Giảm trừ gia cảnh theo vùng, miền?

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính xét đến đặc thù vùng, miền khi điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong quá trình xây dựng luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế luật cũ. Yêu cầu này nhận được sự ủng hộ của hầu hết các chuyên gia nhất là trong bối cảnh mặt bằng giá cả có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền.
Chi tiêu khác nhau, nộp thuế không nên giống nhau
Cụ thể, Nghị quyết số 191/NQ ngày 26.6 Chính phủ nhất trí về sự cần thiết xây dựng luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách thuế nói chung và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nói riêng. Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) dựa trên việc đánh giá các tiêu chí và yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của người nộp thuế trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, có xét đến sự khác biệt giữa các khu vực và vùng miền. Ngoài ra, việc rà soát các quy định liên quan đến thu nhập miễn, giảm thuế đối với các đối tượng như viện trợ không hoàn lại, cán bộ sứ quán, cũng như mức doanh thu chịu thuế của cá nhân kinh doanh và thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là cần thiết…
Đồng tình với chỉ đạo này, TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, nhấn mạnh mức chi tiêu trong cuộc sống của người nộp thuế tại Hà Nội hay TP.HCM khác với các tỉnh thành còn lại nên không thể cùng chung một mức GTGC. Ví dụ, ở quê đi ăn 1 đồng thì người dân ở các thành phố lớn phải chi 1,5 đồng. Mức chi tiêu người nộp thuế khác nhau thì cũng nên xét đến yếu tố vùng, miền khi tính đến mức GTGC. "Hằng năm Chính phủ đều có quyết định về lương tối thiểu vùng. Có thể căn cứ mức GTGC bằng 4 hay 5 lần lương tối thiểu vùng thì khi lương được điều chỉnh tăng lên, mức GTGC của người nộp thuế ở mỗi vùng cũng sẽ tự động nhảy lên", ông Tú đề xuất.
Cũng ủng hộ việc điều chỉnh GTGC theo yếu tố vùng, miền để phù hợp và công bằng cho các đối tượng nộp thuế TNCN, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng nên lấy cơ sở là lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định để tính GTGC.
Cụ thể, nên tính GTGC cho người nộp thuế bằng 4 lần lương tối thiểu vùng. Lương tối thiểu vùng đang được quy định gồm 4 vùng, trong đó thấp nhất là 3,45 triệu đồng/tháng và cao nhất là 4,96 triệu đồng/tháng. Nếu được thì mức GTGC cho người ở TP.HCM hay Hà Nội sẽ nâng lên gần 20 triệu đồng/tháng. Đồng thời, mức GTGC cho người phụ thuộc cần nâng lên bằng 2 lần lương tối thiểu vùng (tương đương bằng 50% GTGC của người nộp thuế). Hiện nay mức GTGC cho người phụ thuộc chỉ bằng 40% GTGC của người nộp thuế là quá thấp, không đảm bảo chi tiêu cho người phụ thuộc trong đời sống hằng ngày.
"Chi phí cho một người phụ thuộc cũng không thể thấp hơn nhiều so với bản thân người nộp thuế vì cùng sinh hoạt, ăn ở như nhau. Nếu Bộ Tài chính lại quy định mức GTGC theo một con số cố định như hiện nay thì sẽ dễ bị rơi vào tình trạng cần xem xét thay đổi thường xuyên. Khi áp dụng mức GTGC dựa theo mức lương tối thiểu vùng thì Chính phủ không cần phải làm thêm động tác điều chỉnh mức GTGC vì lương tối thiểu vùng hằng năm đều được công bố. Điều này sẽ nhanh gọn và hợp lý, công bằng hơn", luật sư Nghĩa chia sẻ.
Nên thực hiện ngay trong năm 2025
Tại Nghị quyết số 191/NQ, Chính phủ cũng đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề xuất Quốc hội giao quyền cho Chính phủ quy định chi tiết những nội dung thuộc thẩm quyền của mình, nhất là các vấn đề chưa có tính ổn định hoặc cần điều chỉnh linh hoạt trong quá trình thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện nội dung chính sách và chủ động tổ chức việc soạn thảo dự án luật, trình Chính phủ xem xét tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật vào tháng 7. Bộ trưởng Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, ký tờ trình đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án luật vào Chương trình lập pháp năm 2025 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV (dự kiến diễn ra vào tháng 9 - 10).
Theo ông Nguyễn Ngọc Tú, quy định hiện nay khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 20% mới điều chỉnh GTGC đã gây tắc nghẽn và không phù hợp với thực tế. Đơn cử mức GTGC được điều chỉnh gần đây nhất vào năm 2020, nhưng từ đó đến nay, CPI cũng đã tăng hơn 16%. Thậm chí nếu tính đúng tính đủ thì con số CPI đã tăng cao hơn nhiều, có thể xấp xỉ 20%. Nếu xét theo quy định này thì cũng đã đến lúc xem xét điều chỉnh mức GTGC. Như vậy, năm nay cần đưa ra mức GTGC mới để có thể thực hiện từ năm 2026, còn luật vẫn thực hiện theo lộ trình khi được thông qua.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa nhấn mạnh: Việc sửa đổi GTGC cho người nộp thuế và người phụ thuộc đã nói rất lâu và đều nhận được sự đồng thuận cao từ các chuyên gia kinh tế, các bộ ngành và cả Đại biểu Quốc hội. Hơn nữa, đây là vấn đề cấp thiết cho nhiều gia đình để đảm bảo đời sống thiết yếu. Vì vậy nếu Chính phủ trình Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp tháng 9 - 10 tới thì trong đó riêng việc sửa đổi mức GTGC theo lương tối thiểu vùng có thể được áp dụng sớm luôn trong năm 2025. Từ đó khi người nộp thuế TNCN quyết toán thuế năm 2025 trong quý 1/2026 sẽ được áp dụng mức GTGC mới. Đây chính là thể hiện sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ đối với người dân. Riêng đối với những nội dung khác như sửa biểu thuế lũy tiến từng phần, sửa đổi quy định đối với thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản, cách tính thuế đối với từng loại thu nhập… thì có thể áp dụng từ năm 2026.