Giải mã DNA 131 bộ xương: Hé lộ xã hội mẫu hệ đầu tiên thế giới?

TPO - DNA cổ đại từ các ngôi mộ thời kỳ đồ đá ở Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng đã chấm dứt cuộc tranh luận kéo dài hàng thập kỷ về việc liệu thành phố nguyên thủy Çatalhöyük 9.000 năm tuổi có phải là một xã hội mẫu hệ hay không. Nghiên cứu cuối cùng đã xác nhận điều mà các chuyên gia từ lâu đã nghi ngờ: Phụ nữ và trẻ em gái là những nhân vật chủ chốt trong xã hội nông nghiệp này.
![]() |
Tượng phụ nữ cổ đại được tìm thấy tại Çatalhöyük ở Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Jason Quinlan) |
Nằm ở miền nam-trung Thổ Nhĩ Kỳ, Çatalhöyük được xây dựng vào khoảng năm 7100 trước Công nguyên và có người ở trong gần 1.000 năm. Khu định cư rộng lớn này, trải rộng trên 13,2 ha, nổi tiếng với những ngôi nhà có lối vào từ mái nhà, các khu chôn cất bên dưới sàn nhà và biểu tượng phức tạp bao gồm các bức tranh tường sống động và nhiều bức tượng phụ nữ.
Khi nhà khảo cổ học James Mellaart lần đầu tiên khai quật Çatalhöyük vào đầu những năm 1960, ông đã giải thích rằng nhiều bức tượng phụ nữ là bằng chứng của một xã hội mẫu hệ thực hành tục thờ "nữ thần mẹ", có lẽ là một cách để đảm bảo mùa màng bội thu sau quá trình chuyển đổi kinh tế lớn từ hái lượm sang nông nghiệp dựa trên ngũ cốc.
Vào những năm 1990, nhà khảo cổ học Ian Hodder của Stanford đã tiếp quản cuộc khai quật tại Çatalhöyük, và nghiên cứu của ông cho thấy rằng xã hội ở đây phần lớn là bình đẳng, không có sự khác biệt có ý nghĩa về mặt xã hội hay kinh tế giữa nam và nữ.
Để tìm hiểu sâu hơn về tổ chức xã hội tại Çatalhöyük, trong một nghiên cứu mới, một nhóm các nhà nghiên cứu bao gồm cả Somel và Hodder đã phân tích DNA của 131 bộ xương có niên đại từ năm 7100 đến 5800 trước Công nguyên được chôn bên dưới sàn nhà.
Các nhà nghiên cứu đã kết nối 109 người trong 31 tòa nhà và phát hiện ra rằng tất cả những người thân cấp độ một (cha mẹ, con cái và anh chị em ruột) đều được chôn cất cùng nhau trong cùng một tòa nhà, trong khi những người thân cấp độ hai (chú, dì, cháu trai, cháu gái và ông bà) và những người thân cấp độ ba (như anh chị em họ và ông bà cố) thường được chôn cất trong các tòa nhà gần đó. Điều này cho thấy rằng các gia đình hạt nhân hoặc mở rộng có vai trò trong việc cấu trúc các hộ gia đình Çatalhöyük, các nhà nghiên cứu đã viết trong nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu đã xác định được xu hướng liên quan đến phụ nữ trong đồ tùy táng. Çatalhöyük là xã hội lâu đời nhất mà bằng chứng DNA cho thấy một tổ chức xã hội lấy phụ nữ làm trung tâm.