Giông bão lại đến với dầu Nga: Châu Âu hạ trần dầu thô gây sốc, mở rộng trừng phạt nhằm thẳng đội tàu ngầm bóng tối

EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga với quyết định hạ giá trần xuống mức mới.
Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga, trong đó đáng chú ý là quyết định hạ mức trần giá dầu thô của Nga từ 60 USD xuống còn 47,6 USD/thùng. Động thái này nhằm siết chặt các nguồn thu từ năng lượng của Moscow, trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo cơ chế giá trần do nhóm G7 và EU đặt ra, các chuyến hàng dầu thô của Nga xuất khẩu sang các nước thứ ba chỉ được tiếp cận với các dịch vụ bảo hiểm và tài chính của phương Tây nếu giá bán không vượt quá mức trần. EU cho biết việc hạ trần giá lần này nhằm phản ánh giá dầu toàn cầu hiện tại, đồng thời thiết lập một cơ chế tự động và linh hoạt để điều chỉnh mức giá này theo thời gian, bảo đảm tính hiệu quả và khả thi trong thực thi chính sách.
Bên cạnh việc điều chỉnh giá trần, EU cũng mở rộng phạm vi trừng phạt, tập trung vào các hoạt động vận chuyển dầu mỏ của Nga thông qua "đội tàu ngầm” – tức các tàu chở dầu hoạt động không minh bạch, thường không bật hệ thống định vị và né tránh các biện pháp kiểm soát quốc tế. Có tổng cộng 105 tàu mới bị đưa vào danh sách trừng phạt, nâng tổng số tàu bị cấm vào cảng và nhận dịch vụ hàng hải trong EU lên con số 444.
Ngoài ra, EU áp đặt lệnh cấm giao dịch hoàn toàn đối với đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2, bao gồm cả việc cung cấp dịch vụ và thiết bị phục vụ cho vận hành, bảo trì hay hoàn thiện hai đường ống này – qua đó loại bỏ khả năng sử dụng trong tương lai.
Gói trừng phạt lần này cũng mở rộng đối tượng sang các doanh nghiệp và cá nhân hỗ trợ thương mại dầu mỏ của Nga. Các công ty quản lý đội tàu ngầm, thương nhân buôn bán dầu Nga, cùng một nhà máy lọc dầu lớn ở Ấn Độ (nơi Tập đoàn Rosneft là cổ đông chính) đã bị đưa vào danh sách trừng phạt với các biện pháp bao gồm đóng băng tài sản, cấm đi lại và hạn chế tiếp cận nguồn lực tài chính - kỹ thuật từ EU.
Đáng chú ý, khối này cũng cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế có nguồn gốc từ dầu thô của Nga nếu được chế biến tại các quốc gia thứ ba, ngoại trừ một số đối tác thân cận gồm Canada, Na Uy, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Mỹ. Đây là nỗ lực nhằm ngăn chặn dầu Nga quay trở lại thị trường EU qua các “cửa sau”.
Quá trình thông qua gói trừng phạt lần này diễn ra sau nhiều tuần đàm phán, với điểm nghẽn là sự phản đối ban đầu từ Slovakia. Bratislava chỉ đồng ý dỡ bỏ quyền phủ quyết sau khi nhận được các cam kết về an ninh năng lượng sau thời điểm 1/1/2028 – thời hạn EU dự kiến ngừng hoàn toàn nhập khẩu khí đốt từ Nga. Hiện Slovakia vẫn tiếp tục nhập khẩu khí đốt Nga qua tuyến Balkan và có hợp đồng với Gazprom đến năm 2034.