THẾ GIỚI 24H: Ấn Độ tấn công Pakistan

TPO - Sáng ngày 7/5, Chính phủ Ấn Độ thông báo thực hiện các cuộc không kích nhằm vào 9 địa điểm bên trong lãnh thổ Pakistan và vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát.
![]() |
Ngôi nhà đổ nát sau vụ tấn công bằng tên lửa của Ấn Độ. (Nguồn: AP) |
Các cuộc không kích nhằm đáp trả vụ tấn công khủng bố khiến hơn hai chục dân thường thiệt mạng tại khu vực Kashmir do Ấn Độ quản lý cách đây hai tuần. New Delhi khẳng định các mục tiêu không phải là cơ sở quân sự và hành động của họ mang tính “tập trung, có kiểm soát và không leo thang".Phía Pakistan xác nhận có 5 địa điểm bị tấn công tại tỉnh Punjab và phần lãnh thổ Kashmir do nước này kiểm soát. Chính phủ Pakistan tuyên bố sẽ “đáp trả vào thời điểm và địa điểm được lựa chọn", đồng thời cảnh báo “niềm vui nhất thời của Ấn Độ sẽ sớm bị thay thế bằng nỗi đau kéo dài".
Pakistan họp khẩn sau khi bị Ấn Độ tấn công. Bộ trưởng Thông tin Pakistan Attaullah Tarar thông báo Thủ tướng Sharif đã triệu tập một cuộc họp Ủy ban An ninh quốc gia vào lúc 10 giờ sáng 7/5 (giờ địa phương, tức 12 giờ theo giờ Việt Nam). Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif tuyên bố Islamabad đang đưa ra "phản ứng mạnh mẽ" trước những gì mà theo ông là “một hành động chiến tranh” từ phía Ấn Độ. Trong bài đăng trên mạng xã hội X, Thủ tướng Sharif khẳng định Pakistan có mọi quyền đáp trả mạnh mẽ đối với hành động của Ấn Độ, đồng thời kêu gọi "toàn thể đất nước sát cánh cùng lực lượng vũ trang Pakistan.”
Đức chính thức có tân thủ tướng sau 2 vòng bỏ phiếu kịch tính. Ông Friedrich Merz, lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), đã chính thức trở thành thủ tướng Đức sau 2 vòng bỏ phiếu đầy kịch tính tại Quốc hội nước này trong hôm 6/5. Chiến thắng của ông Merz đến sau thất bại bất ngờ ở vòng bỏ phiếu đầu tiên, khi nhà lãnh đạo CDU chỉ nhận được 310 phiếu ủng hộ, thiếu 6 so với mức tối thiểu 316 phiếu cần thiết để được Quốc hội Đức (Bundestag) bầu làm thủ tướng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Đức kể từ sau Thế chiến II, một ứng viên thủ tướng không giành được đa số phiếu ủng hộ ngay từ lần bỏ phiếu đầu tiên dù đã đạt thỏa thuận liên minh.
Nga và Ukraine trao đổi tù binh. Bộ Quốc phòng Nga thông báo nước này và Ukraine ngày 6/5 đã trao đổi tù binh với số lượng 205 người mỗi bên. Trong một tuyên bố, bộ trên nêu rõ sau quá trình đàm phán, 205 quân nhân Nga đã được trao trả từ vùng lãnh thổ do chính quyền Kiev kiểm soát. Đổi lại, 205 tù binh người Ukraine cũng đã được thả. Tuyên bố cũng cho biết Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) hỗ trợ làm trung gian trong cuộc trao đổi này và hiện các tù binh Nga được trả tự do đang ở Belarus để kiểm tra sức khoẻ và tâm lý.
Ông Catalin Predoiu được bổ nhiệm làm quyền Thủ tướng Romania. Văn phòng Tổng thống Romania thông báo ngày 6/5, Bộ trưởng Nội vụ nước này Catalin Predoiu đã được bổ nhiệm làm quyền Thủ tướng, 1 ngày sau khi Thủ tướng Romania Marcel Ciolacu tuyên bố từ chức. Ông Predoiu, 56 tuổi, cũng từng giữ chức quyền Thủ tướng năm 2012 và hiện là quyền Chủ tịch đảng Tự do (PNL).
Chính quyền quân sự Myanmar gia hạn lệnh ngừng bắn tạm thời. Ngày 6/5, chính quyền quân sự Myanmar thông báo gia hạn lệnh ngừng bắn tạm thời đến ngày 31/5. Theo thông báo, quyết định gia hạn có hiệu lực từ ngày 6/5 nhằm hỗ trợ các nỗ lực phục hồi và tái định cư ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất, phục vụ lợi ích của đất nước và người dân, đồng thời thúc đẩy hòa bình và ổn định lâu dài. Trước đó, chính quyền quân sự Myanmar đã ban bố lệnh ngừng bắn tạm thời từ ngày 2 - 30/4 để đẩy nhanh các hoạt động cứu hộ và tái định cư sau trận động đất có cường độ 7,9 hôm 28/3 vừa qua.
Trung Quốc phản ứng mạnh trước ý đồ lôi kéo quan chức cấp cao hợp tác với CIA. Theo hãng tin Reuters, ngày 6/5, Trung Quốc cảnh báo rằng nước này sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để trấn áp "các hoạt động xâm nhập và phá hoại của các thế lực chống Trung Quốc ở nước ngoài", nhằm đáp trả các video bằng tiếng Trung do Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) công bố trước đó. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm miêu tả các video này là “vi phạm nghiêm trọng lợi ích quốc gia của Trung Quốc” và là hành động khiêu khích chính trị “trần trụi”.
Châu Âu công bố kế hoạch dừng mua khí đốt Nga. Liên minh châu Âu (EU) ngày 6/5 công bố kế hoạch dần loại bỏ nhập khẩu khí đốt Nga từ nay đến cuối năm 2027. Phát biểu tại họp báo công bố kế hoạch, Ủy viên Năng lượng EU Dan Jorgensen nêu rõ kế hoạch của Ủy ban châu Âu (EC) gồm 2 bước sẽ chấm dứt các hợp đồng mới và các hợp đồng giao ngay ngắn hạn với các nhà cung cấp của Nga từ cuối năm nay, đồng thời hướng tới việc ngừng toàn bộ hoạt động nhập khẩu khí đốt Nga từ cuối năm 2027.