Nhảy đến nội dung
 

Giữa chốn xa quê, người Khmer ‘bồi hồi’ khi đón Tết Chôl Chnăm Thmây

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là 1 trong 3 lễ hội lớn của đồng bào dân tộc Khmer. Trong đó, Chôl nghĩa là vào, Chnăm Thmây nghĩa là năm mới.

Những ngày giữa tháng tư, thời điểm giao nhau của hai mùa mưa nắng, cỏ cây, hoa lá cũng tốt tươi, đây là lúc đồng bào dân tộc Khmer gửi cho nhau những lời chúc mừng năm mới trong dịp tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây.

Trong văn hóa người Khmer ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, họ sống quần cư thành các phum, các sóc. Và đối với các phum, sóc này, chùa là nơi rất quan trọng, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa chung của cộng đồng.

Có lẽ không chỉ là người Khmer, mà ngay cả nhiều dân tộc khác cùng sinh sống tại TP.HCM cũng đã ghé thăm ngôi chùa Chantarangsay, Q.3, TP.HCM để hòa chung niềm vui, hân hoan đón tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây.

Giữa lòng TP.HCM, nơi mà nhiều đồng bào dân tộc Khmer sống xa xứ, họ luôn mong chờ đón tết cùng gia đình, người thân. Tết Chol Chnam Thmay chính là dịp để họ hòa mình vào không khí đón tết của dân tộc và cũng là dịp để họ gắn kết thêm tình yêu thương với nhau.

Trong chuỗi ngày lễ tết Chôl Chnăm Thmây tại chùa Chantarangsay diễn ra nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như đắp núi cát, tắm Phật. Núi cát tượng trưng cho sự sung túc, đầy đủ, đắp núi cát thể hiện cho sự góp nhặt tích lũy các công đức trong năm cũ và tưởng nhớ đến đức Phật, công ơn dưỡng dục của ông bà, cha mẹ.

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là lễ hội truyền thống lâu đời của người dân Khmer mang nhiều giá trị, ý nghĩa tinh thần. Việc duy trì tổ chức đón Tết qua hàng năm, đồng bào dân tộc Khmer đã bảo tồn và phát huy được truyền thống tốt đẹp của bản sắc văn hóa miền Nam bộ sông nước.