Giáo hoàng Leo XIV muốn tổ chức hòa đàm Nga - Ukraine tại Vatican
Giáo hoàng Leo XIV đã đề xuất làm trung gian hòa giải và đón tiếp các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine tại Vatican để thảo luận về thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt chiến sự giữa hai nước.
The Hill dẫn lời một quan chức Công giáo cấp cao ngày 16.5 cho biết đề xuất trên của Giáo hoàng Leo XIV được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không gặp gỡ trực tiếp tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào đầu tuần này.
"Giáo hoàng có kế hoạch để Vatican tổ chức cuộc gặp trực tiếp giữa lãnh đạo Nga - Ukraine, giúp họ ít nhất có thể đối thoại với nhau", Hồng y Pietro Parolin, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Tòa thánh Vatican, ngày 16.5 cho hay.
"Vatican có thể trở thành địa điểm thích hợp. Tính bảo mật của quá trình đàm phán tại đây có thể được đảm bảo", Hồng y Parolin nói thêm. Ông Parolin cho rằng việc giới chức Nga - Ukraine không đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Istanbul hôm 15.5 là "thảm kịch".
"Chúng tôi hy vọng rằng một quá trình chậm nhưng tích cực hướng tới giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột có thể bắt đầu. Chúng ta đang trở lại điểm khởi đầu; bây giờ chúng ta sẽ xem phải làm gì, nhưng đây là một tình huống rất khó khăn", vị hồng y cho biết.
Giáo hoàng Leo XIV được bầu làm người đứng đầu Giáo hội Công giáo tại Mật nghị Hồng y hôm 8.5, kế nhiệm cố Giáo hoàng Francis. Trong lần đầu chủ trì buổi đọc kinh hôm 11.5, vị tân giáo hoàng đã kêu gọi các lãnh đạo thế giới chấm dứt chiến sự và "hòa bình thực chất, công bằng, lâu dài tại Ukraine".
Ông Leo XIV hôm 12.5 cũng đã điện đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky để thảo luận về các đề xuất ngừng bắn Nga - Ukraine, theo Reuters. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên được biết giữa tân giáo hoàng với một nguyên thủ nước ngoài.
Gần đây nhất, Giáo hoàng Leo XIV ngày 15.5 tuyên bố sẵn sàng làm trung gian hòa giải để tìm giải pháp cho các cuộc xung đột trên thế giới. "Tòa Thánh luôn sẵn sàng giúp đưa các bên đối đầu ngồi lại với nhau, đối thoại trực tiếp, để các dân tộc trên khắp thế giới có thể tìm lại hy vọng và khôi phục phẩm giá vốn có, đó là phẩm giá của hòa bình", ông nói.