Nhảy đến nội dung

Gặp 'Người đẹp Bình Dương' năm xưa ngồi trên xe tăng dẫn đường tiến vào Sài Gòn

Vào ngày 30.4.1975, trong lúc trung đoàn xe tăng đang ở Bình Dương chưa thể tiến vào Sài Gòn thì một cô gái xung phong, lên xe tăng dẫn đường cho quân giải phóng. Người phụ nữ ấy năm nay đã 74 tuổi, hiện ở P.Lái Thiêu, TP.Thuận An (Bình Dương).

Trong những ngày tháng tư lịch sử, cả nước kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam đất nước thống nhất, PV Thanh Niên có dịp gặp gỡ cô Nguyễn Thị Ngọc Mỹ (còn gọi cô Hai Mỹ, 74 tuổi, hiện ở P.Lái Thiêu, TP.Thuận An, Bình Dương) là người đã ngồi trên nóc xe tăng dẫn đường cho quân giải phóng tiến vào Sài Gòn ngày 30.4.1975.

Tham gia công tác Đoàn từ năm 14 tuổi

Tiếp xúc với PV Thanh Niên, cô Hai Mỹ cho biết vào năm 1966 tham gia công tác Đoàn, làm giao liên cho cơ sở cách mạng hoạt động tại địa phương khi mới 14 tuổi.

"Đến gần Tết Mậu Thân 1968, cơ sở cách mạng ở H.Lái Thiêu (nay là P.Lái Thiêu, TP.Thuận An-PV) bị lộ, tôi phải thoát ly gia đình đi vào vùng rừng Cò Mi (nay ở khu vực P.Bình Chuẩn, TP.Thuận An) để cùng với Huyện ủy Lái Thiêu tiếp tục xây dựng cơ sở cách mạng. Cung cấp tình hình địch cho bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực của ta đang hoạt động tại khu vực này", cô Hai Mỹ kể.

Đến khoảng tháng 4.1975, cô Hai Mỹ được Bí thư Huyện ủy Lái Thiêu điều động về lại khu vực Lái Thiêu, Phú Long để xây dựng cơ sở cách mạng trở lại, nhằm nắm tình hình của địch, báo cáo trực tiếp cho Bí thư Huyện ủy. "Lúc đó, cô cũng chưa biết là sắp giải phóng", cô Hai Mỹ nhớ lại.

"Không rành bản đồ, nhưng đường tiến vào Sài Gòn thì em rành …"

Khoảng 4 giờ sáng ngày 30.4.1975, cô Hai Mỹ đi xe đạp từ Lái Thiêu quay lại khu vực rừng Cò Mi (cách khoảng gần 15km) để báo tình hình quân địch cho cơ sở.

"Khi cô đến nơi, khoảng 5 giờ sáng, trên tay có đeo băng đỏ thì gặp đoàn xe tăng đã chờ sẵn ở đây. Thấy vậy người chỉ huy đoàn xe tăng nói, em đeo băng đỏ sai rồi và sau đó chuyển sang băng màu xanh da trời, như hình phần cờ của Mặt trận giải phóng miền Nam", cô Hai Mỹ kể.

Theo cô Hai Mỹ, tại khu vực rừng Cò Mi lúc này có nhiều xe tăng. Người chỉ huy chiếc xe tăng đi đầu (trung tướng Nguyễn Huy Hiệu, thời điểm 30.4.1975 là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27) đang cầm tấm bản đồ, hỏi đường, tiến về Sài Gòn.

Do nắm được tình hình địch phục kích trên tuyến quốc lộ 13 (P.Vĩnh Phú, Thuận An hiện nay), cô Hai Mỹ cho ông Nguyễn Huy Hiệu hay: "Em là người địa phương ở đây, bản đồ này thì em không rành, nhưng đường tiến vào Sài Gòn thì em rành. Em có thể dẫn các anh đi theo đường mà em đã nắm được, không có địch phục kích".

Sau đó, cô Hai Mỹ được đưa lên chiếc xe tăng đi đầu cùng với ông Nguyễn Huy Hiệu dẫn đoàn xe tăng tiến về Sài Gòn.

"Khi đến khu vực Lái Thiêu, đoàn xe tăng định đi qua cầu sắt Lái Thiêu (còn gọi là cầu Xe Lửa, nay đã được tháo dỡ - PV), thì cô cho rằng trải qua chiến tranh chiếc cây cầu sắt này hiện đã rất yếu, nếu đoàn xe tăng đi qua sẽ bị sập. Nên sau đó, cô quyết định dẫn đoàn xe tăng, đổi hướng, đi theo quốc lộ 13 cũ (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám) xuống khu vực Phú Long (cầu Phú Long hiện nay) để xuống khu vực quốc lộ 1A, ngã tư Bình Phước", cô Hai Mỹ kể.

Cô Hai Mỹ cho biết khi đoàn xe tăng xuống đến khu vực ngã tư Bình Phước thì có một cánh quân khác từ hướng Đồng Nai cũng đang tiến vào Sài Gòn (hướng qua cầu Bình Triệu hiện nay). Lúc này, đoàn xe tăng tiếp tục đổi hướng dọc theo quốc lộ 1A xuống hướng ngã tư Ga (Q.12 hiện nay).

Sau khi dẫn đoàn xe tăng đến gần khu vực ngã tư ga, cô Hai Mỹ chỉ đường cho đoàn xe đi vào hướng đường Quang Trung hiện nay tiến vào Dinh Độc Lập.

Hoàn thành nhiệm vụ dẫn đường, cô Hai Mỹ xuống xe tăng chạy bộ về lại Lái Thiêu để cùng với cơ sở cách mạng và Huyện ủy Lái Thiêu tiếp tục công tác tiếp quản sau giải phóng.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cô Hai Mỹ tiếp tục công tác tại Lái Thiêu có thời điểm làm Bí thư Huyện đoàn Lái Thiêu; Bí thư Đảng ủy xã Phú Long…

Sau khi nghỉ hưu, cô Hai Mỹ không lập gia đình mà sinh sống, chăm sóc mẹ già 95 tuổi trong căn nhà cấp 4 ở khu phố Nguyễn Trãi (P.Lái Thiêu). Cô được Đảng và Nhà nước tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Huân chương kháng chiến hạng ba…