Expo Osaka 2025 - Những tương lai nhân loại - Kỳ 1: Con người và robot đồng cư được không?

Triển lãm thế giới (expo) hoạt động như một cuộc tụ họp toàn cầu của các quốc gia dành cho việc giải quyết những vấn đề thời đại cấp bách.
Năm nay, 158 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Expo Osaka 2025 với chủ đề chính "Thiết kế xã hội tương lai cho cuộc sống" kéo dài 6 tháng từ 13-4 đến 13-10-2025. Phóng viên Tuổi Trẻ mục sở thị những công trình và công nghệ tương lai của thế giới.
Có bao giờ bạn hình dung thế giới và con người sẽ thay đổi ra sao trong 50 năm hay thậm chí 1.000 năm nữa? Nhà robot học nổi tiếng Nhật Bản Hiroshi Ishiguro đã phác thảo một xã hội tương lai như vậy ở Expo Osaka 2025.
Vì một xã hội không cô đơn
Triển lãm "The Future of Life" (Tương lai sự sống) là một cuộc khám phá triết học về cách android (robot được thiết kế giống con người) và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể định hình tương lai, đặc biệt trong các xã hội già hóa như Nhật Bản.
"The Future of Life" là một tòa nhà có sắc đen huyền bí được bao phủ bởi nước - biểu tượng của sự sống. Trong tòa nhà này, nhà robot học Hiroshi Ishiguro đã thiết kế một xã hội tương lai, nơi con người cùng tồn tại (đồng cư) với robot và AI.
Hiroshi Ishiguro, giáo sư tại Đại học Osaka, cùng với một đội ngũ đa ngành bao gồm kiến trúc sư, chuyên gia công nghệ và nhà nghiên cứu văn hóa hình dung hình dáng của cuộc sống 50 năm hoặc thậm chí một thiên niên kỷ trong tương lai, qua ba khu vực chính.
Khu vực đầu tiên của gian triển lãm phác thảo xu hướng lịch sử của Nhật Bản, từ những hình nhân haniwa bằng đất nung cổ đại đến robot hiện đại. Khu vực hai phác thảo một xã hội tương lai gần mà sự đồng cư giữa con người và máy móc trở nên phổ biến.
Khu vực triển lãm cuối cùng có tên Mahoroba, gợi lên một tương lai mơ hồ và xa xôi hơn: 1.000 năm tới, khi nhân loại đã tiến hóa vượt ra ngoài hình thức sinh học của mình. Mahoroba gợi ý rằng ý thức chứ không phải thể xác, có thể là nền tảng của cuộc sống tương lai.
Xuyên suốt gian hàng là các màn hình kể về câu chuyện của hai bà cháu người Nhật. Người bà chăm sóc và gắn bó với cháu gái từ thuở ấu thơ đến trưởng thành. Đến khi người bà sắp qua đời, cháu gái đứng trước lựa chọn khó khăn: để bà qua đời tự nhiên hay giữ ký ức của bà trong android.
Chia sẻ với đoàn nhà báo ASEAN, trong đó có phóng viên Tuổi Trẻ, ông Ishiguro nói về ý tưởng tạo ra android: "Công việc của tôi là phát triển android và giúp đỡ con người. Đặc biệt ở Nhật Bản, chúng tôi sẽ đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động. Đó là một vấn đề rất nghiêm trọng.
Trong vòng 50 năm tới, dân số của chúng tôi sẽ giảm ít nhất 30%, thậm chí có người nói là giảm 50%. Chúng tôi cần chấp nhận thêm nhiều người nước ngoài, nhưng điều đó không dễ ở Nhật Bản. Chúng tôi có văn hóa khác biệt, ngôn ngữ khác biệt. Giải pháp của chúng tôi là sử dụng robot, android, AI".
Ông Ishiguro chia sẻ thêm: "Công nghệ này sẽ rất quan trọng. Chúng ta không muốn có một xã hội cô đơn. Bạn muốn con người chết tự nhiên, hay muốn họ tiếp tục sống trong robot hoặc android? Đó là vấn đề đạo đức rất quan trọng và gây tranh cãi. Chúng ta cần thảo luận cẩn thận về điều đó".
Nhà robot học Nhật Bản cho biết robot android đã có ở một mức độ nào đó, ở mức có thể trò chuyện và đội ngũ của ông có thể cải tiến thêm.
"Trong vòng 10 năm tới, con người có thể sử dụng robot trò chuyện của riêng mình. Không phải android. Có thể chỉ là một robot nhỏ. AI đang phát triển rất nhanh và ngày càng giống con người và nếu muốn, chúng ta có thể tạo ra bản sao của một người", ông Ishiguro nói và không quên giới thiệu với các nhà báo ASEAN có thể trò chuyện với phiên bản android mô phỏng ông gần đó.
Thể hiện tính người trong robot
Ông Ishiguro, 62 tuổi, có vẻ ngoài trông như một nghệ sĩ. Ông gây ấn tượng với người xung quanh bởi phong cách thời trang không lẫn với ai: áo sơ mi, quần âu và mái tóc đều một màu đen tuyền.
Thời trẻ, Ishiguro muốn làm họa sĩ sơn dầu nhưng cuối cùng ông theo học khoa học máy tính và robot. "Tôi quan tâm đến con người. Lúc đầu là suy nghĩ làm thế nào để thể hiện con người trên tranh vẽ. Nhưng cuối cùng, tôi làm điều này với máy tính và robot. Tôi đang cố gắng thể hiện nhân tính trong robot", ông chia sẻ với các nhà báo ASEAN.
Theo ông Ishiguro, công nghệ là cách để tăng khả năng của con người. Nhờ công nghệ, con người có thể tồn tại trong thế giới này. "Chúng ta cần tiến hóa hơn nữa nhờ công nghệ. Tiêm chủng là công nghệ. Kháng sinh là công nghệ. Quần áo, nhà cửa, mọi thứ đều là công nghệ. Nếu có công nghệ mạnh mẽ hơn, chúng ta có thể tồn tại ngoài không gian, vũ trụ. Vì vậy, chúng ta cần có nhiều công nghệ AI và robot hơn nữa", ông nêu quan điểm.
Ông Ishiguro cho rằng công nghệ có thể đóng góp cho xã hội Nhật Bản trong việc giải quyết vấn đề xã hội già hóa, thiếu hụt lao động. Theo đó, robot sẽ chăm sóc và trò chuyện với người già.
Nhà robot học Nhật Bản khẳng định công nghệ không xấu, chính con người mới gây ra nhiều vấn đề bởi những ham muốn "ngu ngốc" của mình. Ông cho rằng để cùng tồn tại với robot và công nghệ, con người phải học cách sử dụng chúng.
"Ví dụ, 100 năm trước, chúng ta chỉ học viết và nói, sau đó có việc làm. Có lẽ 10% thời gian là giáo dục, 90% là công việc. Còn ngày nay thì chúng ta dành hơn một nửa hoặc 80% cuộc đời cho giáo dục. Để tồn tại và phát triển, con người phải học cách sử dụng robot và AI. Nhờ AI và robot, chúng ta có thể tăng năng suất. Và tổng thể, xã hội sẽ giàu có hơn", ông nhận định.
Ông Ishiguro tin rằng robot không chỉ là máy móc mà là gương phản chiếu nhân loại. Ông Ishiguro hình dung một tương lai nơi robot và AI được tích hợp sâu sắc vào xã hội như những đối tác giống con người, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản thân, mở rộng khả năng của mình và thúc đẩy các hình thức đồng tồn tại và tương tác mới, đồng thời giải quyết những câu hỏi triết học sâu sắc về bản sắc và sự hiện diện của con người.
Đến gần cuối cuộc trò chuyện, tôi hỏi ông Ishiguro vì sao ông có thể tưởng tượng và thiết kế được hình dáng con người trong 1.000 năm tới trong triển lãm "The Future of Life", nhà robot học cười nói: "Con người lúc đó thật đẹp, đúng không? Đó là giấc mơ của chúng tôi. Nếu mọi người xem gian hàng này, tôi khuyến khích họ suy nghĩ về tương lai. Đó là sứ mệnh quan trọng nhất của triển lãm này".
-------------------------------------
Ở khu vực trải nghiệm "tái sinh", các thiết bị được hỗ trợ công nghệ AI và cảm biến y tế - sẽ đo các chỉ số từ tóc, da đến hệ cơ xương và tim mạch của khách tham quan. Từ những thông số sức khỏe này, khách tham quan có thể thấy được "phiên bản của mình" 25 năm sau.
Kỳ tới: Y học tái sinh và giấc mơ trường thọ