Nhảy đến nội dung
 

Giải mã việc 'nhất thể hóa mặt trận' Biển Đông và biển Hoa Đông

Mỹ cùng một số đồng minh đang hướng đến việc 'nhất thể' Biển Đông và biển Hoa Đông thành một 'chiến trường' để ứng phó các thách thức.

Reuters dẫn lời ông Gilberto Teodoro, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ngày 30.6 tiết lộ giới nhà lãnh đạo quân sự các nước đang làm việc với nhau để thực thi khái niệm "một chiến trường" ở cả biển Hoa Đông và Biển Đông.

Đối phó thách thức

Giải thích cho động thái trên, Bộ trưởng Teodoro cho rằng Philippines cũng phải đối mặt với các mối đe dọa trong vùng biển tranh chấp tương tự như của Nhật Bản. "Cách thức đó liên quan sức mạnh tổng hợp trong các hoạt động, sức mạnh tổng hợp trong nhận thức về khu vực, trao đổi thông tin tình báo và củng cố sức mạnh của chúng tôi", ông nói tại một cuộc họp báo khi công du Lithuania.

Từ tháng 4, tờ Asahi Shimbun đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã đề xuất với người đồng cấp Mỹ Pete Hegseth xem biển Hoa Đông, Biển Đông, khu vực xung quanh bán đảo Triều Tiên và các khu vực lân cận là một "chiến trường", mặt trận chung khi đề cập về khu vực quân sự đang hoạt động. Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Teodoro lại đánh giá việc "nhất thể hóa mặt trận" biển Hoa Đông và Biển Đông là hợp lý và cả hai đều là các khu vực biển không có biên giới trên bộ, nhưng nên loại bán đảo Triều Tiên ra khỏi "chiến trường" nhất thể này.

Trả lời Thanh Niên ngày 1.7, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) phân tích: "Lực lượng tàu chiến của hải quân Trung Quốc đang tăng nhanh để tăng cường kiểm soát eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông và cả Biển Đông nhằm phục vụ cho mục tiêu của Bắc Kinh. Vì thế, Mỹ và các đồng minh hiểu rằng, một cách tiếp cận toàn diện một "chiến trường" nhất thể đối với các vùng biển trên về mặt an ninh là điều kiện quan trọng để ngăn chặn Bắc Kinh chiếm lĩnh khu vực bằng cách thống trị quân sự các tuyến hàng hải nối liền biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan và Biển Đông. Điều này bao gồm khả năng ngăn chặn sức mạnh quân sự cứng rắn của Trung Quốc và các chiến thuật vùng xám/hỗn hợp có thể trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát khu vực".

Chiến lược vành đai

GS Nagy phân tích thêm: "Các tuyến hàng hải trong khu vực kết nối mật thiết với nhau và bất kỳ xung đột hoặc bất ổn nào ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) thì đều ảnh hưởng đến phần khác. Hơn nữa, để ngăn chặn quân đội Trung Quốc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, các nguồn lực của Mỹ và đồng minh cần có thể tiếp cận Đài Bắc từ các tuyến hàng hải nối với Philippines, Nhật Bản và thông qua Biển Đông nói chung. Chỉ có một cách tiếp cận toàn diện các vùng biển thành một "chiến trường" nhất thể thì kế hoạch của Mỹ và đồng minh mới hữu hiệu".

Thực tế thời gian qua, Mỹ cùng các đồng minh đã đẩy mạnh củng cố vành đai quân sự kéo dài từ biển Hoa Đông đến Biển Đông. Trong cuộc tập trận chung từ ngày 21.4 - 9.5, Mỹ và Philippines đã triển khai Hệ thống Tên lửa chống hạm NMESIS và các Hệ thống Pháo phản lực cơ động cao M142 (HIMARS).

Trong đó, với tầm bắn 185 km có độ chính xác cao cùng khả năng bay thấp để né radar, NMESIS được đánh giá có khả năng tác chiến mạnh mẽ trong việc phòng thủ bờ biển và tấn công tàu chiến. Còn HIMARS có thể tác chiến hữu dụng trong nhiều trường hợp, nhất là tấn công chống đổ bộ hay nhằm vào các mục tiêu trên đất liền, điển hình như các công sự, lực lượng đồn trú ở các đảo, bãi đá…

Từ năm 2024, Mỹ cũng đã triển khai hệ thống tên lửa Typhon đến Philippines. Hệ thống này có thể phóng tên lửa chiến lược tầm trung, cũng có thể phóng cả tên lửa hành trình thông minh Tomahawk và tên lửa phòng không SM-6. Trong đó, SM-6 không chỉ có thể đánh chặn chiến đấu cơ, máy bay không người lái mà cả các tên lửa đối hải. Philippines cũng đã đặt mua các hệ thống Typhon của Mỹ.

Với các đặc điểm trên, các hệ thống phóng tên lửa Typhon, HIMARS và NMESIS góp phần khắc chế chiến lược phong tỏa, chống tiếp cận (A2/AD) mà Trung Quốc đang hình thành ở Thái Bình Dương nhằm hạn chế tiềm lực quân sự của Mỹ ở khu vực. Các hệ thống này cũng đã có mặt ở Nhật Bản, Đài Loan. Tất cả góp phần hình thành nên một vành đai ở khu vực để kiềm chế Trung Quốc.

Cùng với Mỹ, Nhật Bản cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn khi tăng cường hợp tác với các đồng minh khác của Washington. Tháng 7.2024, Nhật Bản và Philippines ký kết Thỏa thuận Tiếp cận đối ứng (RAA) mang tính bước ngoặt cho phép hai nước triển khai lực lượng quân sự tại lãnh thổ của nhau. Đến tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước ký thêm thỏa thuận tăng cường tập trận chung song phương.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn