Nhảy đến nội dung

'Giao thông Việt Nam vận hành theo thói quen cá nhân'

Từ khi Nghị định 168/2024 ban hành và lực lượng CSGT ra quân, theo dõi các bài báo tôi thấy có hai luồng ý kiến. Tôi thấy đa số ủng hộ việc lập lại trật tự đường phố, cũng có một phần nhỏ ca thán mức phạt quá cao so với thu nhập, trong khi ai cũng biết thu nhập của mỗi người chẳng liên quan gì đến việc họ sai và bị phạt. Sau 4 tháng ra quân, chúng ta đã thấy sự chuyển biến thế nào? Có thật sự người Việt chúng ta đã tự xây dựng ý thức khi tham gia giao thông?

Qua nhìn nhận của cá nhân tôi, trật tự vẫn chưa hoàn toàn được lập lại, vì có không ít người tham gia giao thông, từ người đi bộ cho đến cánh tài xế xe tải, vì họ vẫn còn giữ hai tư tưởng: tiện và sợ.

Tiện - người đi bộ sẵn sàng bất chấp xe cộ bất cứ điểm nào họ thấy gần nơi họ đến nhất, xe bất chấp biển cấm, vạch kẻ cấm để rẽ, quay đầu miễn sao họ thấy nhanh nhất, bớt tốn thời gian nhất. Từ môtô cho đến xe lớn, họ sẵn sàng chạy xe như những chú rắn, cắt đầu những phương tiện khác bất chấp nguy hiểm, miễn sao họ ra khỏi dòng xe đông đúc với thời gian ngắn nhất có thể. Họ bất chấp đạp ga thật nhanh qua ngã tư khi thấy đồng hồ đếm ngược gần về 0, họ cũng bất chấp đạp ga khi thấy từ xa đang có người đi bộ.

Sợ - họ sợ bị phạt chứ không sợ gây tai nạn hay gặp nạn. Cánh tài xế luôn biết cách báo cho nhau biết khu vực nào có lực lượng tuần tra để giảm tốc độ và đi đúng luật, nhưng chỉ cần ra khỏi khu vực đó, họ bắt đầu thể hiện chữ "tiện" trong tư tưởng.

Vậy tại sao hai tư tưởng đó vẫn chưa biến mất? Theo tôi vì 5 lý do sau:

Thứ nhất, chúng ta chưa xây dựng được hệ thống camera giám sát thật sự tốt, lực lượng giám sát còn quá mỏng trong khi vẫn chưa thể áp dụng AI vào việc kiểm soát để giảm bớt nhân lực.

Thứ hai, quy định lắp đặt camera hành trình trên ôtô có tham gia vận tải đến nay đã 4 năm rồi, nhưng vẫn chưa thật sự hiệu quả. Lý do: hệ thống phần mềm xử lý vẫn chưa tự động trích xuất lỗi của xe chạy quá tốc độ, có lẽ camera hành trình chỉ đang phục vụ cho mục đích làm bằng chứng khi xảy ra tai nạn chứ chưa đúng với chủ trương ban đầu là kiểm soát hành vi của tài xế suốt chặng đường.

Thứ ba, phạt nguội xe máy đang là vấn đề nan giải vì vẫn còn đó quá nhiều xe không chính chủ, không giấy tờ.

Thứ tư, chúng ta luôn phàn nàn có một số điểm lắp biển báo như gài bẫy. Đúng là thực tế có một vài điểm chưa hợp lý, nhưng thử nghĩ xem, đó chỉ là thiểu số, trong khi có nhiều điểm có biển báo hợp lý, rõ ràng, nhưng có bao nhiêu người có thói quen nhìn biển báo? Xe máy cũng đi theo thói quen, họ còn không biết vạch mắc võng mục đích làm gì.

Thứ năm, rất nhiều người đi bộ họ quên rằng khi họ qua đường là đang tham gia giao thông, việc xử phạt cũng chỉ đang ở một vài điểm nhỏ, mức phạt chưa đủ để răn đe cho đại đa số người dân.

Với những lý do trên, có thể thấy mấu chốt để giải quyết vấn đề là hệ thống phần mềm quản lý, tôi hy vọng trong tương lai gần nhà nước sẽ đầu tư mạnh để xây dựng hệ thống ổn định để giải quyết gọn gàng phần gốc rễ, sớm lập lại trật tự giao thông. Người tham gia giao thông sẽ xây dựng cho mình tư tưởng: đi đúng luật để bảo vệ bản thân, thay vì tiện và sợ.

Độc giả Phi Long