Nhảy đến nội dung
 

Gặp ‘cha đẻ’ của Highlands Coffee David Thái: ‘Chúng tôi là thương hiệu Việt’

Sau khi hợp tác chiến lược với Jollibee từ năm 2010, nhiều người lầm tưởng Highlands là công ty Philippines. Ông David Thái khẳng định Highlands vẫn là thương hiệu Việt Nam, với đội ngũ điều hành và vận hành chủ yếu là người Việt.

Lần đầu xuất hiện trước truyền thông tại lễ khánh thành nhà máy rang xay gần 500 tỉ đồng ở cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), ông David Thái chia sẻ về hành trình xây dựng Highlands Coffee – từ một quán cà phê đầu tiên đến chuỗi thương hiệu dẫn đầu thị trường và tầm nhìn toàn cầu mang đậm bản sắc Việt.

Ngay cả khi Starbucks từng ngỏ ý mua lại Highlands Coffee, ông vẫn từ chối lời đề nghị tài chính hấp dẫn để bảo vệ giá trị cốt lõi: Highlands phải là biểu tượng cà phê Việt, phát triển bởi người Việt, dành cho người Việt và đại diện cho Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới.

"Việt Nam có 180.000 – 200.000 quán cà phê, và chúng tôi là người tiên phong. Ngày đầu tôi đến, cà phê chủ yếu là quán vỉa hè. Bây giờ, ngành cà phê chuỗi phát triển mạnh mẽ. Mục tiêu của chúng tôi là 5.000 cửa hàng trong 5 năm tới và hiện diện ở từng khu dân cư trên cả nước. Việt Nam vẫn là ưu tiên số một – 100%", ông David Thái khẳng định.

Tái định vị Robusta Việt Nam

Theo ông Thái, Việt Nam từ lâu đã là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, nhưng phần lớn là hạt xanh chất lượng thấp, giá rẻ, phục vụ ngành cà phê hòa tan. Đó là điều đáng tiếc. Highlands muốn thay đổi thực tế này bằng việc đầu tư vào chất lượng, công nghệ và con người.

"Chúng tôi muốn Highlands trở thành 'nhà vô địch cà phê Việt', đưa giá trị thật sự ra thế giới. Nhà máy mới được đầu tư công nghệ hiện đại như AI, hệ thống rang nhiệt kiểm soát… để bảo đảm chất lượng ở mọi khâu, từ nông trại đến ly cà phê cuối cùng", ông nói.

Dù chưa đẩy mạnh sang Mỹ do rào cản thuế, Highlands đã có mặt tại chuỗi bán lẻ Costco và đang hướng đến các thị trường gần như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc và châu Âu. Tuy nhiên, ông Thái nhấn mạnh chiến lược mở rộng quốc tế sẽ diễn ra theo lộ trình tự nhiên, ưu tiên xây chắc nền móng nội địa.

"Chiến lược mở rộng của chúng tôi sẽ chuyển dịch từ 90% nội địa – 10% quốc tế sang 80-20, 70-30… nhưng Việt Nam vẫn là trọng tâm. Người Việt cần được uống cà phê chất lượng cao, hiểu và tự hào về sản phẩm của chính mình", ông Thái chia sẻ.

25 năm và giấc mơ toàn cầu

Ông David Thái cho biết, việc khánh thành nhà máy rang xay tại Cái Mép là cột mốc sau 25 năm chuẩn bị. Ông chưa từng rút cổ tức từ Highlands mà chọn đầu tư trở lại từ các nguồn khác, thể hiện cam kết cá nhân với giấc mơ nâng tầm cà phê Việt.

"Chúng tôi không bỏ qua bất kỳ bước nào, không đi đường tắt. Từ việc tìm hiểu văn hóa, đặc điểm vùng trồng cho đến áp dụng công nghệ hiện đại – tất cả đều nhằm xây dựng Highlands trở thành quốc hiệu cà phê Việt Nam", ông nói.

Không chỉ là sản phẩm, ông cho rằng Highlands phải trở thành đại diện cho cả văn hóa, con người Việt Nam khi vươn ra thế giới. Bởi vậy, công ty đã xây dựng trung tâm đào tạo hiện đại nhằm phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng cao, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới.

Với ông David Thái, yếu tố con người chính là chìa khóa để Highlands giữ vững vị thế dẫn đầu và tạo sự khác biệt trong ngành.