'Giải cứu' sân Mỹ Đình

Ngành thể thao mong muốn các cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm vấn đề tài chính của Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, trong đó quan trọng nhất là việc nợ thuế.
Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình bị tỔNG NỢ THUẾ RẤT LỚN
Năm 2021, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản kết luận 106/KL-TTCP về việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (khu liên hợp) giai đoạn 2009 - 2018. Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại đơn vị này trong khoảng thời gian nói trên, dẫn đến thất thoát số tiền gần 777 tỉ đồng, trong đó có 658 tỉ đồng tiền thuê đất chưa nộp và chậm nộp.
Vì khu liên hợp không có khả năng chi trả nên tính đến hết tháng 3.2025, tổng nợ của đơn vị đã lên tới 995,688 tỉ đồng (bao gồm nợ thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản chậm nộp là hơn 18 tỉ đồng, nợ tiền thuê đất và các khoản chậm nộp là 977,657 tỉ đồng).
Do phát sinh các khoản nợ thuế và tiền phạt chậm nộp, khu liên hợp bị cưỡng chế thu hồi hóa đơn giá trị gia tăng. Đơn vị phải xin cấp hóa đơn lẻ và nộp ngay vào ngân sách 18% doanh thu cho mỗi lần xin cấp hóa đơn. Thủ tục xin cấp hóa đơn lẻ cũng phức tạp dẫn đến thời gian cấp hóa đơn cho khách hàng bị chậm trễ, nhiều khách hàng đã không lựa chọn khu liên hợp là nơi cung cấp dịch vụ. Đối với đơn vị dịch vụ mà không đa dạng được khách hàng, sẽ bị hạn chế nguồn thu, tạo nên áp lực tài chính nặng nề, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán chi phí hoạt động thường xuyên của đơn vị, cũng như nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng công trình, đe dọa trực tiếp tới sự ổn định và phát triển của khu liên hợp.
CÁC KIẾN NGHỊ NÓNG
Được biết, cuối năm 2023, Bộ VH-TT-DL đã có công văn báo cáo và kiến nghị Thủ tướng về việc khoanh nợ tiền thuê đất của khu liên hợp. Xin được nói rõ hơn, trước năm 2012, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình là đơn vị có thu, tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động theo. Từ năm 2012, đơn vị chuyển sang hình thức đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên. Hiện tại, khu liên hợp được phân loại là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên, không được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên.
Với tình trạng nợ nần và cơ sở vật chất xuống cấp, việc tự tạo nguồn thu để trang trải chi phí và đầu tư trở nên vô cùng khó khăn đối với khu liên hợp. Các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai của khu liên hợp giai đoạn từ năm 2009 đến 2018, đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra, bao gồm việc cho thuê đất không đúng quy định. Vì thế, ngành thể thao mong muốn các cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm vấn đề tài chính và nợ thuế, rà soát và minh bạch hóa các khoản nợ, xác định rõ nguồn gốc, trách nhiệm và phương án xử lý từng khoản nợ thuế, điều chỉnh chính sách thuế, có cơ chế đặc thù phù hợp với tình hình thực tế của khu liên hợp. Ngành thể thao sẽ đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xin cơ chế đặc biệt để khoanh nợ đối với khoản nợ của khu liên hợp.
Ngoài ra, ngành thể thao cũng dự kiến đề xuất cơ quan thẩm quyền cơ cấu lại nguồn thu, cho phép khu liên hợp đa dạng hóa các nguồn thu, không chỉ dựa vào cho thuê mặt bằng mà còn khai thác tiềm năng từ các hoạt động thể thao, văn hóa, sự kiện… Cho phép khu liên hợp lập kế hoạch đầu tư trung và dài hạn, trong đó xác định các hạng mục ưu tiên cần nâng cấp, cải tạo dựa trên nhu cầu thực tế và tiềm năng khai thác. Tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, đề xuất các dự án đầu tư công trọng điểm để nâng cấp các công trình cốt lõi như nhà thi đấu đa năng, khu lưu trú VĐV, sân đua xe đạp lòng chảo… từ nguồn ngân sách; xã hội hóa và PPP (đối tác công - tư), thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào việc xây dựng, quản lý và khai thác các hạng mục dịch vụ, thương mại, giải trí.