Nhảy đến nội dung
 

Giá máy bay Boeing, Airbus tăng vọt

TPO - Trong bối cảnh thuế quan đối ứng của Mỹ với các quốc gia trên thế giới tăng cao, giá của máy bay Boeing và Airbus có thể tăng hàng chục triệu USD, đặt ra thách thức lớn cho các hãng hàng không.

TPO - Trong bối cảnh thuế quan đối ứng của Mỹ với các quốc gia trên thế giới tăng cao, giá của máy bay Boeing và Airbus có thể tăng hàng chục triệu USD, đặt ra thách thức lớn cho các hãng hàng không.

Theo một chuyên gia hàng không, giá máy bay phản lực thương mại đã tăng khoảng 30% kể từ năm 2018. Nguyên nhân là do chi phí mua các vật liệu chính như titan, linh kiện, năng lượng cùng giá nhân công tăng.

Điển hình là Spirit Aerosystems - nhà cung cấp linh kiện chính cho cả Boeing và Airbus - đã phải ký thỏa thuận tăng lương cho nhân công vào năm ngoái.

Một tháng sau, Boeing cũng đồng ý ký một hợp đồng mới với công đoàn thợ máy có trụ sở tại Seattle, đồng ý tăng 38% lương trong vòng bốn năm để chấm dứt hàng loạt cuộc đình công kéo dài.

Công ty tư vấn quản lý hàng không vũ trụ Aboulafia ước tính giá vật liệu và thiết bị ngành hàng không đã tăng 40% kể từ năm 2021. Mức tăng này thậm chí diễn ra trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 25% đối với thép và nhôm được sử dụng trong máy bay.

Giá máy bay Boeing, Airbus tăng vọt ảnh 1

Giá máy bay phản lực thương mại đã tăng khoảng 30% kể từ năm 2018. Ảnh: Reuters.

Manfred Hader của công ty tư vấn Roland Berger cho biết, trước đại dịch COVID-19, Boeing và Airbus cạnh tranh bằng cách hạ giá máy bay của mình thấp hơn so với đối thủ. Tuy nhiên, khi đại dịch qua đi và nhu cầu đi lại bằng máy bay tăng cao giúp các hãng hàng không có lợi nhuận, thì giá bán máy bay đã có sự thay đổi.

Minh chứng là vào tháng 2 vừa qua, Hãng hàng không Nippon Airways của Nhật Bản đã đặt hàng 77 máy bay từ Boeing, Airbus và công ty Embraer của Brazil. Trong đó, giá niêm yết mới nhất của các hãng chế tạo máy bay cho thấy giá bán đã có sự tăng lên đáng kể so với trước đó.

Theo tính toán, đơn đặt hàng của Nippon Airways định giá máy bay thân rộng 787 Dreamliner của Boeing ở mức khoảng 386 triệu USD; máy bay thân hẹp Boeing 737 MAX ở mức 159 triệu USD. Năm 2023, Boeing 787 Dreamliner có giá khoảng 292 triệu USD và Boeing 737 MAX ở mức gần 122 triệu USD. Năm 2018, dòng Airbus A321neo có giá gần 130 triệu USD thì nay đã tăng lên 148 triệu USD.

Theo tìm hiểu, giá niêm yết lần cuối vào năm 2022 của Boeing 737 Series (dòng phổ biến nhất) dao động từ 89 - 135 triệu USD; Boeing 787 Dreamliner giá dao động từ 248 - 338 triệu USD; Boeing 777 Series giá dao động từ 352 - 442 triệu USD; Boeing 747-8 (đã ngừng sản xuất) giá hơn 419 triệu USD. Máy bay cũ hoặc tồn kho có thể rẻ hơn nhiều, từ 100 - 200 triệu USD.

Trả lời CNBC, ông Aengus Kelly - CEO của AerCap, công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới - cho biết, trong trường hợp xấu nhất, mức thuế 25% có thể khiến giá của một chiếc Boeing 787 tăng thêm 40 triệu USD. Điều này sẽ đặt ra thách thức lớn cho các hãng hàng không khi quyết định mua máy bay mới.

Giá máy bay Boeing, Airbus tăng vọt ảnh 2

Giá trị thị trường và giá máy bay của Boeing 737 - 800 và Airbus A320 - 200 liên tục tăng trong những năm qua. Nguồn: IBA Insight.

Ông Kelly nói thêm rằng, nếu giá máy bay Boeing tăng mạnh do thuế quan, các hãng hàng không nhiều khả năng sẽ tìm đến Airbus như một giải pháp thay thế. Đồng thời, nếu kịch bản vừa nêu xảy ra thì Airbus có thể chiếm 75-80% thị phần toàn cầu, thay thế Boeing trở thành nhà cung cấp máy bay thương mại hàng đầu thế giới.

Hiện tại, AerCap cũng tỏ ra hoang mang với việc máy bay thương mại tăng giá; nguyên nhân là vì công ty này đã mua 150 máy bay, trực thăng và động cơ dự phòng từ Boeing vào năm ngoái. Do đó, nguy cơ giá máy bay tăng cao sẽ khiến công ty có thể phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh trong tương lai.

Liên quan đến việc giá máy bay tăng cao vì ảnh hưởng của thuế quan, từ hôm 18/4 đến nay có 3 chiếc Boeing 737 MAX đã di chuyển từ nhà máy của Boeing ở Châu Sơn (tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) về Mỹ.

Mọi chuyện xảy ra sau khi Trung Quốc áp dụng mức thuế 125% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ - nhằm đáp trả trực tiếp mức thuế 145% trước đó của Nhà Trắng đối với hàng hóa Trung Quốc. Điều này khiến Tổng Giám đốc điều hành của Boeing là ông Kelly Ortberg mô tả là "tình huống đáng tiếc" trong cuộc gọi với các nhà đầu tư vào hôm 23/4.

Lộc Liên
Theo CNBC, AP, Business Standard, Boeing