Nhảy đến nội dung

'Giáo viên mất uy khi bỏ đình chỉ học sinh'

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh các cấp học phổ thông. Theo đó, ở cấp tiểu học, chỉ áp dụng hai hình thức kỷ luật là "nhắc nhở" và "yêu cầu xin lỗi"; học sinh cấp THCS, THPT bị nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm. Đồng thời, giáo viên không được phép phê bình học sinh trước lớp, trước trường. So với hiện nay, Bộ đã bỏ đình chỉ học có thời hạn.

Với tư cách là một người mẹ có hai con gái, trong đó con gái út hiện đang học lớp 4, đồng thời là một giảng viên thỉnh giảng bộ môn tiếng Trung ở một số trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội, tôi xin phép nêu quan điểm với đề xuất trên.

Trên tinh thần bảo vệ tâm lý trẻ nhỏ, quy định này khá nhân văn. Nhưng nếu nhìn sâu và rộng hơn, nó dễ trở thành một "con dao hai lưỡi" vừa làm khó giáo viên trong công tác giáo dục, vừa có thể khiến trẻ nhỏ hình thành nhận thức sai lệch về trách nhiệm, kỷ luật và giới hạn hành vi.

Thứ nhất, kỷ luật là một phần thiết yếu trong giáo dục toàn diện, giáo dục không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn là dạy làm người. Trong bất kỳ môi trường học tập nào, việc rèn luyện ý thức kỷ luật, trách nhiệm với hành vi của mình là điều cần thiết. Nếu chỉ dừng lại ở việc "nhắc nhở" hoặc "yêu cầu xin lỗi", chúng ta vô hình trung đang làm suy yếu vai trò điều chỉnh hành vi và giáo dục đạo đức của nhà trường.

Ở lứa tuổi tiểu học, giai đoạn định hình nhân cách đầu tiên, trẻ cần hiểu được thế nào là đúng - sai, phải - trái. Để làm được điều đó, việc khen - chê, thưởng - phạt một cách hợp lý, công khai và có phương pháp là điều cần thiết. Nếu giáo viên không được phép phê bình, sẽ rất khó để học sinh tự điều chỉnh hành vi, từ đó thiếu đi khả năng tự đánh giá bản thân.

>> 'Học sinh cá biệt rất thích bị đình chỉ học'

Ở đây, phê bình không đồng nghĩa với mắng chửi hay bêu xấu. Một lời phê bình mang tính xây dựng, nói rõ điều chưa tốt, gợi mở hướng sửa sai chính là bài học quý giá để trẻ trưởng thành. Chúng ta không nên cào bằng khái niệm "phê bình" với "trừng phạt tinh thần", điều này dễ khiến các nhà giáo lúng túng, bị động.

Trẻ tiểu học dù còn nhỏ nhưng cũng cần hiểu rằng mọi hành vi đều có hệ quả. Việc giới hạn hình thức kỷ luật quá nhẹ nhàng khiến học sinh có thể xem nhẹ quy tắc, chưa thực sự nhận thức được ranh giới đúng - sai và hậu quả của hành vi sai trái. Chẳng hạn, với hành vi đánh bạn, nói dối, phá hoại tài sản... chỉ "nhắc nhở" liệu có đủ răn đe?

Thứ hai, không có ranh giới rõ ràng giữa "nhắc nhở" và "phê bình". Theo quy định mới, giáo viên chỉ được "nhắc nhở" học sinh. Vậy nhắc nhở bao nhiêu lần là đủ? Nếu học sinh cố tình tái phạm, thậm chí gây ảnh hưởng đến bạn bè hay môi trường học tập trung, liệu việc chỉ "nhắc" có còn hiệu quả? Thực tế cho thấy, nhiều học sinh tiểu học có hành vi quậy phá, bạo lực, vi phạm nội quy nhưng giáo viên "sợ" bị tố cáo xúc phạm nhân phẩm nên đành im lặng hoặc xử lý chiếu lệ. Lâu dần, sự buông lỏng kỷ luật sẽ trở thành hệ quả nghiêm trọng hơn rất nhiều, cả với học sinh, với giáo viên và nhà trường.

Thứ ba, phụ huynh cần sự phối hợp rõ ràng từ nhà trường. Là một người mẹ, tôi luôn mong muốn nhà trường không chỉ dạy kiến thức mà còn hỗ trợ cha mẹ trong việc rèn con về nề nếp, ứng xử. Nếu nhà trường gần như không có quyền áp dụng biện pháp kỷ luật nào rõ ràng, thì liệu phụ huynh có còn niềm tin rằng con mình đang được uốn nắn một cách nghiêm túc?

Tôi không ủng hộ hình thức kỷ luật xúc phạm, làm tổn thương danh dự trẻ. Tuy nhiên, sự răn đe ở mức vừa đủ như viết bản kiểm điểm, tạm thời chuyển chỗ ngồi, thông báo cho phụ huynh, hoặc thực hiện trách nhiệm sửa lỗi cụ thể (lao động công ích phù hợp) hoàn toàn có thể áp dụng để giáo dục trẻ một cách tích cực.

Thứ tư, giáo viên sẽ bị bó buộc, mất đi công cụ giáo dục cần thiết. Một giáo viên có năng lực sẽ biết lúc nào nên khen, lúc nào cần chê và chê thế nào để học sinh không tổn thương mà vẫn nhận ra cái sai. Việc tước bỏ quyền phê bình khiến giáo viên mất đi công cụ giáo dục quan trọng. Họ bị "trói tay" trong khi được kỳ vọng hoàn thành nhiệm vụ rèn giũa đạo đức, nhân cách cho học sinh. Một học sinh tiểu học nếu không được điều chỉnh đúng lúc sẽ rất dễ tái phạm, thậm chí "nhờn luật".

Thứ năm, quy định mới có thể tạo ra tâm lý "bất khả xâm phạm" cho một bộ phận học sinh, từ đó dẫn đến tâm lý coi thường giáo viên, thiếu tôn trọng nội quy, ảnh hưởng đến nỗ lực học tập và rèn luyện của tập thể. Giáo dục hiện đại hướng đến học sinh làm trung tâm, nhưng không có nghĩa là học sinh ở "trung tâm quyền lực". Trẻ nhỏ vẫn cần được hướng dẫn, điều chỉnh, và khi cần vẫn phải được phê bình nghiêm khắc, có lý có tình.

Thứ sáu, môi trường giáo dục không chỉ dành cho "học sinh ngoan". Là người đang giảng dạy đại học, cao đẳng, tôi gặp không ít sinh viên bước vào giảng đường với tâm lý ỷ lại, thiếu tôn trọng nguyên tắc, thậm chí chưa từng biết chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của mình. Một phần nguyên nhân bắt nguồn từ thói quen không được rèn luyện kỷ luật ngay từ những năm tiểu học. Nếu chỉ "yêu thương và nhắc nhở", nhưng không cho trẻ cơ hội chịu trách nhiệm thực sự với hành vi của mình, chúng ta sẽ đào tạo ra một thế hệ thiếu tính tự giác, thiếu kỹ năng sống trong cộng đồng, điều mà thực tế giảng dạy cho thấy ngày càng phổ biến.

Cuối cùng, giáo dục phải là sự kết hợp giữa yêu thương và kỷ luật. Một môi trường học đường an toàn, nhân văn không đồng nghĩa với môi trường "miễn phê bình". Cần rõ ràng trong khái niệm và linh hoạt trong thực hành, không nên vì sợ tác động tâm lý mà tuyệt đối hóa sự mềm mỏng.

Là người mẹ, tôi hiểu trẻ con cần được yêu thương. Là người giảng dạy trong ngành, tôi hiểu hơn nữa rằng giới hạn rõ ràng chính là nền tảng để trẻ phát triển đúng hướng. Kỷ luật, nếu được áp dụng đúng cách và phù hợp, sẽ không làm tổn thương trẻ mà giúp trẻ trưởng thành. Chúng ta cần một nền giáo dục yêu thương nhưng không buông lỏng, nhân văn nhưng không xuề xòa.

Vũ Thị Minh Huyền

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn