Gia đình, bạn bè yêu thương tiễn biệt họa sĩ Lê Thiết Cương

Sáng 21-7, trong tiếng nhạc dặt dìu, những thanh âm tuyệt đẹp của Chopin, Beethoven, Bach... mà sinh thời Lê Thiết Cương nghe mỗi ngày, người thân và đông đảo bạn bè, văn nghệ sĩ đã đến tiễn biệt người nghệ sĩ họ thương yêu.
Dù trời mưa, rất đông bạn bè, người thân đã đến Nhà tang lễ quốc gia ở Hà Nội để gửi lời chào yêu thương đến họa sĩ Lê Thiết Cương, như cách họ đã nhận được yêu thương từ anh suốt bao năm.
Đến tiễn đưa Lê Thiết Cương có đông đảo người trong giới mỹ thuật, văn chương, điện ảnh, sân khấu, báo chí, xuất bản...
Tiễn đưa Lê Thiết Cương rời cõi tạm
Nhiều người bạn không khỏi xúc động khi bước vào nhà tang lễ lại bắt gặp những thanh âm quen thuộc họ đã từng được nghe trong những cuộc vui ấm áp ở nhà họa sĩ Lê Thiết Cương.
Yêu âm nhạc, đặc biệt là nhạc thính phòng, giao hưởng và rock, trong căn nhà trên phố Lý Quốc Sư của Lê Thiết Cương hầu như luôn luôn có tiếng nhạc dặt dìu, giữa tranh, tượng, những cuốn sách, những bình hoa tươi, đặc biệt là hồng thơm, và những tiếng người khe khẽ ân tình.
Gia đình đã lựa những bản nhạc cổ điển sinh thời Lê Thiết Cương thường nghe để đón bạn bè thương quý đến chào từ biệt anh. Con người duy mỹ ấy, cả cuộc đời được tắm mình trong văn hóa nghệ thuật, khi ra đi cũng được gia đình, bạn bè tiễn đưa trong cái đẹp.
Ngày cuối cùng của anh, trong căn nhà thân thuộc, với mẹ già và các con, mẹ anh cũng cho mở những bản nhạc mà con trai mình yêu thích. Những bình gốm nâu anh viết, vẽ những câu kinh Phật cũng được bà cho cắm những cành hồng thơm ngát.
Đó là loài hoa anh đặc biệt yêu thích, loài hoa của phố phường và những gánh hàng rong Hà Nội, cũng lại là thứ Lê Thiết Cương yêu đắm đuổi. Sống ở phố, Lê Thiết Cương một đời yêu phố, yêu gánh hàng rong và tất cả những thức quà, hoa dân dã họ bán.
Không chỉ là một nghệ sĩ tài năng và hào sảng với bạn bè, nâng đỡ người trẻ có những lối đi mới, Lê Thiết Cương trước hết là một người Hà Nội rất Hà Nội, trong lối sống lẫn trong những viết lách của anh cho Hà Nội.
Nhiều bạn bè, đàn em thân cận như họa sĩ Đinh Công Đạt, nhà văn Nguyễn Việt Hà, đạo diễn Việt Tú, nhà văn Đỗ Bích Thúy... coi sự ra đi của Lê Thiết Cương như Hà Nội mất đi một phần phố.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, xúc động ghi sổ tang: "Biết từ 1993, và trân trọng từ bấy đến giờ. Cứ tưởng sẽ luôn luôn có rất nhiều, rất nhiều những cuộc ngồi uống trời, uống đất với nhau nữa.
Vậy mà đi sớm quá. Buồn lắm đấy Lê Thiết Cương!".
'Cha chúng tôi đã sống hết mình và tận cùng với nghệ thuật'
Trong điếu văn tiễn biệt họa sĩ Lê Thiết Cương, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đã chia sẻ những tình cảm riêng, chung đặc biệt của ông với Lê Thiết Cương ở ngôi nhà 39A Lý Quốc Sư trong mấy chục năm.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá Lê Thiết Cương đã để lại một tài sản nghệ thuật đồ sộ không mấy ai có được, sống đẹp đẽ với đồng nghiệp, sống hết mình với nghệ thuật.
Trong đời sống văn học nghệ thuật ngổn ngang nhiều chiều, Lê Thiết Cương một mình lầm lụi đi con đường riêng là hội họa tối giản, kiên định với nó, không thế khác.
May mắn, đồng nghiệp thương, đồng nghiệp hiểu, đồng nghiệp yêu, đồng nghiệp mở lòng đón nhận cách làm của anh.
Ông Lương Xuân Đoàn đặc biệt đánh giá cao Lê Thiết Cương ở chỗ anh rất thương quý người trẻ, nghệ sĩ trẻ, bảo bọc họ, đặc biệt là "bảo vệ bằng được những cách nghĩ khác, nhìn khác, vẽ khác" của các họa sĩ trẻ.
Trưởng nam của họa sĩ Lê Thiết Cương - họa sĩ thiết kế Lê Nguyên Nhật (Nhật Lê), xúc động bày tỏ niềm tự hào về người cha đã "sống hết mình và tận cùng với nghệ thuật".
"Tuyên ngôn của họa sĩ là Tối giản, là Cái đẹp là tìm mình, trở về sâu thẳm nội tâm mình. Ông đã ghi dấu "vân tay" của chính mình vào từng tác phẩm và vào nền hội họa đương đại của Việt Nam", Lê Nguyên Nhật xúc động nói bố ra đi nhưng linh hồn, tinh thần của ông sẽ luôn sống mãi cùng di sản mà ông đã tạo nên.
Lê Nguyên Nhật cũng cho biết bố mình lắm bạn, yêu bạn, trân quý bạn vì "bạn bè là niềm vui", và cho biết những ngày cuối cùng trên giường bệnh bố mình đã chiến đấu đến cùng vì "bố được nhiều người yêu thương".