Florentino Perez: Quyền lực tối thượng tại Real Madrid - Báo VnExpress Thể thao

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Perez, hội đồng quản trị Real vẫn còn những tiếng nói phản đối có sức nặng, như Ramon Calderon, người sau đó trở thành chủ tịch vào năm 2006 sau khi Perez bất ngờ từ chức, với tuyên bố rằng ông tin CLB cần "một hướng đi mới".
Song, kể từ khi trở lại ghế chủ tịch vào năm 2009, Perez mới bắt đầu tập trung quyền lực ở Real. Ngày đó, ông từng tuyên bố trong lễ nhậm chức: "Tôi cảm thấy mình có thể làm được gần như mọi thứ". Ông không hề phóng đại. Không ai trong hội đồng quản trị có sức hút hay đủ cá tính như ngài chủ tịch. Không có giám đốc nào dám thách thức các quyết định hay chính sách của ông, dù là trước mặt hay sau lưng. Thậm chí, một nguồn tin từ The Athletic còn kể: "Khi Perez bước vào phòng, 20 người bật dậy, chỉnh ghế, lấy nước, chỉ thiếu điều hứng lấy... sự chú ý của ông".
Trong mô hình lãnh đạo của Perez, Giám đốc điều hành Jose Angel Sanchez thường là người thay mặt ông thực hiện các quyết sách. "Florentino quyết định, Jose Angel thực thi" là cách mô tả chung của những người làm việc cho Real và những người thường xuyên giao dịch với CLB. Mô hình này có tác động lớn đến cách các quyết định được đưa ra ở các phòng ban khác nhau, từ chuyển nhượng cầu thủ, bảo trì sân bãi đến tiếp thị.
Nếu ở các CLB hàng đầu khác, những quyết định quan trọng thường do các giám đốc cấp cao đưa ra, thì tại Real mọi thứ phải được phê duyệt từ cấp cao nhất. Nghĩa là các quyết định được trình lên Sanchez, người sau đó sẽ chuyển đến Perez nếu cần thiết. Dĩ nhiên, mô hình này cũng có điểm trừ, đặc biệt khi cần một quyết định nhanh chóng trong các thương vụ chuyển nhượng hay với một đối tác kinh doanh tiềm năng nào đó, nhưng Perez luôn bảo lưu quan điểm.
Yêu bóng đá đến xương tủy, Perez đã đến sân Bernabeu từ khi còn nhỏ vào những năm 1950, thời kỳ hoàng kim đầu tiên của CLB dưới thời chủ tịch Santiago Bernabeu. Dù đã lắng nghe ý kiến từ các cố vấn khác nhau qua thời gian – như cựu thư ký kỹ thuật Ramon Martinez, các đại diện bóng đá Jorge Mendes và Ernesto Bronzetti, và gần đây nhất là trưởng nhóm tuyển trạch Juni Calafat – Perez vẫn tin rằng ông hiểu rõ hơn bất kỳ ai về việc Real nên ký hợp đồng với cầu thủ nào. Với nhiều người, ông như thể vừa là chủ tịch vừa là giám đốc thể thao của CLB.
Không như những siêu cường bóng đá cùng vai vế khác là Barca hay Bayern Munich, kinh nghiệm bóng đá của các cựu cầu thủ và HLV không được trọng dụng ở Real. Những huyền thoại như Vicente del Bosque, Fernando Hierro và Jorge Valdano đều đã bị gạt ra bên lề. Sự trung thành tuyệt đối với Perez là điều kiện để có thể ở lại CLB lâu dài, như cách cựu tiền đạo và hiện là giám đốc quan hệ công chúng Emilio Butragueno từng mô tả ông chủ của mình vào năm 2005 là một "thực thể tối cao".
Vì thế, vị trí ghế nóng ở Real luôn đòi hỏi các HLV vừa phải có chuyên môn, vừa phải "khéo" trong cách ứng xử. Perez chưa bao giờ thực sự tin tưởng vào Julen Lopetegui hay Rafa Benitez, và cả hai đều không trụ lâu. Sức hút và sự tự tin của Zidane là có, nhưng chính việc giành nhiều chức vô địch Champions League mới giúp ông giữ được công việc. Trong khi đó, Carlo Ancelotti sở hữu kỹ năng ngoại giao tuyệt vời, nhưng thất bại toàn tập ở mùa giải trước đã chấm dứt cuộc tình giữa ông và Los Blancos.
Truyền thông là một lĩnh vực nữa mà Perez – người từng thất bại trong việc tranh cử công chức vào những năm 1980 – tin rằng cực kỳ quan trọng. Kênh truyền hình Real Madrid TV của CLB luôn thể hiện rõ góc nhìn của một Madridista, điển hình như trong khoảng hai năm đổ lại đây là những nội dung chỉ trích công tác trọng tài ở LaLiga – dù cách lập luận này có nhiều điểm không thuyết phục. Ngoài ra là các ấn phẩm trực tuyến thân thiện và mối quan hệ đối với các phóng viên trong giới truyền thông thể thao và báo chí Tây Ban Nha.
Ảnh hưởng truyền thông như vậy có ích cho Real trong các cuộc chiến chính trị liên tục với Chủ tịch LaLiga Javier Tebas, nhân vật duy nhất trong bóng đá Tây Ban Nha có tầm ảnh hưởng gần bằng Perez. Tuy nhiên, khả năng kiểm soát câu chuyện trong nước của Perez vẫn đến những điểm mù, rõ ràng nhất là khi không lường trước được sự phẫn nộ quốc tế gây ra bởi dự án Super League vào năm 2021. Dù dự án này đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy tờ, quyền lực của Perez hoàn toàn không bị thách thức ở Real, ngay cả bởi những người không đồng ý với các chính sách hay quan điểm chính trị của ông.
Vô đối trong các cuộc tranh cử
Trong lịch sử, các cuộc bầu cử chủ tịch Real thường có nhiều ứng cử viên tranh cử. Sau khi Perez từ chức trong thế "cụp đuôi" vào năm 2006, Calderon đã thắng sít sao trong một cuộc bầu cử gây tranh cãi giữa năm ứng viên. Khi Perez quyết định trở lại ba năm sau, ông không gặp phải đối thủ nào. Kể từ đó, ông đã tái đắc cử mà không có đối thủ vào các năm 2013, 2017 và 2021.
Những thay đổi trong điều lệ CLB vào năm 2012 càng củng cố sự trị vì của Perez. Nếu ai muốn bước ra tranh cử ghế chủ tịch Real, họ cần là hội viên CLB trong 20 năm, tăng 33% so với quy định trước đó là 15 năm. Họ cũng phải ứng trước một khoản bảo lãnh ngân hàng, trị giá 15% ngân sách hàng năm của CLB. Và chỉ công dân Tây Ban Nha mới có thể tranh cử.
Perez bảo vệ các biện pháp này, cho rằng chúng cần thiết để bảo vệ Real khỏi những người ngoài có thể không đặt lợi ích CLB lên hàng đầu. "Không ai được phép dùng lời ngon tiếng ngọt để giành quyền kiểm soát", Perez từng phát biểu vào năm 2012. "Và tôi không muốn nghĩ xấu về bất kỳ ai, dù là các tỷ phú Ả Rập hay Nga, nhưng đây là chuyện nội bộ của chúng ta".
Trong những cuộc đại hội thường niên, hiếm có sự phản đối nào nhắm vào Perez, khi các đại diện thành viên được chọn qua một quy trình do chính ông kiểm soát, thông qua các kế hoạch của ban lãnh đạo. Một số thành viên đã thách thức điều lệ này tại tòa án, nhưng các thẩm phán luôn bác bỏ khiếu nại của họ. Năm 2018, 92% đại diện thành viên đã phê duyệt khoản vay 718 triệu USD cho dự án cải tạo sân Bernabeu. Đến năm 2021, khi được yêu cầu chấp thuận thêm khoản vay 266 triệu USD để bù đắp chi phí vượt dự toán, họ bỏ phiếu với 1.562 phiếu thuận và chỉ 16 phiếu chống.