Giá heo giảm mạnh có phải do dịch bệnh?

Sau nhiều tháng duy trì mức cao trên 70.000 đồng/kg, khoảng 2 tuần nay giá heo hơi đã giảm khá nhanh. Liệu diễn biến này có phải do dịch bệnh đang bùng phát?
Dịch tả heo châu Phi lan rộng
Tại tỉnh Gia Lai, từ tháng 5, một số vùng bắt đầu xuất hiện tình trạng heo ốm rải rác. Đến cuối tháng 6, ổ dịch đầu tiên được ghi nhận tại cơ sở chăn nuôi của ông Ng.Đ.Th (ở thôn Háo Đức, P.An Nhơn Đông). Sau khi phát hiện, ngành chức năng đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy toàn bộ 202 con heo để phòng tránh dịch lây lan. Đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn xuất hiện tình trạng heo bệnh chết.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, thống kê của Sở NN-MT cho thấy từ ngày 1.7 đến nay, dịch tả heo châu Phi xảy ra ở hơn 100 cơ sở thuộc 19 xã, phường trên địa bàn. Bước đầu, tỉnh Quảng Ngãi xác định hàng ngàn con heo mắc bệnh buộc phải tiêu hủy. Các xã đang có dịch tả heo châu Phi bùng phát là Thọ Phong, Sơn Tịnh, Ba Gia, Trà Giang, Mỏ Cày, Tư Nghĩa, Vệ Giang, Trường Giang, Đình Cương...
Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng đan xen khiến sức đề kháng của vật nuôi suy giảm, dẫn đến phát sinh dịch bệnh. Dịch tả heo châu Phi chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không thực hiện tốt khâu vệ sinh phòng dịch, chăn nuôi chưa theo hướng an toàn sinh học.
Tại các tỉnh phía bắc, dịch tả heo châu Phi chẳng những không giảm mà lại bùng phát thêm nhiều ổ dịch mới chưa qua 21 ngày. Đơn cử như Lạng Sơn có 118 ổ dịch xảy ra tại 1.867 hộ dân với tổng số heo tiêu hủy 5.629 con. Tiếp đến là Cao Bằng có 43 ổ dịch xảy ra tại 1.474 hộ với tổng số heo tiêu hủy 7.720 con. Tỉnh Điện Biên có 17 ổ dịch tại 272 hộ với tổng số heo tiêu hủy 1.118 con.
Trước đó, Bộ NN-MT đã có công văn gửi các địa phương, Bộ Công an và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, đề nghị tăng cường ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hoạt động này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn sinh học, lây lan dịch bệnh và gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như phát triển ngành chăn nuôi trong nước.
Trao đổi với PV Thanh Niên, một số chuyên gia chăn nuôi nhận định tình hình dịch bệnh bùng phát có nhiều nguyên nhân, bên cạnh việc sử dụng nguồn heo giống nhập lậu không rõ nguồn gốc, mầm bệnh lưu cữu lâu nay ở VN cũng chưa được xử lý triệt để. Các loại vắc xin phòng bệnh chưa phát huy được hiệu quả, mặc dù được kỳ vọng rất lớn nhưng vắc xin hiệu quả nhất hiện nay cũng chỉ có tác dụng khoảng trên 50%.
Giá heo giảm vì đâu?
Cùng lúc với thời điểm dịch bệnh bùng phát, giá heo hơi trên cả nước cũng giảm. Sau nhiều tháng đứng ở mức trên 70.000 đồng/kg, khoảng 2 tuần nay giá heo hơi đã giảm mạnh về mức bình quân 66.000 đồng/kg, trong đó mức giá thấp nhất được ghi nhận là 64.000 đồng/kg tại Gia Lai.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhận định: "Giá heo giảm mạnh trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên phải nói đến yếu tố dịch bệnh xảy ra trên diện rộng đã khiến một số người chăn nuôi lo lắng và phải bán nhanh đàn heo của mình để đề phòng rủi ro. Ở thời điểm giá heo hơi cao, trên 70.000 đồng/kg, nhiều hộ chăn nuôi đã tái đàn với hình thức nuôi vỗ béo, nhập heo nhỡ và nuôi tiếp để đạt trọng lượng trên 100 kg và bán ra kiếm lời. Đây là nguồn thịt không chính thức nhưng trong thời gian qua được tận dụng khá nhiều. Khi có dấu hiệu rớt giá, người nuôi vội vàng bán ra đề phòng giá rớt tiếp".
Cũng theo ông Đoán: "Qua theo dõi nguồn heo nhập về các chợ đầu mối TP.HCM cho thấy giá heo giảm dần là do nguồn cung cho thị trường đã có sự phục hồi, nhiều doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn ở Tây Ninh, Gia Lai cũng đã bắt đầu cho ra sản lượng. Trong khi đó, tại thị trường đông dân nhất cả nước là TP.HCM, nhu cầu tiêu thụ thịt heo có phần giảm sút trong một thời gian ngắn trước khi ổn định trở lại quanh mức 5.000 con/đêm".
Ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P VN, cho rằng dịch bệnh trên đàn heo bùng phát trở lại là do chúng ta vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh hiệu quả, nên dịch vẫn thường xuyên xảy ra hằng năm. "Tuy nhiên, vì đã quen "sống chung" với dịch bệnh nên tôi cho rằng đây không phải là nguyên nhân khiến giá heo giảm mà yếu tố quan trọng nhất là cung - cầu của thị trường. Thời gian qua, khi giá heo đứng ở mức cao, các hộ chăn nuôi và nhiều doanh nghiệp cũng đã tái đàn và thúc đẩy gia tăng sản lượng. Đến thời điểm này, nguồn cung cho thị trường đã dồi dào hơn, góp phần kéo giảm giá thịt heo xuống", ông Huy nói.
"Ngoài ra còn yếu tố về mặt chu kỳ. Năm nào khi bước vào thời điểm mùa mưa bão thì giá heo cũng giảm mạnh vì thị trường bổ sung nguồn thủy sản phong phú với giá rẻ. Tháng 6, tháng 7 là thời điểm học sinh nghỉ hè, lượng thịt heo tiêu thụ ở bếp ăn tập thể cũng giảm nhiều. Bên cạnh đó, tháng 7 vào mùa ăn chay của một bộ phận người tiêu dùng, ảnh hưởng đến tiêu thụ chung của ngành thịt heo", Phó tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P VN nhận định.
Theo Cục Thống kê, ước tính tổng đàn heo của cả nước đến thời điểm cuối tháng 6.2025 tăng 3,8% so với cùng thời điểm năm 2024; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 2,7 triệu tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Đàn heo tại một số địa phương tăng cao do có nhiều doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, như Gia Lai tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, Kon Tum (nay là Quảng Ngãi) tăng 20%; đặc biệt là Tây Ninh, đàn heo tăng hơn 48% do từ đầu năm đến nay một số dự án chăn nuôi heo với quy mô lớn đã đi vào hoạt động.
Một số chuyên gia khác nêu ý kiến, giá thịt heo từ đầu năm đến nay đứng ở mức cao mang lại lợi nhuận tốt cho doanh nghiệp và người chăn nuôi, ngược lại cũng đã góp phần làm tăng chỉ số CPI. Hiện nay, giá thịt heo đang giảm nhưng vẫn còn biên độ lợi nhuận rất lớn đối với giá thành sản xuất quy mô lớn, mức giá có thể cân đối được lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng là trong khoảng 60.000 đồng/kg.