Google sắp không còn 'cảm thấy may mắn'

Nhằm cạnh tranh với các đối thủ tìm kiếm bằng AI như ChatGPT hay Bing AI, Google sẵn sàng thay đổi một phần quan trọng trên giao diện của sản phẩm.
![]() |
Google buộc phải thay đổi trước sức ép từ các công cụ AI. Ảnh: Reuters. |
Công ty tìm kiếm lớn nhất thế giới dự tính thay đổi giao diện trang web của mình. Cụ thể, tính năng AI Mode sẽ thay thế cho tiện ích “I’m Feeling Lucky” (bản tiếng Việt là Xem trang đầu tiên tìm được) ngay bên dưới thanh tìm kiếm, đặt cạnh nút “Google Search”.
Dù chưa được phổ biến rộng rãi, tính năng được đặt ở một vị trí trên giao diện mà CNBC cho rằng “Google hiếm khi thay đổi”, “bất động sản quý giá nhất”. Điều này cho thấy công ty đang rất nghiêm túc trong việc đưa AI vào trải nghiệm tìm kiếm cốt lõi, trong bối cảnh chịu áp lực cạnh tranh trong lĩnh vực tìm kiếm do AI tạo sinh dẫn đầu.
Tính năng này đã bắt đầu được triển khai cho một số người dùng trong tuần qua, một phát ngôn viên của Google xác nhận. Người này cũng cho biết công ty đang thử nghiệm tính năng mới thông qua “Labs”, đơn vị chuyên thử nghiệm dành cho người dùng đăng ký dùng thử. Tuy nhiên, không phải tính năng nào cũng sẽ được triển khai chính thức.
![]() |
Giao diện ứng dụng chế độ mới của Google. Ảnh: CNBC. |
Các nhà đầu tư của Alphabet, công ty mẹ của Google, bắt đầu đưa ra lo ngại kể từ khi ChatGPT ra mắt vào tháng 11/2022. Họ cho rằng OpenAI có thể giành thị phần trong mảng tìm kiếm, bằng cách mang đến cho người dùng những cách thức mới để tra cứu thông tin trên mạng.
Tháng 10/2024, OpenAI ra mắt “ChatGPT Search”, đặt mình vào vị thế cạnh tranh trực tiếp hơn với các công cụ tìm kiếm như Google, Bing và Perplexity. Microsoft đã đầu tư gần 14 tỷ USD vào OpenAI, tuy nhiên ChatGPT lại cạnh tranh trực tiếp với chính các công cụ AI và tìm kiếm của hãng, như Copilot và Bing. Trong khi đó, Gemini, sản phẩm AI chủ lực của Alphabet, đã cho thấy hiệu suất ngang bằng hoặc vượt trội so với các đối thủ hàng đầu. Theo một phân tích nội bộ, AI Gemini hiện có khoảng 35 triệu người dùng hoạt động hàng ngày, so với ước tính 160 triệu của ChatGPT. Theo Statcounter, thị phần lưu lượng tìm kiếm toàn cầu của Google đã giảm khoảng 2% mỗi năm, từ 93% vào tháng 3/2023 xuống còn 89,71% cùng kỳ năm 2025. Phó chủ tịch cấp cao phụ trách mảng dịch vụ của Apple, Eddy Cue, cho biết vào ngày 7/5 rằng số lượt tìm kiếm Google qua trình duyệt Safari đã chứng kiến mức giảm lần đầu tiên trong lịch sử vào tháng 4. Nhận định về điều này, Ming-Chi Kuo, nhà phân tích kỳ cựu về Apple cho rằng việc nghĩ rằng AI tạo sinh sẽ không ảnh hưởng đến mảng quảng cáo của Google là một sai lầm. “Các nhà cung cấp dịch vụ AI tạo sinh hiện vẫn chưa triển khai quảng cáo, vì vậy Google Ads vẫn là lựa chọn tốt nhất,” Kuo viết. Theo báo cáo lần đầu của CNBC, Google đã bắt đầu thử nghiệm các thiết kế trang chủ nội bộ từ năm 2023. Một thiết kế tiềm năng khi đó gồm cho hiển thị 5 gợi ý câu hỏi bên dưới thanh tìm kiếm chính, thay thế cho nút “I’m Feeling Lucky” hiện tại. Google cũng thử nghiệm biểu tượng trò chuyện nhỏ nằm ở phía bên phải của thanh tìm kiếm. Vào tháng 3, Google thông báo sẽ bắt đầu thử nghiệm AI Mode với một nhóm người dùng được chọn. Tuy nhiên, trong mô tả ban đầu, tính năng này được cho là sẽ được thử nghiệm trên trang kết quả tìm kiếm, chứ không phải trang chủ. Công ty gọi đây là một thử nghiệm nhằm mang đến khả năng “lý luận nâng cao, tư duy và xử lý đa phương tiện, giúp bạn trả lời cả những câu hỏi hóc búa nhất". Hai nhà sáng lập Google tự tay làm nên tất cả Kể về câu chuyện của 25 doanh nhân của thế giới, sách "Họ đã làm gì để thay đổi thế giới?" vừa là một “kho” tư liệu về tinh thần doanh nhân vừa là nguồn cảm hứng cho những ai muốn tự mình sáng tạo nên những điều ý nghĩa.