Nhảy đến nội dung
 

Em tôi sống như cái bóng, từ chối mọi sự giúp đỡ của gia đình

Trong thời đại của tiếng ồn xã hội, của mạng xã hội ngập tràn những khoảnh khắc thành công, rực rỡ và kết nối không ngừng nghỉ, có một bộ phận giới trẻ lại đang sống như những cái bóng lặng lẽ, thụ động và dần đánh mất kết nối với chính bản thân, gia đình và thế giới xung quanh. Tôi có một người em sinh năm 2001; một thế hệ lớn lên trong giai đoạn giao thời của nhiều thay đổi xã hội, công nghệ và quan niệm sống.

Em là con út trong gia đình hai anh em. Khác với tôi, người đã có tuổi thơ bên bà nội ở quê, em được lớn lên bên cha mẹ, tưởng chừng như đủ đầy tình thương và sự chăm sóc. Chính sự "bao bọc" ấy cộng với những biến động về chỗ ở, môi trường sống và áp lực học tập đã dần tạo ra một vùng tối trong thế giới nội tâm của em, đến nay vẫn chưa có ánh sáng chiếu tới. Từ một đứa trẻ hoạt bát, em dần trở nên trầm lặng khi bước vào tuổi dậy thì và chuyển về quê sống. Có thể nói, sự thay đổi môi trường xã hội từ thành phố vào làng quê, từ miền Nam ra miền Bắc là một cú sốc vô hình nhưng sâu sắc. Những năm tháng học sinh, thay vì là khoảng thời gian phát triển cá nhân và mở rộng giao tiếp xã hội, lại trở thành hành trình thu hẹp dần các mối quan hệ, các kỹ năng và cả sự tự tin.

Em tôi giờ đây sống đúng nghĩa là một cái bóng trong gia đình. Ngoài mẹ, em gần như không giao tiếp với bất kỳ ai, kể cả tôi hay bố. Những câu hỏi đơn giản, những câu chuyện xã giao, những câu nói bày tỏ cảm xúc, giác quan, dường như là quá xa lạ với em. Giao tiếp xã hội là một kỹ năng mà em chưa bao giờ học được và cũng không có động lực để học. Em không biết mình thích gì, không có ước mơ, không có mục tiêu, không có nỗ lực để thay đổi như thể cuộc sống này không dành cho em. Tất cả những gì tôi nghe được từ em là: "Em không biết","Em không biết phải làm gì", "Em không nghĩ được gì", em từ chối mọi nỗ lực giúp đỡ từ gia đình.

Tôi biết đây không chỉ là câu chuyện của một cá nhân, sự rút lui này không hiếm. Nó phản ánh một hội chứng phổ biến trong giới trẻ hiện nay: "hikikomori" một hiện tượng bắt nguồn từ Nhật Bản, mô tả những người trẻ tự nguyện cách ly khỏi xã hội trong thời gian dài, sống khép kín, gần như không giao tiếp. Nguyên nhân thường đến từ sự thất vọng với xã hội, áp lực thành công, mất kết nối cảm xúc với gia đình, một nền giáo dục nặng tính thành tích nhưng thiếu sự thấu hiểu cảm xúc.

Trong trường hợp của em tôi, có lẽ sự bao bọc thái quá của gia đình, cộng với việc thiếu một môi trường giao tiếp lành mạnh và thiếu người định hướng từ sớm, đã khiến em không học được kỹ năng xã hội căn bản. Khi gặp khó khăn, thay vì được lắng nghe và dẫn dắt, em chọn cách im lặng. Sự im lặng kéo dài qua năm tháng đã thành vết chai trong tâm hồn. Điều đáng lo là trạng thái này không tự biến mất. Một người trẻ sống không kết nối, không động lực và không mục tiêu dù vẫn sống, ăn uống, đi lại nhưng là một dạng "chết tâm lý". Không ít người trong trạng thái này sẽ sống như thế trong nhiều năm, thậm chí cả đời, nếu không có một cú hích từ bên trong hoặc một sự can thiệp đúng lúc từ bên ngoài.

Chúng ta có thể thương người em ấy, cảm thấy bất lực, thậm chí giận dữ nhưng điều quan trọng hơn là hiểu rằng: "Đằng sau sự im lặng, luôn có một nỗi đau chưa từng được lắng nghe". Em tôi và rất nhiều người trẻ khác cần không chỉ là một lời khuyên hay động viên mà là một hành trình chữa lành, được dẫn dắt một cách kiên nhẫn, tâm lý và đồng hành, nhưng đây cũng là một câu hỏi khó, làm sao và làm thế nào.

Bình An

 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn