Nhảy đến nội dung

Giá vàng nhẫn, vàng SJC ngày 8/5 tăng thêm nửa triệu đồng mỗi lượng

Giá vàng trong nước bất ngờ lao dốc mạnh trong phiên chiều 8/5, giảm tới hơn 2 triệu đồng/lượng so với buổi sáng.

Chiều 8/5, giá vàng miếng tại các doanh nghiệp như Bảo Tín Minh Châu, PNJ, SJC và DOJI đồng loạt lao dốc, giảm mạnh tới 1,4 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 2,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên sáng cùng ngày. Hiện giá vàng miếng dao động trong khoảng 118,3 – 120,5 triệu đồng/lượng.

Tương tự, giá vàng nhẫn tại các doanh nghiệp cũng được điều chỉnh giảm sâu. Cụ thể, Bảo Tín Minh Châu giảm 1,5 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào – bán ra, hiện niêm yết ở mức 116,5 – 119,5 triệu đồng/lượng. Công ty SJC cũng áp dụng mức giảm tương tự, đưa giá vàng nhẫn về mức 114 – 116,5 triệu đồng/lượng. Cùng mức giảm, DOJI điều chỉnh giá vàng nhẫn xuống còn 113,8 – 115,6 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, PNJ cũng hạ giá xuống mức 114,2 – 117,2 triệu đồng/lượng, tương ứng mức giảm 1,3 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

--

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá vàng miếng tại các doanh nghiệp như Bảo Tín Minh Châu, PNJ, SJC và DOJI đồng loạt tăng thêm 500.000 đồng mỗi lượng so với chốt phiên hôm qua, hiện giao dịch trong khoảng 120,7 – 122,7 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn tại một số doanh nghiệp vẫn giữ nguyên. Cụ thể, DOJI và PNJ lần lượt niêm yết ở mức 115,3 – 117,1 triệu đồng/lượng và 115,5 – 118,1 triệu đồng/lượng.

Ở chiều ngược lại, Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh tăng giá vàng nhẫn thêm 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, lên mức 118 – 121 triệu đồng/lượng. Với cùng mức tăng, Công ty SJC cũng nâng giá vàng nhẫn lên 115,5 – 118 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng thế giới vọt lên mức 3.404 USD/ounce, tăng 40 USD so với chốt phiên giao dịch trước đó.

Theo Kitco News, giá vàng thế giới tăng mạnh trong bối cảnh Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) kiên quyết giữ nguyên lãi suất bất chấp áp lực chính trị đòi nới lỏng chính sách, với lý do lo ngại ngày càng tăng về rủi ro lạm phát và sự suy giảm tăng trưởng kinh tế. Sự kết hợp này đã làm gia tăng các cuộc thảo luận về nguy cơ xảy ra tình trạng “lạm phát đình trệ” khi giá cả tiếp tục leo thang ngay cả khi tăng trưởng kinh tế chững lại hoặc suy thoái.

Trong tuyên bố sau cuộc họp, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thừa nhận mức độ bất định kinh tế đang gia tăng: “Sự bất định về triển vọng kinh tế đã tiếp tục gia tăng… Ủy ban đang chú ý đến rủi ro ở cả hai mục tiêu kép và đánh giá rằng nguy cơ thất nghiệp cao hơn và lạm phát tăng cao đều đã gia tăng.”

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang, sau khi Tổng thống Trump ban hành mức thuế bổ sung 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Dù tuyên bố của FOMC không đề cập trực tiếp đến các mức thuế này, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nói rõ về tác động tiềm tàng của chúng trong bài phát biểu sau cuộc họp.

“Với quy mô của các mức thuế, sẽ có rủi ro gia tăng lạm phát và thất nghiệp,” ông Powell lưu ý. Dù vậy, ông vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào cách tiếp cận hiện tại của Fed: “Có quá nhiều điều chúng ta chưa biết. Tôi nghĩ chúng ta đang ở vị thế tốt để quan sát thêm, và không cần vội vàng. Nền kinh tế vẫn cho thấy khả năng chống chịu khá tốt. Chính sách hiện tại của chúng ta đang ở trạng thái phù hợp.”

Giá vàng đã phản ứng bằng cách giảm xuống, chạm mức thấp trong ngày là 3.367 USD/ounce trước khi hồi phục nhẹ vào cuối phiên. Đà giảm này phần nào được bù đắp bởi sự suy yếu của đồng USD, khi chỉ số đồng USD giảm 0,14% xuống còn 99,725 điểm.

Phản ứng của thị trường cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư trong bối cảnh môi trường kinh tế phức tạp, bị chi phối bởi chính sách tiền tệ và căng thẳng thương mại quốc tế. Khi Fed tiếp tục duy trì quan điểm cảnh giác với lạm phát và đồng thời ghi nhận rủi ro kinh tế tăng cao, thị trường vàng có khả năng vẫn sẽ nhạy cảm với các dữ liệu kinh tế sắp công bố và tín hiệu chính sách trong thời gian tới.