THẾ GIỚI 24H: Liên minh châu Âu cảnh báo áp thuế hơn 200 mặt hàng nếu đàm phán với Mỹ thất bại

TPO - Ngày 8/5, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo sẽ nhắm mục tiêu áp thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ có tổng trị giá 95 tỷ euro (107 tỷ USD) nếu các cuộc thương thuyết với nhóm đàm phán của Chính phủ Mỹ không thể ngăn một cuộc chiến thương mại.
![]() |
Cờ Liên minh châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX |
Ngày 8/5, EU công bố danh sách áp thuế dài 218 trang nhằm gia tăng áp lực buộc Mỹ phải đạt được một thỏa thuận trong tiến trình đàm phán.Danh sách này liệt kê tất cả các sản phẩm mà EU có thể nhắm tới, bao gồm máy bay, ô tô, tóc giả, các loại hạt, trái cây, nhựa, hóa chất và thiết bị điện do Mỹ sản xuất. Danh sách cũng đề cập đến rượu whisky bourbon - loại rượu đã bị loại khỏi danh sách các biện pháp trả đũa đầu tiên nhằm bảo vệ rượu vang và rượu mạnh châu Âu khỏi nguy cơ bị trả đũa. EU khẳng định nếu Tổng thống Trump không “xuống thang”, khối này sẽ chuẩn bị thực hiện các biện pháp cực đoan hơn, bao gồm cả việc nhắm vào các công ty công nghệ lớn của Mỹ. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết sẽ đồng thời đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thuế quan mạnh đối với EU.
Ấn Độ và Pakistan cáo buộc nhau tấn công bằng UAV và tên lửa. Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đang gia tăng đáng lo ngại khi cả hai nước cùng cáo buộc đối phương tiến hành các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) và tên lửa. Theo trang The Guardian (Anh), Chính phủ Ấn Độ tuyên bố đã chặn đứng nhiều cuộc tấn công nhắm vào ít nhất 12 thành phố, trong khi Pakistan khẳng định đã bắn hạ 25 thiết bị bay không người lái của Ấn Độ trong đêm. Diễn biến mới nhất này đánh dấu bước leo thang nghiêm trọng trong quan hệ song phương, sau khi các cuộc không kích của Ấn Độ vào lãnh thổ Pakistan vào rạng sáng ngày 7/5 khiến 31 người thiệt mạng.
Mỹ chặn Dự luật về tiền điện tử vì lo ngại các giao dịch của Tổng thống Trump. Trong động thái mới nhất liên quan đến tiền điện tử, Thượng viện Mỹ, với số phiếu 49/48, đã chặn dự luật đầu tiên về quản lý tiền điện tử khi nhiều thành viên đảng Dân chủ bày tỏ sự lo ngại về các các giao dịch tiền điện tử của chính Tổng thống Trump. Cuộc bỏ phiếu ngày 8/5 về dự luật tiền điện tử diễn ra sau nhiều tháng tranh cãi căng thẳng giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Dự luật này, được gọi là Đạo luật GENIUS, tập trung vào quản lý cái gọi là “stablecoin”, một loại tiền kỹ thuật số gắn với giá trị ổn định của một tài sản cụ thể, trong trường hợp này là USD. Mặc dù hai đảng cơ bản đồng thuận về việc phải xây dựng quy định đối với tiền điện tử nhưng các thành viên Dân chủ yêu cầu cần phải điều chỉnh sâu rộng hơn nữa, trong đó có cả nội dung giải quyết những lo ngại về giao dịch tiền điện tử của ông Trump trong thời gian vừa qua.
Giáo hoàng Leo XIV - Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đến từ Mỹ. Ngày 8/5 (theo giờ địa phương), Hồng y người Mỹ Robert Prevost, 69 tuổi, đã được bầu làm tân Giáo hoàng và người đứng đầu Giáo hội Công giáo Roma đã chọn lấy tên là Giáo hoàng Leo XIV. Giáo hoàng Leo XIV là Giáo hoàng thứ 267, có kinh nghiệm toàn cầu, nhiều năm làm việc tại Peru và Vatican. Giáo hoàng Leo XIV dự kiến sẽ tiếp tục các cải cách của Giáo hoàng Francis. Ngài là Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đến từ Mỹ.
Nhiều nước tổ chức kỷ niệm 80 năm Chiến thắng phát xít. Nhiều nước đã tổ chức các hoạt động phong phú và ý nghĩa nhằm kỷ niệm 80 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới II. Tâm điểm chú ý của giới truyền thông là lễ duyệt binh ngày 9/5 ở Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow của Nga với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Không chỉ tại châu Âu, lễ kỷ niệm 80 năm ngày chiến thắng phát xít Đức cũng diễn ra tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, hàng trăm người tham gia cuộc diễu hành "Binh đoàn bất tử". Tại Angola, Venezuela, Liban và Iraq cũng tổ chức các hoạt động phong phú như lễ kỷ niệm, hòa nhạc, triển lãm ảnh...
Tỷ phú Bill Gates cam kết tặng phần lớn tài sản cá nhân trong 20 năm tới. Theo hãng tin Reuters, ông Bill Gates cho biết những người nghèo nhất thế giới sẽ nhận khoảng 200 tỷ USD thông qua quỹ từ thiện của ông. Tuyên bố trên được đưa ra vào thời điểm các chính phủ trên toàn cầu đang cắt giảm viện trợ quốc tế. Ông cũng chỉ trích tỷ phú Elon Musk, người giàu nhất thế giới và là nhân vật chủ chốt trong chính quyền Tổng thống Donald Trump, cáo buộc ông Musk làm tổn hại tới những đứa trẻ nghèo nhất thế giới khi cắt giảm mạnh ngân sách viện trợ của Mỹ.