Nhảy đến nội dung
 

EU gấp rút tìm tiếng nói chung trước hạn chót thuế quan của ông Trump

Châu Âu đang chạy đua để đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ trước hạn chót 8/7 của ông Trump, nhưng sự chia rẽ giữa các nước thành viên có nguy cơ làm suy yếu vị thế đàm phán của khối.

Lien minh chau Au EU anh 1

Khi đồng hồ đếm ngược đến ngày 8/7 - hạn chót Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra cho một thỏa thuận thương mại mới hoặc áp thuế “đối ứng” lên tới 50%, Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực phô diễn sự đoàn kết. Tuy nhiên, sau cánh gà ngoại giao, các quốc gia thành viên lại rẽ theo nhiều hướng, làm suy yếu đáng kể vị thế đàm phán chung của khối.

“Không ai ở châu Âu muốn leo thang căng thẳng, không ai muốn một cuộc đối đầu”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa phát biểu cuối tuần qua.

Thông điệp đó cũng sẽ được Cao ủy Thương mại EU Maros Sefcovic nhấn mạnh khi ông gặp Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer vào ngày 3/7 - vòng đàm phán có thể mang tính quyết định cuối cùng trước hạn chót ngày 8/7.

Sự đa dạng quan điểm của 27 nhà lãnh đạo, mỗi người phải đáp ứng lợi ích và áp lực chính trị trong nước, đang khiến ông Sefcovic gặp khó khăn trong việc đàm phán một thỏa thuận cứng rắn.

Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ báo cáo tiến độ đàm phán với các đại sứ EU vào ngày 4/7. Việc có thể công bố đột phá hay không phần lớn phụ thuộc vào phản hồi của họ.

Lien minh chau Au EU anh 2

Cao ủy Thương mại EU Maroš Šefčovič gặp khó khi chưa nắm bắt được thông điệp thống nhất từ khối để có thể đàm phán với Mỹ. Ảnh: Reuters.

Berlin và Rome muốn thỏa thuận nhanh

Trong chặng nước rút, Brussels tiếp tục thúc đẩy Mỹ hạ mức thuế cơ bản 10% mà ông Trump đã áp lên hầu hết đối tác thương mại Mỹ từ tháng 4. Song, EU cũng phát tín hiệu rằng họ có thể chấp nhận mức 10% nếu có những điều kiện đi kèm, chẳng hạn như được miễn trừ ngay lập tức cho một số ngành công nghiệp trọng điểm.

“Đang xuất hiện một số bất đồng và tôi nghĩ chúng cần được giải quyết nhanh chóng, vì đây thực sự là vấn đề”, Brando Benifei, nghị sĩ cấp cao đồng thời là Chủ tịch phái đoàn Nghị viện châu Âu phụ trách quan hệ với Mỹ, chia sẻ với Politico.

“Sự chia rẽ này giữa một phe dường như sẵn sàng chấp nhận mức thuế 10% như một phần của thỏa thuận để đối phó với phần còn lại, và phe khác, trong đó có tôi, cho rằng mức thuế cơ bản như vậy hoàn toàn không phù hợp với nguyên tắc của chúng ta và không nên bị chấp nhận”, ông nói.

Phát ngôn viên thương mại của Ủy ban châu Âu đã bác bỏ cách mô tả đó, cho rằng không phản ánh đúng tính chất cuộc tranh luận.

Trong khối EU, Thủ tướng Đức Friedrich Merz và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni là hai lãnh đạo ủng hộ mạnh mẽ việc đạt được thỏa thuận nhanh chóng, kể cả khi phải nhượng bộ nhiều hơn với Nhà Trắng.

Tại hội nghị thượng đỉnh EU tuần trước, ông Merz lập luận rằng “hành động nhanh chóng và đơn giản vẫn tốt hơn là chậm chạp và phức tạp”. Ông đã nêu rõ những ngành công nghiệp chủ chốt của Đức như hóa chất, dược phẩm, cơ khí, thép, nhôm và ôtô đang phải chịu mức thuế quá cao, đe dọa đến khả năng sống còn của nhiều doanh nghiệp.

Meloni - một đồng minh thân cận của ông Trump - thậm chí còn tuyên bố mức thuế 10% “không ảnh hưởng nhiều đến chúng tôi”. Một nhà ngoại giao EU giấu tên cho biết Rome “rất muốn duy trì quan hệ tốt và sẵn sàng chấp nhận nhiều điều khoản” trong quá trình đàm phán thuế.

Lien minh chau Au EU anh 3

Giorgia Meloni - Thủ tướng Italy đồng thời là một đồng minh của ông Trump - đã mô tả mức thuế quan 10% của Mỹ là “không có tác động đặc biệt nào" đối với Italy. Ảnh: EPA.

Thủ tướng Đức chủ yếu thúc đẩy giảm thuế cho các lĩnh vực cụ thể, như ngành công nghiệp ôtô - đầu tàu xuất khẩu của Đức. Washington tỏ ra hưởng ứng tích cực với lập trường này. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick mới đây nhận xét rằng “Đức muốn ký thỏa thuận, nhưng họ không được phép”.

Tuy nhiên, chuyên gia thương mại David Kleimann từ Viện ODI tại Brussels cảnh báo điều đó có thể không vì lợi ích chung của toàn châu Âu.

“May mắn là đến nay, Ủy ban châu Âu đã phản ứng lại những bản năng vội vàng từ phía Đức”, ông Kleimann nói.

“Nhưng hiện tại, Ủy ban dường như sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận với phương án cho phép miễn trừ thuế theo từng ngành trong khung mức 10% - điều này có thể làm xói mòn nguyên tắc cơ bản của hệ thống thương mại dựa trên luật lệ và phá hoại quyền tự chủ chiến lược của EU”, ông cho biết thêm.

Paris và Madrid dè chừng

Trái ngược với Berlin và Rome là Paris và Madrid. Hai nước này quyết tâm chống lại chiến thuật đàm phán “cứng rắn” của ông ông Trump, theo tiết lộ từ hai nhà ngoại giao EU.

Tại hội nghị thượng đỉnh gần đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - người nhiều tuần qua đã yêu cầu Mỹ gỡ bỏ toàn bộ mức thuế - ban đầu phản đối việc vội vã chấp nhận một thỏa thuận “bất cân xứng” chỉ để kịp thời hạn của ông ông Trump. Tuy nhiên, cuối cuộc họp, ông lại ngỏ ý có thể đồng ý với mức thuế 10% nếu các điều kiện đi kèm được đảm bảo.

“Mức thuế thấp nhất có thể, tốt nhất là 0%, luôn là lựa chọn lý tưởng. Nhưng nếu Mỹ chọn mức 10%, thì chúng tôi cũng sẽ đánh thuế tương ứng lên hàng hóa Mỹ”, Macron nói.

Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez đã phải đối mặt với sự tức giận của ông Trump khi Mỹ đe dọa áp thêm thuế lên hàng hóa Tây Ban Nha vì ông Sánchez từ chối tăng ngân sách quốc phòng theo yêu cầu tại hội nghị NATO.

Dù vậy, quyết định như vậy trên thực tế không nằm trong thẩm quyền của từng nước do EU hoạt động như một khối thương mại chung.

Lien minh chau Au EU anh 4

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez từng khiến ông Trump nổi giận và đe dọa tăng thuế khi từ chối tăng ngân sách chi tiêu quốc phòng tại Hội nghị thượng đỉnh NATO. Ảnh: Reuters.

Chưa dừng lại ở đó, các quốc gia nhỏ hơn trong EU cũng đưa ra hàng loạt yêu cầu riêng, với mục tiêu bảo vệ các ngành nhạy cảm nội địa. Một số nước có cán cân thương mại với Mỹ ở mức cân bằng tỏ ra không muốn gánh chịu hậu quả từ thặng dư thương mại chung mà các quốc gia lớn tạo ra, đặc biệt là Đức.

Sức ép trả đũa

Sự chia rẽ nội bộ này cũng ảnh hưởng đến kế hoạch đáp trả của EU. Ủy ban châu Âu đang chuẩn bị phương án trả đũa trong trường hợp đàm phán thất bại.

Ngoài gói biện pháp trị giá 21 tỷ euro (24,7 tỷ USD) nhằm đáp trả thuế thép và nhôm mà ông Trump đã phê duyệt nhưng chưa triển khai, Brussels còn đề xuất thêm một gói 95 tỷ euro để phản ứng với mức thuế “đối ứng” và thuế ôtô. Tuy nhiên, nếu các nước thành viên tiếp tục vận động hành lang để bảo vệ lợi ích riêng, mức tác động có thể bị giảm xuống chỉ còn 25 tỷ euro (29,4 tỷ USD), theo cảnh báo của Ủy ban hồi tháng trước. Trong trường hợp đàm phán tuần này thất bại, sự bất đồng có thể làm suy yếu khả năng gây sức ép thực sự lên nền kinh tế Mỹ khi các Bộ trưởng Thương mại EU nhóm họp vào ngày 14/7 để ra quyết định cuối cùng. “Mặc dù một số nước thành viên ám chỉ rằng họ có thể chấp nhận mức thuế 10% nếu các điều kiện khác được giải quyết, tôi vẫn cho rằng đó không phải lựa chọn hợp lý”, Nghị sĩ Benifei nhấn mạnh. “Chúng ta phải có biện pháp đối phó nếu phải chấp nhận mức thuế này trong thỏa thuận cuối cùng”.Lý giải vận mệnh của các nền kinh tếMục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.> Độc giả có thể xem thêm tại đây.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn