Gia tài lớn nhất của kỷ lục gia thiện nguyện Việt Nam là gì?

Tan sở, y tá Châu Thành Toàn - kỷ lục gia thiện nguyện 42 tuổi (ở Q.Gò Vấp) cởi áo blouse, thay vào chiếc áo tình nguyện xếp sẵn trong ba lô rời chỗ làm đi tặng quà cho bệnh nhân.
Y tá Châu Thành Toàn cất lên bài hát do chính mình sáng tác khi bước vào phòng bệnh ở Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng ở Q.3, nơi có hơn chục bệnh nhân đang chờ lắp chân giả. Chốc chốc, anh ngừng lại bất chợt, đố mọi người những từ tiếp theo là gì. Ai đoán trúng sẽ được tặng một bao lì xì. Buổi tặng quà của kỷ lục gia thiện nguyện tại bệnh viện thật sôi động.
"Cậu này đến cho quà mà hài hước quá, tôi chưa thấy ai vậy bao giờ", ông Nguyễn Thanh Minh, 70 tuổi, quê Cần Thơ vừa mất một chân sau vụ tai nạn cười nắc nẻ nói.
Gia tài của kỷ lục gia
50 phần quà anh Toàn mang đến hôm nay có hộp bánh, lốc sữa, chục gói dầu gội và 150.000 đồng được nhà hảo tâm tài trợ. Liên tục trong 27 năm qua, anh trở thành cầu nối, chuyển những món quà của nhiều tấm lòng đến với người người khó khăn. Tháng 3.2020, anh được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập Kỷ lục Thiện nguyện Việt Nam với 22 năm làm tình nguyện liên tục.
Tặng quà xong, anh Toàn nán lại khá lâu, hỏi thăm cậu bạn trẻ tuổi về cánh tay cụt còn băng bó. Anh động viên người phụ nữ bị bỏng nặng toàn thân: "Rồi chị sẽ lại đẹp lên thôi". "Tôi không chấp nhận cảnh bắt người nghèo đứng phơi nắng, chìa hai bàn tay ra, nhận vài chục ngàn, xong phải cúi đầu cám ơn, chụp ảnh liên tục", anh nói.
Anh Toàn khởi đầu sự nghiệp tình nguyện của mình từ năm 15 tuổi. Khi anh tham gia các hoạt động tình nguyện như điều phối giao thông, gỡ giấy quảng cáo trên những trụ điện do phường tổ chức vào mỗi dịp hè.
Suốt những năm tháng trên ghế giảng đường, anh thay thế những cuộc vui cùng bạn bè bằng việc đến giúp đỡ bệnh nhân ung thư. Sau này, anh kết nối nhiều nhà hảo tâm tài trợ kinh phí, đứng ra tổ chức các chương trình thiện nguyện giúp đỡ người nghèo như xây nhà tình thương, tặng xe đạp, sách vở cho học sinh, làm chân giả cho người khuyết tật, nấu những bữa ăn 0 đồng...
Châu Thành Toàn khẳng định bản thân anh không hề giàu có, vì nhiều người nghĩ anh giàu nên mới có thể làm thiện nguyện. Anh nói rằng anh chỉ làm công ăn lương. Sau 8 tiếng làm việc ở trung tâm y tế, anh dành thời gian còn lại cho tình nguyện. 2 ngày cuối tuần và 14 ngày nghỉ phép trong năm, anh lấp trống bằng những chuyến đi khảo sát xây nhà, mua quà cho người nghèo.
"Nếu nói về tiền của, thì mỗi ngày, tôi cũng dành ra vài ngàn lẻ tiền đi chợ còn dư vào ống heo. Vậy là cuối năm tôi đã có thể góp một phần quà nhỏ cho người yếu thế. Tại sao phải đợi giàu mới làm thiện nguyện?", Toàn tự hỏi.
Theo anh, không cần đợi đến giàu mới làm từ thiện. Không đợi đến khi bản thân gặp biến cố rồi mới thấy ý nghĩa của việc giúp đỡ người khác. Chính những người bình thường trong xã hội chịu bỏ chút công sức, chút đồng lẻ để làm việc thiện mới cần được tôn vinh.
Vậy gia tài của kỷ lục gia có gì? Đó là gần 100 bằng khen của các cơ quan, đơn vị và những kỷ niệm chương, tấm huy chương của các vận động viên khuyết tật tặng anh vì anh đã có 22 năm đóng góp cho thể thao người khuyết tật Việt Nam. Tài sản của Toàn không phải là tiền hay của cải mà là những món đồ ghi nhận sự đóng góp của anh cho cộng đồng.
Làm thiện nguyện nhưng phải biết ơn
Với những việc làm của mình, Toàn nhận được nhiều danh hiệu như Tình nguyện viên cấp quốc gia 2017, Hạt giống tâm hồn 2013, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp nhân đạo... Anh cũng ra mắt 2 cuốn sách: Cho đời một chút bình yên và Ráng cho đời tử tế, ghi lại chặng đường cống hiến vì cộng đồng của mình.
Chứng kiến đứa con trai độc đinh của mình mãi lo việc xã hội, ba của anh, ông Châu Minh Tâm, 76 tuổi thường trêu anh: "Không biết sau này ba ốm đau, con có thời gian để chăm sóc ba không?"
Trong cuốn sách Cho đời một chút bình yên của Toàn, NSND Kim Cương chia sẻ: "Toàn đồng hành cùng tôi hơn 10 năm, cháu Toàn vui và dễ thương, làm tình nguyện rất tốt. Đi thiện khắp vùng sâu vùng xa không ngại khó khăn gian khổ".
3 giờ sáng, ngày thứ 7, sau hơn 4 tiếng ngủ chập chờn trên xe khách, Toàn về đến Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Hôm nay là ngày đi khảo sát hoàn cảnh gia đình hộ nghèo để kết nối nhà hảo tâm xây căn nhà tình thương thứ 112. Ngoài 40 tuổi, tóc anh đã lấm tấm bạc, lưng cũng thường đau nhức nhưng chưa hề nghĩ đến chuyện vợ con.
Xong việc, lại vội vã lên xe trở lại Sài Gòn để chuẩn bị một tuần làm việc mới. Sáng thứ 2, với chiếc áo sơ mi từ thiện đã cũ nhàu treo trên giá chẳng kịp ủi phẳng, Toàn đến cơ quan.
"Có khi, tôi chỉ cần một lời cám ơn chân thành là đã đủ cho những vất vả", Toàn nói và khẳng định, điều quan trọng nhất để giúp anh có thể gắn bó hơn nửa đời mình với thiện nguyện ngoài sự cố gắng của bản thân thì còn là sự tin tưởng của các nhà hảo tâm. Và để nhận được sự tin tưởng đó, Toàn phải làm thiện nguyện một cách chuyên nghiệp, minh bạch vì nhà hảo tâm luôn muốn biết rõ tiền của họ được sử dụng như thế nào.
"Trong các chương trình, tôi luôn kết nối với chính quyền địa phương để xin những tờ giấy khen gửi tặng lại nhà hảo tâm để ghi nhận lòng tốt của họ. Nhiều người nói rằng cho đi không cần nhận lại, nhưng 1 tờ giấy khen là cách tôi thực hành lòng biết ơn. Chính nhờ sự biết ơn, tôi mới được các nhà hảo tâm tin tưởng trong nhiều năm qua", Toàn nói.