Nhảy đến nội dung

'Giải mã' những ký tự cổ khắc trên đá giữa đại ngàn Trường Sơn

Những ký tự cổ bí ẩn khắc trên các vách đá ở đầu nguồn sông A Vương, tỉnh Quảng Nam đã được phát hiện và chụp lại gần một thế kỷ trước, nhưng đến nay mới được các nhà nghiên cứu văn hóa "giải mã" nguồn gốc.

Nằm biệt lập giữa đại ngàn Trường Sơn, nơi thượng nguồn dòng A Vương, cụm dân cư Achia (thuộc thôn Nal, xã Lăng, H.Tây Giang, Quảng Nam) được biết đến với một cụm dân tộc Cơ Tu sinh sống lâu đời. Ít ai biết, nơi đây còn mang trong mình cả một trầm tích lịch sử ngàn năm. Đó là đoạn cuối trước khi thông ra "cửa ngõ quốc tế" của con đường muối, trải dài từ thương cảng Hội An, qua dòng Vu Gia - Thu Bồn trước khi đến với Lào, Campuchia, Thái Lan…

Ngoài di sản "con đường muối", những ký tự cổ bí ẩn khắc trên những vách đá nơi thượng nguồn sông A Vương cũng đã tồn tại hàng ngàn năm được người dân xem như "báu vật" trên dãy Trường Sơn, nhưng từ khi phát hiện ra cho đến nay vẫn chưa có lời giải. Mới đây các nhà nghiên cứu văn hóa đã có chuyến khảo sát trực tiếp nhằm tìm ra câu trả lời cuối cùng cho những ký tự cổ này.

Già Bhriu Clói (ở cụm dân cư Achia) cho biết trong hồi ức được ông nội kể lại, tháng giêng năm 1937, một đội quân của Pháp lên đầu nguồn sông A Vương lập đồn Sa Mơ, nằm ngay cạnh bia đá có khắc những ký tự cổ. Sau đó, Pháp cho xây dựng một lô cốt chân núi Tal Hi (xã Tr'hy của H.Tây Giang ngày nay). Tháng 3.1938, ông Le Pichon, đồn trưởng đồn Sa Mơ đã yêu cầu người dân phát dọn và dựng giàn tre để người Pháp trèo lên những tảng đá dùng vôi tô vết lõm nhằm làm rõ nét văn khắc trên đá để chụp ảnh. Và đó cũng là lúc, người Cơ Tu ở làng Achia biết rằng, trên vách đá có những dòng chữ cổ.

Ông Bhriu Hùng, Trưởng phòng VH-TT H.Tây Giang, cho biết sau chuyến khảo sát thực tế mới đây, các nhà nghiên cứu văn hóa nhận định những ký tự này chủ yếu là chữ Chăm cổ, ngoài ra cũng có cả chữ của tộc người khác. "Hiện vẫn chưa khẳng định cụ thể; các nhà nghiên cứu đã chụp ảnh lại hết các ký tự cổ về nghiên cứu, thẩm định nhằm tìm ra nguồn gốc chính xác", ông Hùng nói và cho biết: "Người dân địa phương xem đây như một di sản quý giá, báu vật của làng nên từ thế hệ này qua thế hệ khác đều ra sức bảo vệ nghiêm ngặt".

NHỮNG BÍ ẨN DẦN ĐƯỢC GIẢI MÃ

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Arất Blúi, Phó chủ tịch UBND H.Tây Giang, cho hay vừa rồi huyện đã mời hai chuyên gia văn hóa nghiên cứu về di tích Chăm ở tỉnh Ninh Thuận ra trực tiếp khảo sát. "Từ kết quả khảo sát của các chuyên gia cũng như kết quả phân tích, dịch giả, huyện sẽ hoàn thiện hồ sơ để xác định lại nguồn gốc, bộ chữ cổ này thuộc tộc người nào, từ đó có phương án kiến nghị để bảo tồn nhằm phát huy tối đa giá trị của di tích. Ngoài ra, khi có kết quả cuối cùng sẽ đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị với các cấp có thẩm quyền công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt", ông Arất Blúi nói.

Trực tiếp tham gia chuyến khảo sát mới đây, nhà nghiên cứu văn hóa - TS Jaya Thiên cho biết dựa vào ký tự học, tạm thời xác định được niên đại văn khắc trên những tảng đá trên thượng nguồn sông A Vương có niên đại sớm nhất vào thế kỷ thứ 5 và muộn nhất vào thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên. Những ký tự cổ này là một trong số ít văn khắc sớm nhất của Champa được khắc trên đá tự nhiên.

Qua khảo sát trực tiếp cũng như nghiên cứu thì thấy văn khắc trên các tảng đá được ghi nhận sử dụng 3 ngôn ngữ gồm: Sanskrit (Phạn), Champa cổ và Môn-Khmer cổ (chữ Katu cổ). 3 bản khắc trên đá được ký hiệu lần lượt là A, B và C. "Nội dung văn khắc bản A ghi lại một sắc lệnh của vị lãnh chúa, mô tả một nghi lễ dâng hiến khoáng vật (mỏ quý) và đất đai tốt đẹp cho thần linh; bản B văn khắc nhắc đến tên địa danh Talang (tức sông Lăng ngày nay). Riêng bản C văn khắc ghi lại một nghi lễ hiến sinh bằng trâu quý đã được thực hiện. Văn khắc trên các bia đá có giá trị lịch sử, nét truyền thống văn hóa địa phương. Đặc biệt là mối quan hệ giữa cộng đồng người Cham và Katu trong đất nước Champa xưa kia", TS Thiên nhận định.