Nhảy đến nội dung

Giá điện tăng từ ngày mai

TPO - Chiều 9/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa công bố thông tin điều chỉnh giá bán lẻ điện. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân áp dụng từ ngày 10/5 là 2.204,06 đồng/kWh, tăng 4,8%.

TPO - Chiều 9/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa công bố thông tin điều chỉnh giá bán lẻ điện. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân áp dụng từ ngày 10/5 là 2.204,06 đồng/kWh, tăng 4,8%.

Với đối tượng khách hàng sinh hoạt: Bậc 1: 0-50 kWh, mức giá mới sẽ là 1.974 đồng/kWh

Bậc 2: Từ 51-100 kWh, mức giá là 2.050 đồng/kWh

Bậc 3: Từ 101 - 200 kWh, mức giá là 2.380 đồng/kWh

Bậc 4: Từ 201 - 300 kWh, mức giá là 2.998 đồng/kWh

Bậc 5: Từ 301 - 400 kWh, mức giá là 3.350 đồng/kWh

Bậc 6: Từ 401 trở lên kWh, mức giá 3.460 đồng/kWh.

Từ đầu năm 2023 đến nay, EVN đã 4 lần tăng giá điện, lần lượt 3%, 4,5%, 4,8% và 4,8%.

Về cơ sở tăng giá điện, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN - cho biết, việc tăng giá điện lần này dựa trên của các quy định tại Nghị định 72 của Chính phủ ban hành hồi tháng 3, quy định phương pháp tính, thời gian điều chỉnh, biên độ dựa trên chi phí đầu vào cho phép EVN được tăng giá điện 3 tháng/ lần dựa trên sự thay đổi của các yếu tố đầu vào của nguồn điện.

Đánh giá về việc ảnh hưởng giá điện lần này, ông Lâm cho hay đã phối hợp chặt chẽ Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Với giá điện mới sẽ tác động đến CPI 0,09%.

Giá điện tăng từ ngày mai ảnh 1

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN.

Theo EVN, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng, hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng theo chủ trương của Chính phủ.

Đối với nhóm khách hàng sử dụng từ 101 kWh - 200 kWh (chiếm 32,79% số hộ sinh hoạt, đang là nhóm khách hàng lớn nhất), mức tăng tiền điện tăng khoảng 20.150 đồng/hộ/tháng.

Đối với nhóm khách hàng sử dụng điện từ 201 kWh - 300 kWh (chiếm 19,33% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 33.950 đồng/hộ/tháng.

Đối với khách hàng sử dụng điện từ 301- 400 kWh (chiếm khoảng 9,89% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 49.250 đồng/hộ/tháng.

Đối với khách hàng sử dụng điện từ 400 kWh trở lên (chiếm khoảng 13,45% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 65.050 đồng/hộ/tháng.

Quyết định tăng giá lần này được đưa ra trong bối cảnh EVN vẫn lỗ lũy kế từ sản xuất kinh doanh điện. Năm ngoái, tập đoàn này cân bằng tài chính và có lợi nhuận từ mảng kinh doanh này. Song 2 năm trước đó, họ lỗ tổng cộng hơn 70.000 tỷ đồng từ bán điện. Khoản lỗ này chưa gồm 18.032 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá của hợp đồng mua bán điện treo trong 5 năm (2019-2023).

Theo kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương công bố cuối năm 2024, tổng chi phí sản xuất 2023 của EVN là hơn 528.600 tỷ đồng. Mức này tương đương giá sản xuất 2.088,9 đồng một kWh, tăng 2,79% so với năm 2022.

Năm nay, nhu cầu sử dụng điện dự kiến tăng khoảng 12,2%, tương ứng tổng sản lượng điện toàn hệ thống thêm 33,6 tỷ kWh so với 2024. Theo ông Lâm, sản lượng điện tăng thêm chủ yếu từ nguồn giá thành cao. Cụ thể, thủy điện với giá thấp không còn nhiều dư địa, chỉ cung cấp được khoảng 25% nhu cầu. Còn lại 75% sản lượng đến từ các nguồn điện giá cao như điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo.

Dương Hưng