Giải pháp của Mỹ cho xung đột Ukraine có hiệu quả ?

Mỹ dường như có thêm một số động thái mới để nhằm thúc đẩy Nga chịu tiến hành đàm phán về cuộc xung đột Ukraine.
CNN hôm qua (23.4) đưa tin Mỹ vừa thông báo Ngoại trưởng nước này Marco Rubio không tham dự hội nghị sắp diễn ra ở London (Anh) để bàn về giải pháp cho xung đột Ukraine. Ông Keith Kellogg, Đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump về Ukraine và Nga, sẽ thay Ngoại trưởng Rubio dự hội nghị tại London. Động thái của Washington khiến tầm mức sự kiện bị hạ thấp vì thiếu đại diện cấp cao của Mỹ.
Mỹ "vừa đánh vừa xoa"
Trong khi đó, trả lời truyền thông khi đang công du Ấn Độ cũng vào hôm qua, Phó tổng thống Mỹ JD Vance đe dọa Mỹ sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán liên quan vấn đề Ukraine. CNN dẫn lời ông Vance tuyên bố: "Chúng tôi đã đưa ra một đề xuất rất rõ ràng cho cả Nga và Ukraine. Đã đến lúc họ phải nói đồng ý, nếu không thì Mỹ rút khỏi quá trình này. Chúng tôi đã tham gia vào rất nhiều hoạt động ngoại giao lẫn thực địa".
Trang Axios ngày 23.4 đưa tin quan chức Mỹ vừa trình bày tài liệu với phía Ukraine được xem như là "đề nghị cuối cùng" của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với cuộc xung đột Ukraine. Nhà Trắng khẳng định sẽ không tiếp tục tìm kiếm giải pháp cho xung đột Ukraine nếu các bên không đồng ý giải pháp của Mỹ.
Tuy nhiên, đề xuất trên của ông Trump đòi hỏi sự nhượng bộ lớn từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Bởi Nhà Trắng đề xuất với Nga các điều sau: Mỹ "công nhận trên thực tế" chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea, "công nhận trên thực tế" việc Nga quản lý các khu vực tỉnh Luhansk và các phần nước này chiếm đóng của Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine; Ukraine sẽ không gia nhập NATO nhưng có thể trở thành một phần của Liên minh Châu Âu; Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga kể từ năm 2014 (thời điểm Nga sáp nhập Crimea của Ukraine); Nga tăng cường hợp tác kinh tế với Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp.
Với Ukraine, Nhà Trắng đề xuất như sau: "Đảm bảo an ninh mạnh mẽ" liên quan một nhóm đặc biệt gồm các nước châu Âu và các quốc gia ngoài châu Âu có cùng chí hướng, nhưng không rõ cách thức đảm bảo là thế nào; Ukraine kiểm soát lại một phần của tỉnh Kharkiv mà Nga đã chiếm đóng; sông Dnieper dọc theo tiền tuyến ở miền nam Ukraine sẽ không bị Nga cản trở; Mỹ hỗ trợ tái thiết Ukraine nhưng không nêu rõ nguồn lực tái thiết từ đâu.
Giải mã động thái của Mỹ
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22.4 thông báo sẵn sàng đàm phán với Nga, nhưng Kyiv sẽ không chấp nhận một thỏa thuận công nhận sự kiểm soát của Moscow đối với Crimea.
Cùng ngày 22.4, tờ Financial Times đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra giải pháp ngừng bắn theo giới tuyến chiến trường hiện tại nếu Mỹ công nhận chủ quyền của Moscow đối với Crimea và một số lãnh thổ bị Moscow chiếm đóng sau khi phát động chiến dịch quân sự từ tháng 2.2022.
Các diễn biến trên đồng nghĩa với việc Moscow và Kyiv đang mâu thuẫn về điều kiện đàm phán hòa bình.
Trả lời Thanh Niên ngày 23.4, chuyên gia tình báo quân sự Mỹ Carl O.Schuster nói: "Tình hình đang bất ổn nhưng tôi cho rằng cả Nga lẫn Ukraine đều không có đủ sức mạnh quân sự và nguồn lực thay đổi tình hình chiến lược. Moscow đang cố gắng chiếm giữ địa hình then chốt trước các cuộc đàm phán. Nhưng tôi không nghĩ rằng chiến lược đó sẽ thành công. Moscow có lẽ hy vọng sức chịu đựng của Nga vẫn lớn hơn Ukraine".
"Đối với Crimea, 77% dân số là người Nga nên có lẽ không có nhiều người ở Crimea muốn vùng đất này trở thành một phần của Ukraine. Vì vậy, mặc dù Kyiv muốn lấy lại Crimea, nhưng người Nga ở vùng đất này có thể đang ủng hộ Moscow", vị chuyên gia phân tích và nhận xét thêm: "Dù bị ngăn cản gia nhập NATO, Ukraine vẫn có thể thực hiện các thỏa thuận song phương với một số quốc gia thành viên NATO như Anh, Pháp và Ba Lan. Trong khi đó, nếu Ukraine gia nhập NATO thì Nga chắc chắn không chấp nhận".
Vì thế, chuyên gia Schuster đánh giá những động thái của chính quyền Mỹ có thể nhằm thúc đẩy Nga ngồi vào bàn đàm phán.