Giải quyết dứt điểm 220 vụ khiếu kiện phức tạp trước 30.6

Thanh tra Chính phủ đang tích cực triển khai để giải quyết dứt điểm 220 vụ khiếu kiện phức tạp, tồn đọng, kéo dài theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Chiều 18.4, Ủy ban Dân nguyện - Giám sát của Quốc hội tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phối hợp tiếp công dân phục vụ kỳ họp 9, Quốc hội khóa XV vào tháng 5 tới.
Khiếu kiện sẽ tiếp tục phức tạp
Báo cáo công tác tiếp công dân từ sau kỳ họp 8 và nhiệm vụ trong thời gian diễn ra kỳ họp 9, ông Phạm Thế Sự, Phó trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương dự báo thời gian tới, nhất là thời gian diễn ra kỳ họp 9, Quốc hội khóa XV, chuẩn bị diễn ra đại hội Đảng các cấp, Đại hội XIV của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, sẽ tiếp tục có nhiều đoàn khiếu kiện đông người, phức tạp.
Các lĩnh vực tập trung khiếu kiện, theo ông Sự, chủ yếu về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án ở Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành như: Bắc Giang, Thanh Hóa, Nam Định, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hưng Yên, Vĩnh Phúc…
Ngoài ra, sẽ có đoàn đông người, phức tạp liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất nông lâm trường thuộc khu vực Tây nguyên, Tây Bắc, miền Trung, hoặc khiếu kiện liên quan đến việc triển khai thực hiện chủ trương sáp nhập, tinh gọn bộ máy…
Các đoàn khiếu kiện này, ông Sự dự báo, sẽ tập trung kéo về thủ đô Hà Nội và TP.HCM.
"Các vụ việc công dân khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương vẫn là những vụ việc phức tạp, đã được các cấp, các ngành giải quyết, kiểm tra, rà soát. Nhiều vụ việc đã được Thủ tướng chỉ đạo giải quyết nhưng công dân không đồng ý và tiếp tục khiếu kiện hoặc chuyển sang tố cáo người có thẩm quyền giải quyết trong thời gian tới sẽ tăng", ông Sự nói.
Báo cáo nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, ông Phạm Thế Sự đề nghị các cơ quan phối hợp rà soát giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Theo ông Sự, sau khi có chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm đối với hơn 220 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, Thanh tra Chính phủ đang phối hợp với các cơ quan, địa phương, triển khai tích cực để giải quyết dứt điểm các vụ việc này trước 30.6.
Nhân dân rất quan tâm sáp nhập tỉnh, xã
Lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương cũng kiến nghị các cơ quan nắm tình hình diễn biến khiếu kiện của công dân để chủ động trong tổ chức tiếp công dân, trên cơ sở đó có phương án ứng phó với những tình huống phức tạp, ngăn chặn các đối tượng xấu lợi dụng, kích động những người khiếu kiện gây phức tạp về an ninh, chính trị và trật tự xã hội.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện - Giám sát Dương Thanh Bình cũng cho biết, kỳ họp 9 kéo dài hơn các kỳ họp trước và nghỉ giữa 2 đợt cũng khá dài để tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc sửa Hiến pháp, phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp xã.
Cùng đó, kỳ họp diễn ra ngay sau Hội nghị Trung ương 11 với nhiều quyết sách quan trọng, trong đó có quyết định sáp nhập các tỉnh, thành và sắp xếp các xã. Hiện các địa phương đang tổ chức triển khai việc sáp nhập tỉnh, sắp xếp các xã, phường.
Nhấn mạnh việc sáp nhập tỉnh, thành, sắp xếp các xã cùng sửa Hiến pháp là vấn đề nhân dân rất quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện - Giám sát Quốc hội đề nghị các cơ quan cần quan tâm sát tình hình nhân dân, đặc biệt là những người có yêu cầu khiếu kiện, nhất là các đoàn đông người.
Kỳ họp 9 Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào 5.5, chia làm 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 5.5 đến hết ngày 28.5; đợt 2 từ ngày 11.6 đến hết sáng 28.6.