EU áp gói trừng phạt mới, Nga quyết 'không phản hồi'

Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố gói trừng phạt thứ 17 nhằm siết chặt vòng vây kinh tế Nga, tuy nhiên Matxcơva tiếp tục giữ thái độ cứng rắn theo đuổi chiến lược bất chấp sức ép từ phương Tây.
Ngày 20-5, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã công bố vòng trừng phạt mới nhắm vào Nga vì hành vi tấn công Ukraine và từ chối lệnh ngừng bắn mà phương Tây đề xuất.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Lammy, quyết tâm áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm giúp Ukraine tự vệ và "hạn chế cỗ máy chiến tranh của Putin".
Nhắm vào "hạm đội bóng tối"
Theo Hãng tin Reuters, trọng tâm của gói trừng phạt là đưa gần 200 tàu chở dầu thuộc “hạm đội bóng tối” và các công ty tài chính của Matxcơva - những thực thể đã giúp Nga né tránh tác động của các vòng trừng phạt trước đó của phương Tây, vào danh sách đen.
Mục tiêu của EU là làm gián đoạn chuỗi cung ứng dầu mỏ của Nga, từ đó giảm doanh thu từ xuất khẩu năng lượng của nước này.
Bên cạnh đó, tờ Kyiv Independent dẫn lời nhà ngoại giao hàng đầu EU Kaja Kallas vào ngày 20-5: "Các biện pháp mới cũng nhằm đối phó với các mối đe dọa hỗn hợp (hybrid threats) và vấn đề nhân quyền".
Cụ thể, gói trừng phạt bổ sung 75 cá nhân và tổ chức Nga vào danh sách đen, nâng số đối tượng bị EU trừng phạt lên hơn 2.400 kể từ năm 2022.
Các lệnh trừng phạt mới nhắm vào các thành viên trong giới quân sự và chính trị cấp cao của Nga, trong đó có nhà hoạt động chính trị Vladimir Kara-Murza và cố lãnh đạo đảng đối lập Alexei Navalny.
Ngoài ra đối tượng trong lệnh trừng phạt còn có các thực thể nước ngoài tại Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia, UAE, với cáo buộc hỗ trợ Điện Kremlin lách các biện pháp trừng phạt trước đó.
Theo Reuters, gói trừng phạt cũng nhắm vào các linh kiện thiết yếu phục vụ ngành công nghiệp quốc phòng Nga, bao gồm hóa chất, vật liệu và các hàng hóa dùng trong dân sự và quân sự.
Cuối cùng, EU đe dọa sẽ gia tăng sức ép, áp đặt thêm các lệnh trừng phạt "bổ sung" nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin không cam kết thực hiện lệnh ngừng bắn và không nghiêm túc tham gia vào các nỗ lực hòa bình.
Thủ tướng Anh Keir Starmer và lãnh đạo các nước trong EU ngày 20-5 đã cùng kêu gọi Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga.
Tuy nhiên đáp lại lời kêu gọi trên, ông Trump cho biết Washington vẫn đang cân nhắc các hành động cần thực hiện.
Ông Trump cũng khẳng định ông không lo ngại trước các cáo buộc về việc Nga tăng cường hiện diện quân sự dọc biên giới với Phần Lan: "Không, tôi hoàn toàn không lo lắng về điều đó. Họ (Phần Lan) sẽ rất an toàn", ông Trump khẳng định.
Nga "không phản hồi các kiểu tối hậu thư"
Khi được hỏi về lệnh trừng phạt của EU, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 20-5 khẳng định Nga sẽ không bao giờ "khuất phục".
"Nga không bao giờ phản hồi các kiểu tối hậu thư" - đại diện Điện Kremlin tuyên bố.
Mặt khác, Tổng thống Putin cho biết Nga đã sẵn sàng làm việc với Ukraine về một bản ghi nhớ về một hiệp định hòa bình trong tương lai. Tuy nhiên điều này vẫn còn cách xa yêu cầu then chốt của Ukraine rằng các cuộc đàm phán chỉ có thể bắt đầu sau khi hai bên ngừng bắn.
Theo trang Politico, Matxcơva dường như đang kéo dài thời gian xung đột, trong khi đó, phía Nga lập luận rằng trách nhiệm là của Ukraine, khẳng định "quả bóng hiện đang ở trong sân của Kiev".