Giáo viên lưu ý dạng đề Toán liên hệ thực tiễn và lỗi học sinh dễ mắc

![]() |
Đề thi môn Toán kỳ thi tuyển sinh lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ kiểm tra tư duy và lập luận toán học, giải quyết vấn đề và mô hình hoá toán học. Ảnh: Tiền Phong. |
Chỉ còn khoảng một tháng nữa, hơn 100.000 học sinh lớp 9 Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT với ba bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Trong đó môn Toán có thời gian làm bài 120 phút.
Năm nay, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trên toàn quốc khá đặc biệt vì đây là năm đầu tiên học sinh thi theo chương trình GDPT 2018.
Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố cấu trúc đề thi và đề minh hoạ để học sinh dần làm quen, trong đó mạch kiến thức bao gồm: Số và đại số, Hình học và Đo lường, Thống kê và xác suất.
Đề thi môn Toán kỳ thi tuyển sinh lớp 10 theo chương trình GDPT mới sẽ kiểm tra tư duy và lập luận toán học, giải quyết vấn đề và mô hình hoá toán học. Giáo viên dạy Toán nhận định đề có nhiều câu hỏi liên hệ thực tiễn, đòi hỏi học sinh phải có năng lực tư duy, làm bài cẩn thận.
Những lỗi học sinh mất điểm đáng tiếc
Cô Đặng Văng Thủy, Tổ trưởng tổ Toán, bậc THCS của trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) chỉ ra những lỗi nhiều học sinh hay mắc phải, mất điểm một cách đáng tiếc cần lưu ý.
Theo cô Thủy, làm một đề thi, học sinh thường sai những lỗi như: Thiếu điều kiện xác định của bài rút gọn, giải phương trình, bài toán thực tế; thiếu đơn vị trong bài toán thực tế. Nhiều em làm đúng nhưng thiếu các bước lập luận, thiếu giải thích căn cứ của các kết quả sử dụng bài giải toán bằng cách lập phương trình, bài hình; làm tròn số không đúng yêu cầu, không chú ý dấu xấp xỉ của bài hình không gian.
Cũng không ít em sử dụng công thức sai vì có nhiều công thức tương tự nhau. Do đó, trong quá trình học, học sinh cần hiểu bản chất của từng công thức, thấy được sự giống và khác nhau giữa các công thức đó.
“Đặc biệt, cũng có em ẩu, khi cầm đề không đọc kỹ và vội vàng làm ngay dẫn đến sai hay đề có hai ý nhưng chỉ làm một ý, tìm giá trị nguyên của x nhưng không chú ý đến giá trị nguyên…”, cô Thủy nói.
Căn cứ vào đề minh họa của Sở GD&ĐT Hà Nội công bố thì điểm mới của đề thi năm nay là mạch nội dung về thống kê và xác suất. Đây là phần quan trọng, chiếm tới 1,5 điểm.
"Học sinh hay sai khi tính xác suất vì chưa phân biệt được sự khác nhau giữa xác suất thực hiện bởi một hành động và xác suất thực hiện bởi hai hành động liên tiếp. Ví dụ, chọn từng viên bi hai lần liên tiếp khác chọn cùng một lúc hai viên bi…", cô nói.
Cách thức ôn tập hiệu quả
Ở giai đoạn nước rút, cách kỳ thi chỉ còn hơn 4 tuần lễ, cô Thủy chỉ cho học sinh lớp 9 năm nay kinh nghiệm, cách thức ôn thi môn Toán một cách hiệu quả.
Theo cô giáo, đây là giai đoạn tổng ôn tập, rà soát kiến thức. Vì thế, các em nên ôn tập theo từng chủ đề, gắn với từng dạng câu hỏi của đề thi.
Khi tự luyện tập, học sinh nên tham khảo, làm các đề kiểm tra có đáp án và biểu điểm chi tiết. Sau khi làm xong, so sánh với đáp án để biết được những ý chính, những mốc quan trọng được ghi điểm và qua đó cũng biết được những chỗ mình hay bị mất điểm để rút kinh nghiệm cho bài thi chính thức.
Một vấn đề học sinh cần lưu ý là các em có thể dựa vào điểm tổng kết môn Toán năm lớp 9 và kết quả các bài khảo sát nhằm biết được lực học của mình thuộc nhóm nào, từ đó có giải pháp ôn tập hiệu quả.
Trường hợp là học sinh có học lực giỏi, điểm kiểm tra ổn định khoảng 9 điểm, các em tập trung luyện tập các câu hỏi vận dụng cao. Nếu thuộc nhóm học lực yếu hơn, các em nên tập trung rèn cách trình bày bài, chú ý sửa các lỗi hay bị mất điểm để lấy chắc điểm các câu nhận biết và thông hiểu, không quá chú trọng các câu vận dụng cao…
Với kinh nghiệm dạy học và ôn thi cho học sinh nhiều năm, cô Thủy cũng chỉ ra những kinh nghiệm làm bài thi môn Toán để đạt điểm số cao.
Cô cho rằng để đạt điểm số tốt nhất trong kỳ thi vào lớp 10 điều đầu tiên là phải giữ vững tâm lý khi vào phòng thi và ngay cả khi cầm đề thi trên tay để đọc kỹ đề, tránh nhầm lẫn.
Thứ hai, học sinh không nhất thiết làm lần lượt theo thứ tự các câu trong đề, mà nên làm theo nguyên tắc làm câu dễ trước, câu khó sau; làm câu quen trước, câu lạ sau. Trước hết phải không để mất điểm các câu hỏi nhận biết và thông hiểu, sau đó mới làm các câu vận dụng cao.
Trong quá trình làm bài luôn phải chú ý tránh các lỗi mình hay mắc phải trong quá trình học và những lỗi đã bị trừ điểm trong các bài kiểm tra, khảo sát.
Lưu ý làm tốt các câu ứng dụng thực tế
Đề thi môn Toán kỳ thi tuyển sinh năm nay có nhiều câu hỏi mang tính ứng dụng thực tế, cô giáo lưu ý học sinh để làm tốt dạng này các em phải có kiến thức thực tế liên quan các nội dung như: Lãi suất ngân hàng, chi phí sản xuất, doanh thu, lợi nhuận…
Điều này đòi hỏi học sinh phải tìm hiểu qua thầy cô, bạn bè, các phương tiện thông tin đại chúng cũng như qua hệ thống các đề minh họa, tham khảo của sở, các Phòng GD&ĐT và các trường. Với bài toán này, đề mới dừng ở mức yêu cầu học sinh hiểu một số vấn đề thực tế đơn giản.
Việc quan trọng nhất của dạng bài này là các em phải đưa được bài toán thực tế về mô hình Toán học quen thuộc và thường có các bước sau:
+ Xác định được đại lượng đề bài hỏi, thường đặt đó là ẩn. Bước này cần chú ý đơn vị, điều kiện của ẩn.
+ Biểu diễn các đại lượng chưa biết theo ẩn và các đại lượng đã biết.
+ Dùng các công thức để tính toán, thiết lập mối quan hệ giữa các đại lượng bằng các phương trình, bất phương trình.
+ Giải các phương trình cơ bản, hay sử dụng các bất đẳng thức quen thuộc rồi đưa ra câu trả lời cho bài toán thực tế.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.