Nhảy đến nội dung
 

Giải pháp cho việc trùng tên đường gia tăng sau sáp nhập ở TP.HCM

Sau khi hợp nhất với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, tình trạng trùng tên đường tại TP.HCM (mới) đã gia tăng đáng kể, gây khó khăn trong quản lý hành chính.

Chiều 10/7, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 91 về quy chế đặt tên đường, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn.

Theo đánh giá tại Hội nghị, sau sáp nhập, TP.HCM đã trở thành đại đô thị lớn nhất nước với quy mô hơn 6.700 km² và dân số gần 15 triệu người. Bên cạnh việc mở rộng địa bàn, công tác quản lý nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn khi nhiều tên đường trùng nhau.

Theo TS Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, sau sáp nhập, TP.HCM mới đứng trước yêu cầu cấp bách phải xây dựng hệ thống tên đường đồng bộ, thuận tiện, phục vụ quản lý đô thị. Tuy nhiên thực trạng trùng tên đường tại TP.HCM đã gây nhiều khó khăn trong việc quản lý và sinh hoạt.

Theo Hội đồng tư vấn đổi tên đường, phố và công trình công cộng TP.HCM, trên địa bàn TP.HCM trước đây đã có tới 400 tuyến đường trùng tên hoặc tên không chính xác (nhân vật lịch sử, địa danh), hoặc tên không ý nghĩa, cần sửa đổi. Trong số đó, có những tên trùng nhau ở hai hoặc nhiều quận, huyện. Cá biệt có những tên gọi được đặt cho 5 tuyến đường như Chu Văn An được đặt tên đường tại quận 6, Tân Phú, Bình Thạnh, TP Thủ Đức (có hai đường); đường Nguyễn Trường Tộ có tên ở các quận 4, Phú Nhuận, Tân Phú, TP Thủ Đức (có hai đường)...

Sau khi sáp nhập phường, xã và TP.HCM với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, tình trạng trùng tên gia tăng mạnh. Một số tên đường như Nguyễn Văn Trỗi, Lê Lợi, Quang Trung, Trần Hưng Đạo... có mặt ở nhiều địa phương. Cá biệt như tại phường Phước Long mới (sáp nhập 3 phường Phước Long A, Phước Long B và Phước Bình) có tới vài chục con đường đánh số trùng nhau nhiều lần.

Theo PGS.TS Hà Minh Hồng, Hội Khoa học lịch sử TP.HCM, việc nhiều tuyến đường trùng tên nhau đang gây ra những khó khăn đáng kể cho công tác quản lý hành chính, cấp giấy tờ pháp lý, vận hành logistics, cứu hộ cứu nạn, cũng như làm giảm hiệu quả quản lý đô thị thông minh. Tuy nhiên, việc đổi tên đường có thể kéo theo một hệ lụy lớn hơn như buộc người dân phải thay đổi hàng loạt thông tin cá nhân, gia đình cùng các giấy tờ có liên quan đến tài sản. Điều này sẽ tạo ra sự xáo trộn và phiền hà không nhỏ trong đời sống sinh hoạt và trong việc quản lý, tổ chức thực hiện các thủ tục hành chính.

Để tránh xáo trộn và gây phiền hà cho người dân, theo ý kiến góp ý của nhiều đại biểu, TP.HCM có thể giữ tên đường phố trùng nhưng sẽ ghi thêm địa chỉ phường ở phía sau, chẳng hạn đường Phan Văn Trị - phường Chợ Quán; đường Phan Văn Trị - phường An Đông; hay như đường Chu Văn An - phường Thủ Đức; đường Chu Văn An - phường Tăng Nhơn Phú. Đây là cách làm mà tỉnh Lâm Đồng mới đã áp dụng khi đặt tên cho 5 phường thuộc TP Đà Lạt trước đây là phường Xuân Hương - Đà Lạt, Cam Ly - Đà Lạt, Lâm Viên - Đà Lạt, Xuân Trường - Đà Lạt, và Lang Biang - Đà Lạt...

Về lâu dài, Thành phố cần lập tổ công tác khảo sát số lượng tuyến đường trùng tên, tổng hợp dữ liệu tên đường trên toàn địa bàn, lập danh mục toàn bộ tên đường, phân loại theo khu vực, phường/xã, mục đích đặt tên ban đầu, thời điểm đặt tên... để tiến hành đổi tên đường trùng lặp một cách đồng bộ, khoa học dựa trên ngân hàng tên đường.

Tại hội nghị, ThS Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM, cho rằng TP.HCM vẫn còn nhiều dư địa để đặt tên mới. Ngân hàng tên đường tại TP.HCM có thể khai thác thêm các di tích, sự kiện lịch sử, địa danh văn hóa đặc sắc để bổ sung vào danh sách. Nếu được phát huy đúng mức, việc đặt tên đường sẽ góp phần làm cho TP.HCM mang đậm bản sắc của một đô thị giàu giá trị di sản.

Sách hay về TP.HCM

Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.

Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn