'Giáo viên dạy Toán, Văn phải giỏi Tiếng Anh'

"Là một người sống ở Mỹ ở tuổi hơn 50, tôi thấy băn khoăn với ý tưởng kiểm tra trình độ Tiếng Anh của hơn 47.000 giáo viên ở tất cả cấp học, từ tiểu học đến THPT tại TP HCM. Một giáo viên dạy Toán cần dạy tốt môn Toán hay cần giỏi cả Tiếng Anh như một giáo viên dạy Ngoại ngữ? Chưa kể, giáo viên tiểu học dạy nhiều môn, liệu đòi hỏi họ phải có trình độ Tiếng Anh như sinh viên Ngoại ngữ có phải quá khắt khe?
Tôi lấy ví dụ đại học ở Mỹ đòi hỏi sinh viên phải có Ngôn ngữ thứ hai sau Tiếng Anh. Đó có thể là Tiếng Trung, Tây Ban Nha, Pháp, Nga, Italy, Đức, Nhật, hay Tiếng Việt... Tuy nhiên, rất hiếm có một Kỹ sư điện tử, nha sĩ, dược sĩ, bác sĩ nào nói giỏi ngôn ngữ thứ hai, trừ khi họ kết hôn với người nước ngoài.
Theo tôi, nếu Viết Nam muốn nâng cấp Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai, song hành cùng với Tiếng Việt, điều quan trọng là chúng ta cần giảm tải những môn không cần thiết, cho các học sinh bậc trung học có nhiều cơ hội tiếp cận và giao tiếp với người bản xứ nói Tiếng Anh để không bị bỡ ngỡ, tạo sự hứng thú học ngoại ngữ cho các em. Điều đó sẽ có ý nghĩa hơn việc bắt các giáo viên Toán, Văn cũng phải giỏi Tiếng Anh".
Đó là thắc mắc của độc giả Vincent Nguyen khi TP HCM tổ chức khảo sát trình độ tiếng Anh của hơn 47.000 giáo viên công lập. Theo đó, tất cả giáo viên các cấp phổ thông phải làm bài khảo sát năng lực tiếng Anh trong 90 phút bằng hình thức trực tuyến, gồm kỹ năng nghe, đọc và viết theo khung tham chiếu châu Âu (CEFR), từ A1 đến C2. Bài khảo sát do Hội đồng khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge thiết kế. Đây là đợt khảo sát năng lực tiếng Anh quy mô lớn nhất với giáo viên. Đây sẽ là căn cứ để ngành giáo dục thành phố đề xuất nội dung, lộ trình, nhằm xây dựng đề án từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
>> Nên cho phép dạy thêm Tiếng Anh học sinh tiểu học?
Trong khi đó, trả lời những thắc mắc trên, bạn đọc Nghiaht ủng hộ quan điểm của Sở Giáo dục TP HCM: "Xã hội thay đổi thì nhu cầu tuyển dụng cũng thay đổi. Người lao động bên ngoài còn phải liên tục nâng cấp bản thân (Tiếng Anh, kỹ năng, kiến thức) để không bị đào thải thì lý do gì mà giáo viên lại được quyền nằm ngoài vòng xoáy đó? Một giáo viên mà không biết chút Tiếng Anh cơ bản thì tư duy sẽ cũ kỹ, bó hẹp theo khuôn khổ những gì đã làm trong suốt cuộc đời.
Bước đầu tiên là khảo sát trình độ Tiếng Anh của toàn bộ giáo viên, từ đó mới có phương án bồi dưỡng, thay thế giáo viên, hoặc chấp nhận triển khai 'Tiếng Anh hóa' từng bước, như các môn tính toán, hay chỉ đơn giản là dạy một tiết Tiếng Anh của môn học đó trong một học kỳ, chẳng hạn. Xã hội thay đổi thì giáo viên cũng phải thay đổi. Ai đi làm cũng phải biết chút Tiếng Anh để sử dụng máy móc, thiết bị, phần mềm nên chẳng có lý do gì để bảo là giáo viên chỉ cần biết chuyên môn của mình.
Ở TP HCM, tôi thấy đã có một số trường triển khai tăng cường Tiếng Anh (phụ huynh đăng ký rất nhiều), tức là dạy một số môn tự nhiên bằng Tiếng Anh hoàn toàn, hoặc kèm một số buổi Tiếng Anh trong môn học để học sinh có muốn tìm tài liệu trên mạng thì còn biết thuật ngữ mà tìm kiếm".
Việt Thành tổng hợp