Gia tộc Minh Tơ 100 năm giữ hồn tuồng cổ Sài Gòn - Báo VnExpress Giải trí - Báo VnExpress

Nếu nhạc sĩ Đức Phú tạo nhiều cách tân về bài bản âm nhạc, Thanh Tòng là nghệ sĩ tiêu biểu cho lối diễn tuồng cổ đỉnh cao. Thanh Tòng nổi tiếng từ bé, được báo giới đương thời gọi là "thần đồng sân khấu". Sáu tuổi, ông diễn vở San Hậu. 10 tuổi, ông đóng vai Lữ Bố trong đoàn Đồng ấu Minh Tơ. Gần 30 tuổi, ông được xem "vua cải lương Hồ Quảng" với loạt tác phẩm gây tiếng vang, như Phạm Lãi - Tây Thi, Võ Tòng sát tẩu.
Nghệ sĩ Lệ Thủy nhận xét Thanh Tòng góp công lớn "Việt hóa tuồng cổ". Nhờ ông, cải lương Hồ Quảng thoát ảnh hưởng từ nước ngoài. Từ thập niên 1970, ông bắt tay viết nhiều vở đề tài lịch sử, dân gian thuần Việt như: Chiếc nỏ thần, Kiều Nguyệt Nga, Lưu Bình - Dương Lễ.
Sau năm 1975, Thanh Tòng giúp gia tộc chuyển mình mạnh mẽ với loạt vở kinh điển, mà Câu thơ yên ngựa là tác phẩm vang danh. Ra mắt năm 1979, vở tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng khi nhà Lý chống giặc ngoại xâm với trận chiến ở sông Như Nguyệt. Tác phẩm còn lay động cảm xúc người xem khi lột tả lòng yêu nước, sự trung kiên thời loạn, lẫn mâu thuẫn và giằng xé chốn hậu cung giữa thái hậu Ỷ Lan và Thượng Dương hoàng hậu.
Quế Trân cho biết cha cô sử dụng nhiều chất liệu dân gian để dàn dựng tác phẩm. Lý cây bông - bài dân ca miền Tây quen thuộc - được nghệ sĩ gắn vào màn Lý Đạo Thành xử án Thượng Dương - một màn diễn kinh điển.
Ban đầu, cả đoàn bối rối trước cách dựng của Thanh Tòng, không hiểu làm thế nào một bản dân ca quen thuộc có thể chuyển tải được không khí cao trào, kịch tính của cảnh diễn. Lúc đó, Thanh Tòng đề nghị dàn nhạc - gồm nhạc sĩ Đức Phú và Minh Tâm - sáng tác một đoạn rao vào bài ca, sau đó mới bắt vào khúc "muôn tâu Thái hậu" để giãi bày nỗi lòng của một trung thần.
"Gương xưa trị nước đành dẹp tình riêng ta lo việc chung.
Lý đâu nay vì tự ý ta tha cho Thượng Dương.
Toàn dân đảo điên khôn lường, bao thảm họa tóc tang
Ngoại bang lấn sang biên thùy, ta phải cần diệt đứa gian.
Cầu nương nương, đừng lay chuyển lòng thần tự quyết".
Tiến sĩ Lê Hồng Phước (chuyên nghiên cứu ngành lịch sử văn hóa của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) cho rằng chỉ với Câu thơ yên ngựa, Thanh Tòng - cùng nghệ sĩ Thanh Loan, Bạch Lê - đã đạt đỉnh cao của diễn xuất tuồng cổ. Ở màn xử án Thượng Dương, đến nay chưa một diễn viên nào có thể thay thế được Thanh Tòng ở lối diễn sâu sắc, vũ đạo khúc chiết, đơn giản và đẹp mắt, phong thái chuẩn mực từ cách đá chân, khoát tay đến ánh mắt, âm sắc trong câu hát.
"Giáo sư Trần Văn Khê sinh thời khen lối diễn xuất bằng ánh mắt của Thanh Tòng. Ánh mắt Lý Đạo Thành khi quyết xử tội Thượng Dương hoàng hậu đạt đến độ xuất thần, khiến khán giả ngồi dưới phải rùng mình", ông Lê Hồng Phước nhận định.
Theo nhạc sĩ Minh Tâm, khi công diễn, vở gây chấn động sân khấu cải lương lúc đó. Những năm 1980, vở diễn mỗi ngày ba suất, mỗi suất 1.200 khán giả. Tác phẩm "cháy" vé suốt ba tháng, trước khi được Đài truyền hình TP HCM ghi hình, phát sóng. Năm 1984, vở được mang đi lưu diễn phục vụ kiều bào tại Pháp và thành công vang dội. Khi ấy dù mới ba tuổi, Quế Trân nhớ như in khoảnh khắc cha cùng các cô bác được chào đón nhiệt liệt tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày trở về. Từ đây, "cải lương Hồ Quảng" đạt dấu mốc mới, trở thành "cải lương tuồng cổ".
Tài năng của Thanh Tòng không dừng lại ở việc tiếp nhận, kế thừa tinh hoa từ thế hệ tiền bối trong và ngoài gia tộc. Ông còn góp công tạo nên thế hệ nghệ sĩ kế thừa. Theo tiến sĩ Phước, những gương mặt nổi tiếng của cải lương sau này như như Vũ Linh, Tài Linh đều mang đậm dấu ấn của ông. Từ vai trò diễn viên, đạo diễn dàn dựng, soạn giả đến người đào tạo, Thanh Tòng đều tạo được dấu ấn, đi vào lịch sử cải lương với biệt danh "thống soái".
Nghề truyền nghề, nghiệp nối nghiệp
Không chỉ Thanh Tòng, nhiều tên tuổi góp phần làm nên diện mạo của gia tộc Minh Tơ. Thế hệ thứ tư sản sinh các tên tuổi: Xuân Yến, Thanh Loan, Minh Tâm, Công Minh, Xuân Thu, Thanh Sơn. Phía gia đình nghệ sĩ Huỳnh Mai và Thành Tôn có nhiều người con ưu tú: Bạch Liên, Bạch Lê, Bạch Lựu, Bạch Lý, Bạch Long, Thành Lộc.
Nghệ sĩ Bạch Long từng lập nên đoàn Đồng ấu - mô hình sân khấu cải lương dành cho thiếu nhi - từ những năm 1990. Từ cái nôi này, nhiều nghệ sĩ trẻ thành danh, đến nay là lực lượng cho sân khấu cải lương của thành phố. Khoảng đầu năm 2000, nhóm tan rã nhưng những gương mặt xuất thân từ đây đều gây dựng tên tuổi riêng. Thành Lộc - em trai Bạch Long - trở thành một trong những diễn viên kịch nói "thế hệ vàng" của miền Nam, hiện tại là gương mặt bảo chứng cho các vở diễn của sân khấu Thiên Đăng - sàn diễn anh đồng sáng lập năm 2022.
Thế hệ thứ năm là loạt nghệ sĩ hàng đầu của cải lương hiện tại, gồm Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Lê Thanh Thảo, Xuân Trúc, bên cạnh các chàng rể: Kim Tử Long, Điền Trung. Thế hệ thứ sáu xuất hiện nhiều sao nhí, như Kim Thư, Hồng Quyên, Tú Quyên, Thảo Trâm, Thảo Trúc, Andy. Trong đó, Kim Thư - con gái của nghệ sĩ Ngọc Nga - là tài năng nhí trên màn ảnh rộng, với loạt phim ăn khách như Trúng số, Bệnh viện ma, Nắng 1-2.
Một giai đoạn dài, đoàn Minh Tơ ngưng hoạt động khi cải lương xuống dốc trước làn sóng băng video, phim nhựa, truyền hình bùng nổ thập niên 1990. Tuồng cổ thất thế, nhiều người trong đoàn phải rời sân khấu, bươn chải, kiếm sống bằng đủ nghề. Dù vậy, theo nghệ sĩ Công Minh, ước muốn khôi phục bảng hiệu gia tộc vẫn âm ỉ trong lòng hậu thế.
Sau ba thập niên, năm 2021, với sự khởi xướng của diễn viên Công Minh, đoàn Minh Tơ trở lại trong sự xúc động của đông đảo nghệ sĩ lẫn công chúng. Khi ấy, dù chịu ảnh hưởng của Covid 19, cộng thêm tuồng cổ đã mất vị thế, nhưng các suất diễn vẫn chật kín khán giả. Năm 2022, nghệ sĩ Bạch Long tiếp tục đưa thương hiệu Đồng ấu Bạch Long trở lại để đào tạo nhân lực kế thừa, với sự hỗ trợ của ông "bầu" Idecaf - Huỳnh Anh Tuấn.
Nhiều năm qua, đều đặn mỗi dịp lễ Kỳ Yên, đình Cầu Quan lại thu hút hàng trăm khán giả. Họ, với tình yêu ca cổ, ngồi cùng nhau ôn ký ức một thời qua các trích đoạn kinh điển của gia tộc Minh Tơ.
Nhìn nỗ lực của các thành viên trong gia đình, Quế Trân - gương mặt trẻ nhất của nghệ thuật cải lương được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2023 - cho rằng tuồng cổ vẫn sống. Trong những lần đi diễn, cô bắt gặp ánh mắt háo hức, tò mò của người trẻ ở hàng ghế khán giả. Mỗi dịp liên hoan, hội thi, cô chứng kiến các gương mặt trẻ chọn những trích đoạn kinh điển, được khán giả hưởng ứng và đoạt giải cao. Theo nghệ sĩ, điều đó cho thấy một bộ phận khán giả vẫn chung thủy với cải lương.
"Giá trị cốt lõi của nghệ thuật cổ truyền dân tộc không bao giờ mất. Tuy nhiên, bảo tồn được các giá trị đó hay không là trách nhiệm của những người kế thừa", Quế Trân nói.
Mai Nhật