Giới ngân hàng Mỹ chao đảo: Tiền số hút 6,6 nghìn tỷ USD tiền gửi, người dân sẽ thanh toán, vay vốn qua blockchain

Bộ tài chính Mỹ cảnh báo tiền số stablecoin có nguy cơ làm chao đảo hệ thống tài chính, tác động mạnh đến hoạt động gửi tiền và tín dụng.
Trong bối cảnh Quốc hội Mỹ vừa thông qua Dự luật Genius Act, khung pháp lý đầu tiên nhằm điều chỉnh hoạt động của stablecoin (loại tiền số được định giá bởi những tài sản ổn định như tiền fiat, vàng bạc), làn sóng cảnh báo đang dâng cao trong giới ngân hàng.
Không đơn thuần là một công cụ thanh toán số, stablecoin đang dần lấn sân và đe dọa phá vỡ trật tự vốn có của hệ thống tài chính, khi hút tiền gửi khỏi các ngân hàng truyền thống và làm lung lay nền tảng hoạt động tín dụng, trái tim của kinh tế hiện đại.
6,6 nghìn tỷ USD
Stablecoin là loại tài sản kỹ thuật số được thiết kế để giữ giá ổn định bằng cách neo theo giá của một đồng tiền pháp định, phổ biến nhất là USD. Không giống Bitcoin hay Ethereum với biến động giá dữ dội, stablecoin hướng tới việc trở thành "đồng USD kỹ thuật số" – tiện dụng, linh hoạt, và dễ dùng trong thanh toán.
Hiện nay, stablecoin được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch tiền mã hóa, nhưng khi khung pháp lý rõ ràng hơn, tiềm năng ứng dụng của chúng trong thanh toán xuyên biên giới, chuyển tiền, và các dịch vụ tài chính sẽ mở rộng nhanh chóng. Và đây chính là điểm khiến các ngân hàng phải dè chừng.
Theo một báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, nếu stablecoin được chấp nhận rộng rãi, hệ thống ngân hàng có thể chứng kiến dòng tiền gửi chảy ra với quy mô lên tới 6,6 nghìn tỷ USD, một con số khổng lồ có thể làm chao đảo thị trường tài chính.
Tiền gửi khách hàng không chỉ là "vốn" cho các ngân hàng. Đó là nguồn lực để họ tái đầu tư qua các khoản vay dành cho doanh nghiệp và cá nhân, từ đó duy trì dòng chảy tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Khi người tiêu dùng rút tiền ra khỏi tài khoản ngân hàng để nắm giữ stablecoin – vốn có thể giao dịch 24/7, chuyển nhanh và hầu như không tốn phí – thì năng lực cho vay của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Các nhà phát hành stablecoin như Circle và Tether kiếm doanh thu bằng cách đầu tư số tiền mà người dùng dùng để mua token vào các tài sản có lợi suất cao như Trái phiếu kho bạc.
Tất nhiên, con số khổng lồ này phụ thuộc vào việc liệu các nhà phát hành stablecoin có thể cung cấp mức lợi suất cạnh tranh với các tài khoản ngân hàng truyền thống hay không.
Hiện tại, stablecoin chủ yếu được sử dụng để giao dịch trong thế giới tiền điện tử. Tuy nhiên, với một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, stablecoin có thể được sử dụng rộng rãi hơn cho các khoản thanh toán, đặc biệt là thanh toán xuyên biên giới, vốn có thể nhanh hơn và rẻ hơn đáng kể so với hệ thống hiện tại.
Lách luật
Bên cạnh đó, mặc dù dự luật Genius Act cấm các nhà phát hành stablecoin trực tiếp trả lãi hoặc lợi suất cho người nắm giữ, nhưng các kẽ hở vẫn có thể tồn tại, các công ty vẫn có thể "lách luật" bằng cách hợp tác với các sàn giao dịch như Coinbase để đưa ra các chương trình "thưởng".
Ví dụ, Coinbase, một sàn giao dịch tiền điện tử lớn, đang cung cấp chương trình thưởng 4,10% cho khách hàng nắm giữ USD Coin (USDC) – một loại stablecoin phổ biến do Circle phát hành.
Dù Coinbase khẳng định đây là chương trình độc lập, các nhà phê bình cho rằng nó không khác gì việc trả lãi cho stablecoin, làm dấy lên mối lo ngại từ các tổ chức ngân hàng về sự cạnh tranh không lành mạnh.
Điều này khiến stablecoin trông không khác gì một loại tài khoản tiết kiệm sinh lời, lại không bị kiểm soát chặt như ngân hàng.
Một điểm đáng chú ý là trong khi các ngân hàng bị ràng buộc bởi hàng loạt quy định về thanh khoản, bảo hiểm tiền gửi (FDIC) và dự trữ bắt buộc thì các công ty phát hành stablecoin – như Circle (USDC) hay Tether (USDT) – hiện chưa chịu cùng cấp độ giám sát.
Nếu một khách hàng rút tiền từ tài khoản được FDIC bảo hiểm để mua stablecoin, số tiền đó có thể được nhà phát hành stablecoin gửi lại vào một tài khoản ngân hàng lớn hơn, vượt quá giới hạn bảo hiểm tiền gửi 250.000 USD. Điều này đặt ra câu hỏi về sự ổn định tài chính trong trường hợp có biến động.
Hơn nữa, sự dịch chuyển của tiền gửi từ ngân hàng sang stablecoin có thể có hàm ý kinh tế vĩ mô sâu rộng. Các ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa tiền trở lại nền kinh tế thông qua các khoản vay cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Nếu dòng tiền gửi bị giảm sút, khả năng cho vay của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Mối lo ngại này sẽ càng gay gắt nếu các nhà phát hành stablecoin phi ngân hàng được phép tiếp cận trực tiếp hệ thống Cục Dự trữ Liên bang (Fed), điều mà dự luật Genius Act không cấm.
Phát hành tiền số
Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay bức tranh càng trở nên phức tạp khi các tập đoàn công nghệ lớn như Amazon hay Walmart cũng đang xem xét phát hành stablecoin riêng.
Nếu điều này xảy ra, người tiêu dùng có thể chuyển thẳng thu nhập của mình vào ví kỹ thuật số, chi tiêu và tiết kiệm bằng stablecoin – mà không cần tới ngân hàng truyền thống.
Nguy cơ rõ ràng là một làn sóng "phi ngân hàng hóa" tài sản người tiêu dùng – vốn có thể dẫn đến sự tập trung tiền gửi vào các tổ chức phát hành stablecoin không được bảo hiểm, làm gia tăng rủi ro hệ thống trong những thời điểm khủng hoảng tài chính.
Dù lo ngại là có cơ sở, các ngân hàng không hoàn toàn bị động. Một số "ông lớn" trong ngành ngân hàng Mỹ đã bắt đầu lên kế hoạch phát hành stablecoin của riêng mình thông qua liên minh, vừa để cạnh tranh, vừa giữ chân khách hàng.
Đồng thời, họ cũng xem xét vai trò mới trong chuỗi giá trị stablecoin – như quản lý tài sản dự trữ hoặc làm cầu nối giữa stablecoin và hệ thống tiền pháp định.
Sự trỗi dậy của stablecoin không đơn thuần là một bước tiến công nghệ. Nó là lời cảnh báo rằng vai trò trung gian của ngân hàng – vốn được duy trì hàng thế kỷ – đang bị thử thách nghiêm trọng.
Khi công nghệ và thị trường dịch chuyển nhanh chóng, ngân hàng buộc phải thích nghi, sáng tạo và tái định nghĩa lại giá trị của mình, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua tiền tệ của tương lai.
*Nguồn: WSJ, Fortune, BI