EU tính ‘đoạn tuyệt’ khí đốt Nga sau 2 năm tới, liệu có dễ?

Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị một kế hoạch pháp lý nhằm cấm nhập khẩu hoàn toàn khí đốt từ Nga vào cuối năm 2027, chấm dứt phụ thuộc vào nhà cung cấp năng lượng từng lớn nhất của khối.
Lượng khí đốt của Nga chảy vào châu Âu đã giảm mạnh sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra năm 2022. Tuy nhiên, Nga vẫn cung cấp lượng lớn khí đốt bằng các đường ống qua Thổ Nhĩ Kỳ và các lô khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Theo các nguồn thạo tin, Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến cấm toàn bộ các hợp đồng mới mua khí đốt của Nga và chấm dứt các hợp đồng giao ngay hiện tại. Lệnh này dự kiến có hiệu lực vào cuối năm 2025. Đồng thời, EU cũng đưa ra lộ trình để chấm dứt hợp đồng dài hạn nhập khẩu LNG và vận chuyển khí đốt qua đường ống từ nay đến cuối năm 2027.
Năm 2024, EU vẫn nhập khẩu 26 tỷ USD năng lượng từ Nga. Dù dòng chảy khí đốt từ Nga đã giảm mạnh sau khi xung đột nổ ra, nguồn cung của Nga vẫn chiếm tới 19% tổng lượng nhập khẩu khí đốt của toàn khối, chủ yếu qua tuyến đường ống Thổ Nhĩ Kỳ và LNG từ nhà máy Yamal ở Bắc Cực. Vì vậy, mốc thời gian sẽ phụ thuộc vào khả năng EU tìm nguồn cung LNG thay thế từ Mỹ, Qatar, Canada và Châu Phi.
Kế hoạch đoạn tuyệt với khí đốt Nga được kỳ vọng sẽ mở đường cho Mỹ gia tăng xuất khẩu LNG sang châu Âu. Đây là điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần kêu gọi. Tuy nhiên, chi phí và an ninh nguồn cung vẫn là thách thức lớn.
Ngoài ra, việc cấm hoàn toàn khí đốt Nga gặp trở ngại lớn vì cần được tất cả 27 nước thành viên thông qua. Hungary và Slovakia là hai nước vẫn phụ thuộc vào đường ống khí đốt của Nga. Nhiều khả năng hai quốc gia này sẽ phản đối, khiến các lệnh trừng phạt mang tính pháp lý cao trở nên khó thực thi.
Thay vào đó, EU có thể áp dụng các biện pháp thương mại như thuế quan hoặc hạn ngạch để khiến khí đốt Nga kém hấp dẫn về mặt kinh tế. Quyết định này chỉ cần đa số phiếu. Tuy nhiên, nhiều thành viên nghi ngờ hiệu quả của cách tiếp cận này.
Việc hạn chế các hợp đồng ngắn hạn cũng không dễ dàng. Vì thị trường LNG không có định nghĩa rõ ràng về hợp đồng giao ngay. Ngoài ra, khi tàu chở LNG cập cảng, gần như không thể xác định hợp đồng đó thuộc dạng ngắn hạn hay dài hạn. Điều này sẽ khiến EU khó kiểm soát các quy tắc và đánh giá tác động.
Kế hoạch sắp được công bố của EU cũng bao gồm việc hạn chế dần nhập khẩu vật liệu hạt nhân từ Nga. Với dầu mỏ, Slovakia và Hungary sẽ phải nộp kế hoạch cụ thể nhằm chấm dứt nhập khẩu trước cuối năm 2027.
Theo FT