Nhảy đến nội dung

Giáo sư Đặng Lương Mô qua đời

GS.TSKH Đặng Lương Mô từ trần vào ngày 6/5. Ảnh: Báo Chính phủ.

Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết GS.TSKH Đặng Lương Mô đã từ trần vào ngày 6/5/2025, thượng thọ 90 tuổi. Linh cữu của giáo sư sẽ được quàn tại Nhà tang Lễ phía Nam - số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM.

GS.TSKH Đặng Lương Mô sinh năm 1936 tại Kiến An (Hải Phòng). Ông là giáo sư danh dự Đại học Hosei (Nhật Bản), nguyên Viện trưởng Học viện Quốc gia Kỹ thuật (tiền thân của Đại học Bách khoa TP.HCM), nguyên cố vấn cao cấp Đại học Quốc gia TP.HCM.

Ông được coi là “cây đại thụ” đặt nền móng và dẫn dắt ngành vi mạch Việt Nam phát triển, đồng thời có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu tại Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Bách khoa TP.HCM.

Trước đó, vào năm 1956, ông đậu thủ khoa vào trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ (tiền thân của khoa Cơ khí, Đại học Bách khoa TP.HCM), sau đó nhận học bổng du học của Chính phủ Nhật Bản và lần lượt tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư (1962), thạc sĩ (1964) và tiến sĩ Khoa học về Điện tử - Vi mạch (1968) tại Đại học Tokyo.

Từ 1968-1971, GS Đặng Lương Mô làm chuyên viên nghiên cứu tại Viện Công nghệ Toshiba. Khi về nước vào năm 1971, ông tham gia giảng dạy tại Đại học Khoa học (Đại học Sài Gòn) và kiêm vị trí giảng sư tại Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật, giữ chức Giám đốc trường Điện (tương đương Chủ nhiệm khoa Điện).

Đến năm 1973, ông được bổ nhiệm làm Viện trưởng Học viện Quốc gia Kỹ thuật (được nâng cấp từ Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật), tương đương chức Hiệu trưởng Đại học Bách khoa TP.HCM hiện nay.

Từ năm 1976 đến 2002, ông trở lại Nhật Bản và làm việc, giảng dạy, nghiên cứu tại Toshiba và sau đó là Đại học Hosei. Vào năm 1983, ông được Đại học Hosei phong hàm Giáo sư chính thức, trở thành người Việt Nam đầu tiên được phong giáo sư tại Nhật Bản.

Từ năm 2002, ông về nước và trở thành cố vấn đặc biệt của Đại học Quốc gia TP.HCM cũng như Đại học Bách khoa TP.HCM, kiến tạo 3 nền tảng cho ngành vi mạch Việt Nam.

3 nền tảng bao gồm phòng thí nghiệm FPGA (2000) tại Đại học Bách khoa TP.HCM, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch Đại học Quốc gia TP.HCM (2005) và chương trình cao học Vi mạch tại Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM (2007).

Ông cũng là người khởi xướng chương trình trao đổi kỹ sư, giảng viên giữa Đại học Hosei và Đại học Bách khoa TP.HCM, tạo cơ hội cho cán bộ trẻ sang Nhật Bản tu nghiệp.

Trong sự nghiệp nghiên cứu của mình, giáo sư có hơn 300 công bố khoa học và 13 sáng chế, nổi bật là “Dang Model” - mô hình transistor được ứng dụng trong phần mềm SPICE toàn cầu. Ông cũng tham gia chương trình VLSI giúp Nhật Bản phát triển công nghiệp vi mạch.

GS.TSKH Đặng Lương Mô cũng được khen tặng nhiều danh hiệu, giải thưởng danh giá như Huân chương Lao động hạng Ba, Giải thưởng Vinh danh Nước Việt, Huy hiệu TP.HCM.

Ông cũng là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học New York, Hội viên Thượng cấp IEEE và được quốc tế vinh danh trong danh sách Người Nổi tiếng Thế giới.

Mới đây, GS Đặng Lương Mô ghi danh top 60 cá nhân tiêu biểu có đóng góp nổi bật cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM và tốp 50 kiều bào tiêu biểu do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM trao tặng.

Sách về nghề giáo

Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:

Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.

Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.