Nhảy đến nội dung

Giám đốc UNICEF Đông Á - Thái Bình Dương: Việt Nam là hình mẫu giảm suy dinh dưỡng trẻ em

Điều này có được nhờ vào mô hình hợp tác đa ngành bền vững và sự đầu tư sớm vào dịch vụ cơ bản.

"Việt Nam đã có bước tiến lớn khi giảm một nửa tỷ lệ thấp còi ở trẻ em trong hai thập kỷ qua, xuống còn 19,5%. Đây là một ví dụ rất tích cực về hợp tác công - tư để cải thiện dinh dưỡng và phúc lợi trẻ em", bà June Kunugi chia sẻ với VnExpress bên lề sự kiện Philanthropy Asia Summit (PAS) 2025 diễn ra tại Singapore, ngày 7/5.

Theo bà, Việt Nam đã có những đối tác bền vững trong gần 40 năm, với cam kết cao của Chính phủ, các tổ chức quần chúng như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, đối tác quốc tế, khu vực tư nhân và từ thiện. Mô hình phối hợp đa bên góp phần mang lại kết quả dinh dưỡng bền vững và bao trùm hơn.

Một trong những yếu tố quan trọng được nhấn mạnh là năng lực học hỏi từ cộng đồng. Bà Kunugi nhắc đến dự án hợp tác giữa UNICEF và Save the Children tại Việt Nam, nơi các nhà nghiên cứu đã phát hiện những gia đình thu nhập thấp, nhưng có con không bị suy dinh dưỡng.

Điều đặc biệt nằm ở thói quen ăn uống rất gần gũi với tự nhiên: họ tận dụng tôm, cá nhỏ, cua đồng trong ruộng lúa, kết hợp với rau xanh sẵn có. Đây là các thực phẩm đơn giản, nhưng đủ dưỡng chất. Điều này cho thấy dinh dưỡng hiệu quả không nhất thiết đến từ nguồn đắt tiền như thịt bò hay sữa ngoại.

Mô hình "bữa ăn đơn giản nhưng đủ chất" này sau đó trở thành nghiên cứu tình huống tại Đại học Harvard và được áp dụng tại nhiều nước.

"Chúng tôi đã học hỏi từ Việt Nam", bà Kunugi nói, thêm rằng ngay cả những cộng đồng thu nhập thấp, khi được lắng nghe và trao quyền có thể đưa ra giải pháp phù hợp, hiệu quả cho chính họ. Điều đó không chỉ dừng lại ở một quốc gia. "Chúng tôi đã áp dụng mô hình này ở những nơi khác, cho thấy giá trị toàn cầu của những sáng kiến xuất phát từ thực tiễn tại Việt Nam", bà nói.

Đại diện UNICEF cũng cảnh báo về "gánh nặng ba chiều" mà nhiều quốc gia trong khu vực đang phải đối mặt: cùng lúc tồn tại suy dinh dưỡng, thiếu vi chất và gia tăng béo phì. Những vấn đề này không loại trừ, ngược lại có thể cùng xuất hiện trong một cộng đồng, thậm chí trong một gia đình.

Bà chỉ ra mối liên hệ giữa suy dinh dưỡng thời thơ ấu và các bệnh mạn tính về sau như tiểu đường, bệnh tim mạch. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, trẻ em bị thiếu dinh dưỡng trong giai đoạn đầu đời có nguy cơ cao phát triển các rối loạn chuyển hóa khi trưởng thành. Việc thiếu hụt vi chất kéo dài có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến sự phát triển của các cơ quan nội tạng, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm ở tuổi trưởng thành.

Việc đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ trong suốt thời thơ ấu là nền tảng để phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm sau này.

UNICEF đang phối hợp với Bộ Y tế và các đối tác học thuật để đào tạo mạng lưới nhân viên dinh dưỡng cộng đồng, theo hướng dẫn mới nhất của WHO và UNICEF về nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Đồng thời, chương trình tiêm chủng tại khu vực Tây Nguyên cũng được tích hợp hoạt động đánh giá dinh dưỡng nhằm tiếp cận tốt hơn các nhóm dễ bị tổn thương.

"Từ các mô hình cộng đồng đến chính sách quốc gia, Việt Nam đã cho thấy sự đầu tư bền bỉ vào thế hệ tương lai. Và câu chuyện của Việt Nam vẫn đang truyền cảm hứng cho khu vực", bà Kunugi khẳng định.

Thục Linh