EU, Mexico chật vật trước thuế mới của ông Trump

Tuyên bố áp thuế 30% đối với hàng hóa từ EU và Mexico của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như là 'tin buồn' đối với cả EU và Mexico, buộc họ phải chạy nước rút để xoay chuyển tình thế trước 1-8.
Ngày 12-7, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 30% đối với hàng hóa từ EU và Mexico, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-8.
Theo kênh CNBC, nhà lãnh đạo Mỹ đã công bố mức thuế mới này trong bức thư gửi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum.
Cú đánh bất ngờ với EU
Ngày 12-7, bà Ursula von der Leyen tuyên bố Liên minh Châu Âu (EU) sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Mỹ, nhưng nhấn mạnh khối này sẽ xem xét các biện pháp trả đũa.
Theo tờ Washington Post, Ủy ban châu Âu đã chuẩn bị một danh sách các mặt hàng Mỹ để áp thuế trong trường hợp đàm phán thất bại.
"Việc áp thuế 30% lên hàng xuất khẩu của EU sẽ làm gián đoạn các chuỗi cung ứng xuyên Đại Tây Dương, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và cả bệnh nhân ở hai bờ Đại Tây Dương", bà nhận định.
Giới phân tích cho rằng lá thư của ông Trump là “cú đánh bất ngờ” đối với giới chức châu Âu - những người dành nhiều tuần để liên lạc với Nhà Trắng, thậm chí sang tận Washington để tìm kiếm thỏa thuận thuế quan với Mỹ.
Phía EU thời gian gần đây đã hy vọng tránh được một “cú đánh úp” từ ông Trump trên mạng xã hội Truth Social.
Trước đó Brussels và Washington đã phác thảo một “thỏa thuận nguyên tắc” nhằm miễn thuế cho một số ngành then chốt như rượu và máy bay, đồng thời hai bên cũng đàm phán để giảm mức thuế 25% mà Mỹ đang áp lên ô tô Châu Âu.
Không chỉ vậy, EU cũng sẵn sàng cam kết mua thêm hàng hóa Mỹ, đặc biệt là vũ khí và khí tự nhiên hóa lỏng.
Tuy nhiên lá thư của ông Trump lại gửi đi “tối hậu thư” mà châu Âu khó có thể đáp ứng được.
Ông chủ Nhà Trắng viết trong lá thư rằng: “Liên minh châu Âu sẽ cho phép Mỹ tiếp cận thị trường một cách hoàn toàn và mở cửa, mà không áp bất kỳ loại thuế quan nào đối với chúng tôi, nhằm nỗ lực giảm thâm hụt thương mại”.
Bên cạnh đó ông Trump cho biết sẽ không áp thuế đối với hàng hóa của 27 quốc gia thành viên EU nếu “các công ty EU quyết định xây dựng hoặc sản xuất sản phẩm ngay tại Mỹ”.
Ngay cả Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, nhà lãnh đạo có mối quan hệ thân thiết với Washington, cũng bày tỏ hy vọng rằng hai bên có thể tránh việc ăn miếng trả miếng.
“Sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi kích hoạt một cuộc chiến thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương. Điều cần thiết hiện nay là phải tập trung vào đàm phán, tránh sự chia rẽ có thể khiến việc đạt được thỏa thuận trở nên khó khăn hơn”, Văn phòng bà Meloni cho biết trong một tuyên bố.
‘Động thái bất công’
Trong lá thư gửi Tổng thống Sheinbaum, ông Trump viết: “Mexico đã giúp tôi kiểm soát biên giới, NHƯNG, những gì Mexico làm vẫn chưa đủ”.
Điểm chung của cả hai lá thư gửi EU và Mexico là đều đổ lỗi cho thâm hụt thương mại và xem đây là nguyên nhân buộc Mỹ phải áp mức thuế mới.
Hiện vẫn chưa rõ liệu mức thuế mà ông Trump tuyên bố áp lên Mexico có bao gồm các mặt hàng được miễn trừ hay không. Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Các nhà phân tích cho rằng ngành ô tô và thiết bị điện của Mexico sẽ chịu tác động lớn nhất nếu mức thuế của Mỹ có hiệu lực. Một phần xuất phát từ việc các nhà sản xuất ô tô Mỹ nhập khẩu rất nhiều linh kiện từ Mexico, theo tờ New York Times.
Bộ trưởng Kinh tế Mexico Marcelo Ebrard - người dẫn đầu phái đoàn Mexico qua Mỹ đàm phán - cho biết giới chức Mỹ nói rằng việc gửi thư thông báo về mức thuế mới là “một phần của sự thay đổi toàn diện trong chính sách thương mại Mỹ”.
“Chúng tôi đã nói rõ tại bàn đàm phán rằng đây là một động thái bất công và chúng tôi không đồng ý với điều đó”, ông Ebrard viết trên mạng xã hội ngày 12-7.
Giới chức Mexico khẳng định sẽ nỗ lực đàm phán trước khi mức thuế mới có hiệu lực vào ngày 1-8, nhưng cũng có phương án thay thế nhằm bảo vệ doanh nghiệp và việc làm ở hai bên biên giới.