Giáo viên lo bỏ đình chỉ học sẽ 'không đủ răn đe' học sinh

Bộ Giáo dục và Đào tạo vài ngày trước ra dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh. Theo đó, tùy mức độ vi phạm, học sinh tiểu học bị nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi; học sinh cấp THCS, THPT bị nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm.
So với hiện nay, Bộ đã bỏ việc đình chỉ học có thời hạn. Bộ cho biết việc kỷ luật nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn học sinh mắc lỗi, đồng thời giúp các em nhận thức được cái sai để tự giác điều chỉnh, khắc phục.
"Không sử dụng biện pháp kỷ luật mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần học sinh", Bộ nhấn mạnh.
Thầy Đáng, hiệu trưởng một trường THPT ở ngoại thành Hà Nội, nói "hiểu mục đích Bộ muốn hướng tới", đó là kỷ luật không nước mắt, giáo dục bằng tình yêu thương.
"Điều này sẽ giúp môi trường giáo dục của Việt Nam hòa nhập với thế giới", thầy nói.
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng nhìn nhận môi trường giáo dục có thể phát triển theo hướng nhân văn hơn, khi loại bỏ các hình thức kỷ luật mang tính trừng phạt, khiến học sinh thấy xấu hổ, xúc phạm.
Tuy nhiên, các nhà giáo lo rằng bỏ đình chỉ học, chỉ yêu cầu viết bản kiểm điểm là không đủ để răn đe những học sinh mắc lỗi nghiêm trọng.
Theo thầy Đáng, quy định này là "rất nguy hiểm", khiến giáo viên như bị "trói chân, trói tay" và không còn công cụ nào để giáo dục các em một cách nghiêm khắc.
Lý giải, thầy nói trường học cũng như một xã hội thu nhỏ, có học sinh ngoan nhưng cũng nhiều em ngỗ nghịch. Thầy Đáng từng kỷ luật đình chỉ học 2-5 ngày với những học sinh thuộc diện "không nói được", như ăn trộm máy tính cầm tay, tiền và điện thoại của các bạn, hay bắt nạt bạn nhiều lần.
Trước đó, trường sẽ mời gia đình để trao đổi, đề nghị phối hợp giáo dục con khi ở nhà. Thầy Đáng thấy đa số học sinh biết sợ và thay đổi, nhưng cũng có em thậm chí còn tỏ thái độ với thầy cô và tiếp tục tái phạm.
"Kỷ luật mạnh còn vậy, nếu giờ chỉ viết bản kiểm điểm, liệu có đủ để răn đe học sinh?", thầy Đáng đặt câu hỏi.
Đây cũng là trăn trở của cô Nguyễn Thị Vân Hồng, hiệu trưởng trường THCS Chương Dương, Hà Nội. Theo cô, so với quy định cũ áp dụng từ năm 1988 với nhiều hình thức kỷ luật như phê bình trước lớp, trường, đình chỉ có thời hạn và đuổi học một năm, quy định hiện hành từ năm 2020 chỉ giữ lại hình thức đình chỉ.
"Các mức độ kỷ luật hiện nay đã giảm nhiều so với trước và tôi cho rằng như này là hợp lý rồi", cô Hồng nói. Ở trường cô, một số học sinh bị đình chỉ học 1-2 ngày nếu vô lễ với giáo viên, đánh nhau, gây thương tích cho bạn bè hay hút thuốc lá điện tử... thường xuyên, có tổ chức.
"Không nên coi đình chỉ học là sự trừng phạt, không cho học sinh được đi học", nữ hiệu trưởng nói. "Trường áp dụng hình thức này với mong muốn học sinh nhìn nhận lại hành vi, gia đình có thời gian chia sẻ với trường để cùng giáo dục con cái".
Nếu áp dụng quy định mới, cô Hồng cho rằng nhà giáo không còn công cụ nào đủ nghiêm khắc để kỷ luật học sinh.
"Kỷ luật nhân văn nhưng không có nghĩa nuông chiều", cô nhìn nhận.
Theo khảo sát của VnExpress, 87% trong số hơn 2.800 độc giả cho rằng nên có hình thức kỷ luật mạnh hơn viết bản kiểm điểm, tùy mức độ vi phạm. Chỉ 10% đồng tình với dự thảo quy định mới của Bộ.
Chị Thu Hương, phụ huynh lớp 9 ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội, cho rằng không nghiêm khắc thì học sinh không sợ. Chị giả sử con mình không may bị đánh, gây thương tích, nhưng nếu hình phạt cao nhất với bạn chỉ là viết kiểm điểm thì "không chấp nhận được". Ngược lại, nếu con là người vi phạm và bị đình chỉ học, chị thấy xác đáng.
"Môi trường nào cũng cần có quy định. Tôi lo rằng kỷ luật quá nhẹ sẽ khiến gia đình các bạn hay bị đánh, bị bắt nạt thấy bất lực", chị Hương nói.
Theo ông Trần Thành Nam, viết bản kiểm điểm là để học sinh tự nhìn lại hành vi, từ đó giúp thay đổi nhận thức. Tuy nhiên, chừng này là chưa đủ và trường cần có thêm các biện pháp giáo dục khác để các em thay đổi thái độ, hành vi.
Về giải pháp, ông đề xuất hình thức quản thúc học sinh ngay tại trường. Ông Nam cho biết nhiều trường trên thế giới áp dụng cách này, gọi là trị liệu giáo dục.
Học sinh được đưa vào diện này khi mắc lỗi nghiêm trọng. Các em phải làm thêm một số việc, thường là lao động, hỗ trợ nhân viên của trường, mất một số quyền lợi và chịu sự giám sát của thầy cô.
Ông Nam cho rằng có thể giao nhiệm vụ này cho bộ phận tư vấn tâm lý, giám thị của trường. Ngoài ra, nhà trường cần phối hợp với các tổ chức ở địa phương, để các em tham gia nhiều hoạt động xã hội ở ngoài trường.
"Những đứa trẻ mắc lỗi nghiêm trọng thì càng nên được giám sát bởi nhà trường", ông Nam nói.
Thanh Hằng
*Tên giáo viên, phụ huynh được thay đổi