Em trai đánh anh cả nhập viện vì không chia đều 500 m2 đất thừa kế

Đôi vợ chồng hàng xóm kế bên nhà tôi đều đã ngoài 70 tuổi. Cách đây bốn năm, người chồng đột ngột ra đi sau một cơn đau tim khi sức khỏe tổng thể vẫn còn rất tốt. Chỉ hai năm, người vợ cũng qua đời sau một cơn bạo bệnh. Hai ông bà cũng không để lại cho các con được bao nhiêu tiền bạc, của cải, chỉ có mảnh đất 500 m2 vuông là tài sản đáng giá.
Ông bà có năm người con, trong đó chỉ có hai con trai. Theo truyền thống bấy lâu của làng tôi, chuyện thừa kế tài sản, đất đai khi cha mẹ mất đi chỉ là "chuyện riêng" của những người con trai, còn con gái khi lớn lên đi lấy chồng sẽ chỉ hưởng danh phận ở nhà chồng. Chính vì vậy, khi hai ông bà ra đi đột ngột, chưa kịp soạn di chúc chia đất đai cho các con, chuyện lại trở nên phức tạp hơn.
Khi bố mẹ khuất bóng chưa lâu, hai người con trai của ông bà đã ngay lập tức tiến hành họp gia đình để chia đất. Thời điểm đó đất đang lên cơn "sốt giá", đạt tới mấy chục triệu đồng một m2. Thế nên, đứa nào cũng nhăm nhe chia đất rồi bán đi để kiếm lời.
Theo họ hàng, cùng ba người con gái, người con trai cả sẽ hưởng phần lớn hơn (300 m3 đất), đồng thời đảm nhận việc cúng giỗ ông bà, bố mẹ, lo chuyện Tết nhất... Còn người con trai thứ sẽ nhận phần nhỏ hơn là 200 m2 đất thừa kế. Thế nhưng, người con trai thứ lại không tán thành với quan điểm cũng như cách chia chác ấy.
>> 9 con mắc kẹt trong 5.000 m2 đất thừa kế của mẹ
Cậu cho rằng cha mẹ sinh ra thì con nào cũng là con, phải chia công bằng, nên việc để anh trai mình nhận hơn những 100 m2, khi quy ra tiền bạc tới cả mấy tỷ đồng, là không thể chấp nhận được. Thậm chí, cậu còn tuyên bố sẵn sàng thay thế anh trai lo phần cúng giỗ tiên tổ để được lấy phần đất lớn hơn.
Người anh cả cũng không vừa khi nhất quyết không chịu nhượng bộ. Và rồi sự việc đẩy lên tới đỉnh điểm, khi hai bên to tiếng, cãi vã, chửi bới nhau gay gắt, rồi dẫn tới xô xát. Người em trai thứ cậy sức vóc to khỏe đã cầm gậy đuổi đánh anh mình đến gãy tay, phải đi bó bột tại bệnh viện. Khi thấy chị dâu ra can ngăn, cậu ta còn đánh đến thâm tím mặt mày.
Sự việc nghiêm trọng ấy mấy tháng sau cũng được giải quyết ổn thỏa thông qua sự khuyên nhủ của cô, dì, chú, bác, cùng những người con gái. Người con trai cả chấp nhận xuống nước, để phần đất thừa kế chia đôi, mỗi người nhận 250 m2. Nhưng cũng từ đó, hai anh em cắt đứt quan hệ với nhau, từ mặt, xem như không quen biết.
Chính vì vậy mà những năm sau này, đám giỗ của hai ông bà cũng bị chia đôi. Cứ đến ngày giỗ là hai anh em của gia đình này cúng riêng cha mẹ, chứ không tập trung về một mối ở nhà con trưởng như truyền thống bấy lâu nay ở làng quê. Người xưa từng bảo "nén bạc đâm toạc tờ giấy", thế mới biết sức mạnh của đồng tiền quả là ghê gớm, khi nó có thể cắt đứt cả đạo lý, tình máu mủ ruột thịt.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, rất nhiều gia đình cũng rơi vào tình cảnh trớ trêu tương tự. Nguyên nhân dẫn tới sự mất đoàn kết, chia cắt tình thân, hận thù lẫn nhau... cũng chỉ vì tiền bạc, đất đai và sự phân chia thừa kế không rạch ròi, công tâm. Đối với người già, chuyện sống nay chết mai sẽ chẳng ai mà biết trước được vận mệnh của mình. Vì vậy, lúc còn khỏe, mỗi người nên soạn sẵn di chúc theo ý mình trong việc phân định tài sản thừa kế cho con cháu sao cho thỏa đáng, hợp tình, hợp lý.
Tất nhiên, chia thế nào là do mỗi người tự quyết định, bởi trong nhà cũng có người con có hiếu, có đứa bất hiếu..., nên chuyện được hưởng thừa kế nhiều hay ít cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng nếu cha mẹ, ông bà lập di chúc và thông báo trước cho các con cháu về phần thừa kế của mình cũng là một cách để không làm phát sinh căng thẳng, tranh chấp sau này. Nếu như vợ chồng người hàng xóm của tôi soạn thảo di chúc thừa kế đất đai rạch ròi cho các con ngay từ khi còn sống, thì đâu dẫn tới cảnh các con đánh chửi, từ mặt nhau như hôm nay.
Chẳng nói đâu xa, ngay như gia đình tôi, cha mẹ dẫu không có nhiều đất đai, nhưng nhìn thấy "bài học" từ các gia đình khác, nên họ đã lập di chúc chia đất cho các con từ mấy năm nay, mặc dù cả hai vẫn còn khỏe và tuổi đều chưa tới 70. Cha tôi bảo: "Chia cho mỗi đứa bao nhiêu m2, bố mẹ đều ghi hết trong di chúc thừa kế rồi. Nếu nhỡ bố mẹ không may đột ngột mất đi, lúc đó mấy anh chị em cứ theo di chúc đã có công chứng pháp luật rạch ròi mà thực hiện". Tôi nghĩ vậy lại hay, sau này anh em đỡ tị nạnh nhau vì chuyện thừa kế ít hay nhiều.
Nguyễn Gia Long