Nhảy đến nội dung

Giá cát ở Quảng Nam tăng 'phi mã'

Nhiều mỏ cát lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hết thời hạn khai thác, dừng hoạt động khiến nguồn cát xây dựng khan hiếm, giá tăng cao, nhiều doanh nghiệp xây dựng lao đao...

Giá vật liệu tăng đột biến

Ngày 20.5, ông Lê Tự Tâm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TX.Điện Bàn (Quảng Nam), cho biết đơn vị đã có đơn kiến nghị gửi đến UBND tỉnh Quảng Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam kiến nghị về tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu dẫn đến giá vật liệu tăng đột biến.

Theo ông Tâm, thời gian gần đây, nguồn cung về vật liệu xây dựng vô cùng khan hiếm dẫn đến giá cả của nhiều vật liệu tăng đột biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công và hiệu quả của các dự án đầu tư xây dựng.

Cụ thể, giá cát xây dựng đã tăng lên ở mức 660.000 - 700.000 đồng/m3; giá đất đắp nền đường K98, K95 và giá san nền lên đến 300.000 đồng/m3. Mặc dù mua giá rất cao nhưng nguồn cung rất hạn chế.

Vì vậy, Hội Doanh nghiệp TX.Điện Bàn kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá và có giải pháp tháo gỡ tình trạng vật liệu xây dựng khan hiếm và giá tăng liên tục. Đồng thời, thúc đẩy cấp phép khai thác vật liệu hợp pháp, mở rộng nguồn cung từ các mỏ đủ điều kiện, giảm thủ tục hành chính trong khai thác.

Ngoài ra, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài chính tổ chức xác định, công bố giá vật liệu xây dựng hằng tháng để đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng (như các địa phương khác đã làm); chỉ đạo chủ đầu tư các dự án đầu tư công xem xét điều chỉnh các "hợp đồng trọn gói" đã ký thành "hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh" để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trên địa bàn các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và TX.Điện Bàn trước đây có rất nhiều mỏ cát, bến bãi chứa cát trên các con sông lớn Vu Gia, Thu Bồn. Tuy nhiên, đến nay đa số các mỏ đã hết thời hạn khai thác theo giấy phép được cấp, còn 2 mỏ tạm dừng hoạt động và sắp hết hạn.

Trong khi đó, nhiều mỏ cát có trong quy hoạch nhưng chưa được cấp phép khai thác, có mỏ đã đưa ra đấu giá nhưng bất thành vì có hiện tượng phá cuộc đấu giá…

Chính những mỏ cát lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hết hạn, dừng hoạt động là nguyên nhân khiến nguồn cát xây dựng trở nên khan hiếm, kéo theo giá tăng cao.

Ông D.Đ.C, giám đốc một doanh nghiệp chuyên về xây dựng, cho biết giá cát xây dựng đã bắt đầu tăng từ đầu năm 2025. Tuy nhiên, theo vị này, mức giá đỉnh điểm là vào giai đoạn giữa tháng 5 và chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Lâu nay nguồn cát phụ thuộc các mỏ tại H.Đại Lộc, H.Duy Xuyên và TX.Điện Bàn, tuy nhiên hiện nay cũng bị "đứt" nguồn cung. Chính việc đứt gãy chuỗi cung ứng cát khiến các dự án xây dựng không đảm bảo tiến độ.

Ông C. cho rằng, với giá cát xây dựng hiện nay (dao động từ 600.000 - 700.000 đồng/m3), các công trình dân dụng như xây dựng nhà dân sẽ trở ngại về nguồn vốn.

"Với giá cát tăng "phi mã" như hiện nay, các nhà thầu như chúng tôi "méo mặt" vì những hợp đồng đã ký kết. Trong thời gian tới, nhiều khả năng cát xây dựng sẽ khan hiếm, nhiều lúc có tiền cũng rất khó mua", ông C. lo ngại.

Rút ngắn thời gian đấu giá mỏ khoáng sản

Nhiều doanh nghiệp cho rằng mức giá tăng cao bắt nguồn từ việc thiếu nguồn cung trên thị trường. Từ đây, nhiều chủ mỏ, đại lý vật liệu xây dựng tự ý tăng giá, vượt mức giá công bố của địa phương.

Trao đổi với PV Thanh Niên trước đó, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhìn nhận lĩnh vực khoáng sản ở Quảng Nam có tiềm năng rất lớn, tài nguyên còn rất dồi dào. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa khai thác triệt để nhằm đem lại nguồn thu và giải quyết việc làm cho người lao động cũng như góp phần tăng trưởng kinh tế cho địa phương.

Theo ông Dũng, hiện nay khi triển khai đấu giá một mỏ đất hay khai thác mỏ cát nào đó thì các sở, ngành đều báo cáo phải mất thời gian khoảng 2 năm mới làm xong quy trình để vào khai thác. Thời gian dài như vậy là không chấp nhận được.

"UBND tỉnh Quảng Nam đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường soạn quy trình để làm thủ tục, cấp phép các mỏ khoáng sản để UBND tỉnh kiểm tra, kiểm soát một cách nghiêm ngặt. Tôi chỉ đạo phải rút ngắn quy trình cấp phép khai thác mỏ khoáng sản chỉ còn bằng 1/3 thời gian so với quy định 2 năm", ông Dũng nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, chỉ cần 7 tháng là có thể đưa mỏ khoáng sản vào khai thác.

"Việc này không phải không làm được. Không phải vì quy định 2 năm mà cứ để như vậy, phải rút ngắn thời gian càng sớm càng tốt. Tôi nghĩ nếu rút ngắn thời gian làm thủ tục, cấp phép sẽ đẩy nhanh chuyện khai thác khoáng sản, giải quyết vấn đề khan hiếm vật liệu xây dựng như hiện nay", ông Dũng nói.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo trong năm 2025 các địa phương có mỏ trong quy hoạch phải cấp phép khai thác, càng dồi dào khoáng sản càng tốt.

"Tỉnh đang chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề này. Vì vậy, những địa phương nào có đề nghị lên, sẽ cho làm thủ tục để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, nếu đủ thẩm quyền thì cấp phép để khai thác, phải để nguồn cung vượt nguồn cầu", ông Dũng nói.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn