi tọa đàm của nhà xuất bản.

Trên phương diện văn học, sự bất bình đẳng giới cũng đang tiếp diễn. Chỉ có 6 trên tổng số 40 thành viên của Viện Hàn lâm Pháp là nữ. Dẫu vậy, một số dấu hiệu tích cực gần đây đang hé mở khả năng thay đổi.

Năm 2022, Giải Nobel Văn học được trao cho nhà văn Pháp Annie Ernaux - người chuyên viết về phụ nữ với lối viết tự thuật đầy can đảm và sắc sảo. Cũng trong năm này, Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême đã trao giải thưởng cao nhất cho một nữ tác giả lần thứ ba trong lịch sử 50 năm tồn tại.

Phong trào #MeToo tại Pháp cùng những hành động dấn thân của các nghệ sĩ nữ như Adele Haenel - người đã từ bỏ sự nghiệp diễn xuất để phản đối nạn quấy rối tình dục. Hành động này cho thấy một tầng lớp phụ nữ mới đang quyết liệt đấu tranh giành lại vị thế. Tuy nhiên, như GS Bayard cảnh báo, cuộc đấu tranh chống quấy rối tình dục cần được đặt song song với cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới trong chính trị, lương bổng và ngôn ngữ.

Từ những diễn biến này, có thể thấy rõ phụ nữ đang từng bước giành lại sự cân bằng, cả trong cách xã hội nhìn nhận họ, lẫn trong việc họ tự nhìn nhận chính mình.

Nghiên cứu tính dục phụ nữ

Qua nhận định của GS Bayard, buổi tọa đàm mở rộng thảo luận tới một khía cạnh gai góc hơn: tính dục của phụ nữ - lĩnh vực từng bị xem là cấm kị, nhưng lại mang tính quyết định đối với việc khẳng định tự do và nhân cách của người nữ.

TS Nguyễn Thị Minh - nhà nghiên cứu về nữ quyền - nêu vấn đề: liệu phụ nữ có nhất thiết phải khẳng định bản thân thông qua tính dục? Câu hỏi này không chỉ là một phản hồi trước các tuyên ngôn cá nhân như “để yên cho tôi làm đàn bà” của diễn viên Trác Thúy Miêu, mà còn đặt nền móng cho cuộc đối thoại lý thuyết rộng lớn hơn: làm thế nào tính dục được hình thành, định nghĩa và nội hóa trong xã hội, vai trò của tri thức trong việc đó là gì?

phu nu anh 3

TS Nguyễn Thị Minh - nhà nghiên cứu về nữ quyền - chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam

Một trong những nền tảng lý thuyết quan trọng được đề cập là tư tưởng của Simone de Beauvoir, người đặt nền móng cho triết học hiện sinh nữ quyền với tác phẩm Giới tính thứ hai. Tại buổi tọa đàm, Ths Đinh Hồng Phúc - nhà nghiên cứu triết học phương Tây - đã nhắc lại câu nói nổi tiếng của Simone de Beauvoir: “Người ta không sinh ra là phụ nữ mà trở thành phụ nữ” là một khẳng định đầy sức nặng. Theo Beauvoir, giới tính không quy định thân phận của một người phụ nữ, cái nhìn của đàn ông, luật định của xã hội nam quyền đã quy định điều đó.

Do vậy, trong lịch sử tư tưởng và văn hóa phương Tây, phụ nữ thường bị nhốt trong hai mô hình đối lập: hoặc bị “trấn áp” bằng chuẩn mực đạo đức, hoặc được "tôn vinh" bằng những hình ảnh lý tưởng hóa như “người vợ hiền”, “người mẹ đảm”, vốn đều là những biểu tượng phi tính dục, nhằm phủ nhận khả năng ham muốn và chủ thể tính dục của người phụ nữ.

Với cái nhìn này, người nữ chưa bao giờ được xem là chủ thể của khoái cảm, mà luôn là đối tượng thụ động cho ham muốn nam giới. Việc trải nghiệm tính dục như một phần đời sống hiện sinh, tức là quyền được lựa chọn, được từ chối, được ham muốn. Điều này trở thành nền tảng cho sự tự do cá nhân.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.