Grab, Xanh SM chiếm gần 90% thị trường gọi xe

Khảo sát thị trường gọi xe Việt Nam do hãng nghiên cứu thị trường Rakuten Insight (Nhật Bản) vừa công bố, cho biết Grab và Xanh SM là hai thương hiệu gọi xe được chọn sử dụng nhiều nhất.
Theo đó, 55% người dùng tại các thành phố lớn và 54% tại các khu vực khác chọn dùng Grab. Xanh SM đứng thứ hai với 32% người dùng toàn quốc. Chia theo thành phố lớn và khu vực khác, tỷ lệ này lần lượt là 33% và 30%.
Đứng thứ ba là Be, chiếm 9% thị phần sử dụng. Thị trường còn lại chia cho các thương hiệu taxi truyền thống đã phát triển các ứng dụng riêng giúp khách hàng thuận tiện đặt xe như Mai Linh (2%), Vinasun (1%) và Maxim (1%).
Rakuten đánh giá bộ 3 dẫn đầu có thế mạnh riêng. Grab được đánh giá cao nhờ độ tin cậy, mạng lưới tài xế rộng và ứng dụng dễ sử dụng, giúp đặt xe nhanh chóng trong giờ cao điểm, trời mưa hay thời gian bất thường. Cụ thể, 26% người được hỏi chọn vì luôn có xe, 17% vì dễ dùng.
Xanh SM nổi bật với chất lượng phục vụ và vệ sinh, cung cấp xe mới, sạch, trở thành lựa chọn hàng đầu cho những ai coi trọng sự thoải mái và sạch sẽ (16%). Trong khi, Be dựa vào các chương trình giảm giá mạnh để cạnh tranh về giá, được xem là có ưu đãi tốt nhất (23%) và mức giá hấp dẫn (24%), phù hợp với người dùng nhạy cảm về chi phí.
Thị trường gọi xe Việt Nam đang là miếng bánh tỷ USD nhiều triển vọng. Báo cáo "e-Conomy SEA 2024" của Google, Temasek, Bain & Company ước tính quy mô thị trường gọi xe và giao đồ ăn ở Việt Nam đạt 4 tỷ USD vào 2024 và có thể đạt 9 tỷ USD năm 2030.
Riêng chở người, quy mô thị trường ước đạt 1,05 tỷ USD năm nay và mở rộng đến 2,56 tỷ USD vào 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm 19,5% giai đoạn 2025-2030, theo công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence (Ấn Độ).
Theo khảo sát của Rakuten, phần lớn người Việt sử dụng các ứng dụng gọi xe thường xuyên, với 77% đặt chuyến ít nhất 3 lần mỗi tháng. "Nhu cầu ngày càng cao đối với các giải pháp di chuyển tiện lợi và sự thay đổi trong mô hình giao thông đô thị", báo cáo nhận xét.
Tại thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, người dùng chi trung bình hơn 250.000 đồng cho chuyến xe ôtô và gần 105.000 đồng cho xe máy. Trong khi tại các đô thị như Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, mức chi tương ứng là gần 220.000 và 95.000 đồng. Khách hàng gọi xe chủ yếu để họp mặt bạn bè (42%), đi ăn uống (37%), mua sắm (36%), tiệc tùng (33%) và đi làm (32%).
Tuy nhiên, thị trường chứng kiến cạnh tranh khốc liệt. Tháng 9/2024, Gojek rút lui sau thời gian từng vào top đầu. Thị trường đến này còn lại cuộc đua "song mã" Grab - Xanh SM. Những động thái gần đây cho thấy Xanh SM và Grab đang lựa chọn các "át chủ bài" khác nhau để tăng khả năng cạnh tranh.
Xanh SM vươn lên mạnh mẽ nhờ lợi thế xanh hóa giao thông bằng xe điện. Theo Mordor Intelligence, Xanh SM dẫn đầu thị phần mảng taxi và taxi công nghệ, chiếm 39,85% thị phần vào quý I, tiếp đến là Grab (35,57%). "Việc xe điện ngày càng được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam đang góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng của phân khúc gọi xe ôtô", Mordor nhận định.
Ôtô điện giúp Xanh SM có lợi thế về trải nghiệm di chuyển cho khách hàng. Trong khi, xe máy điện đang thuận lợi nhờ chính sách khuyến khích. Mới đây, TP HCM cho biết đang hoàn thiện kế hoạch chuyển đổi toàn bộ xe máy của tài xế công nghệ sang phương tiện chạy điện, quy mô khoảng 400.000 chiếc. "Lợi thế chính sách dường như đang thuộc về Xanh SM", một chuyên gia lĩnh vực logistics bình luận.
Trong khi, Grab tập trung ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng trải nghiệm người dùng. Tại sự kiện GrabX diễn ra đầu tháng 4 tại Singapore, nền tảng tung ra loạt giải pháp dùng AI mới như tài khoản gia đình giúp phụ huynh đặt xe cho con an toàn hơn, bộ sưu tập GrabFood cho một người ăn hay các tiện ích như bán voucher nhà hàng, đặt trước xe, gói du lịch quốc tế.
Nhà đồng sáng lập, Tổng giám đốc Grab Anthony Tan, cho rằng nền tảng "tận dụng những công nghệ mới nhất để xây dựng các giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề thực tế mà mọi người đang gặp phải". Không quên giữ chân đối tác nhà hàng và tài xế, trung tuần tháng 4, ông lớn gọi xe Singapore tung tiếp trợ lý AI cho thương nhân và tài xế, giúp họ cải thiện khả năng xử lý đơn hàng và cuốc xe.
Còn lại trong top 3 với 9% thị phần, Be kiên trì chiến lược "siêu ứng dụng". Đến nay, hệ sinh thái của nền tảng này tích hợp 12 nhóm dịch vụ thiết yếu - từ gọi xe, giao đồ ăn, đặt vé, thanh toán đến giúp việc theo giờ. Đến nay, nền tảng công bố có hơn 10 triệu người dùng, hơn 10.000 đối tác từ các lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ, giải trí, ngân hàng, thanh toán và logistics.
Theo Be, cung cấp nhiều dịch vụ giúp họ giảm chi phí tiếp thị, bán chéo linh hoạt và tăng trưởng doanh số giao dịch (GMV) 60% năm ngoái. Ngoài ra, người dùng tăng 50%, bao gồm cả người dùng cá nhân và chủ quán/doanh nghiệp. Công ty cho hay, 70% người dùng của họ sử dụng từ hai dịch vụ trở lên, và có mức chi tiêu cao gấp 25 lần nhóm người dùng đơn dịch vụ.
Ngoài các thương hiệu phổ biến, các nền tảng khác cũng kiên trì tìm kiếm cơ hội. Vào Việt Nam từ 2019, Tada vẫn hoạt động tại TP HCM nhờ lợi thế giá rẻ do không thu chiết khấu tài xế. Nền tảng hiện cung cấp dịch vụ gọi xe 2 bánh và 4 bánh, chỉ chấp nhận thanh toán tiền mặt hoặc thẻ tín dụng.
Hay như nền tảng Lalamove (Hong Kong) quyết định tham gia chở người bằng xe 2 bánh và 4 bánh tại TP HCM từ tháng này, sau 8 năm cung cấp dịch vụ giao hàng. Giám đốc điều hành Lalamove Việt Nam Nguyễn Hải Đăng nói gia nhập thị trường gọi xe "nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển tiết kiệm hơn của khách hàng và mong muốn cải thiện thu nhập của đối tác tài xế".
Viễn Thông