Nhảy đến nội dung
 

Đường rộng của Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng

Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng - DANAFF lần thứ 3 - 2025 - khép lại sau một tuần đầy ắp không khí điện ảnh, và đường đi của nó đang rất rộng.

Điện ảnh Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt: tiếp tục công thức dễ sinh lời nhưng thiếu sức bền, hay tái cấu trúc, đào tạo nhân lực mới, mở rộng thể loại, nội dung có chiều sâu và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Việc có một liên hoan phim như Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF) mang đến một ý nghĩa thế nào cho bước đường đi tới của điện ảnh Việt?

Một tuần điện ảnh đầy ắp vừa khép lại với nhiều hoạt động từ 29-6 tới hết 5-7 tại TP Đà Nẵng đang định hình DANAFF dần trở thành một liên hoan phim hàng đầu ở Việt Nam.

Ngoài những người bạn lớn đến từ điện ảnh Hàn Quốc và Nhật Bản, DANAFF thu hút được các tổ chức điện ảnh quốc tế hỗ trợ và hợp tác theo nhiều cách khác nhau cho thấy DANAFF đang ngày một uy tín, không đơn độc, không lặng tiếng trong điện ảnh khu vực.

"Thỏi nam châm" Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng - DANAFF

TS Ngô Phương Lan - chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, giám đốc DANAFF - chia sẻ tới mùa thứ ba, sự kiện vượt trội về quy mô và chất lượng.

Bà đánh giá DANAFF III đã làm được nhiều việc lớn. Trước hết là tôn vinh di sản, phát huy di sản quý báu của điện ảnh thông qua hai chương trình trọng điểm là Nửa thế kỷ phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước và Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc.

"DANAFF năm nay có 11 phim công chiếu quốc tế lần đầu tiên tại đây. Riêng 14 phim châu Á dự thi, có 4 phim world premiere hoặc international premiere. Đây là con số mà hai năm trước chúng tôi rất mơ ước, năm nay có rồi", bà Lan nói.

Sự kiện cũng tổ chức được DANAFF Talents (Tài năng triển vọng DANAFF) với chuỗi hoạt động liên hoàn: workshop Ươm mầm tài năng mùa thứ 3, vườn ươm dự án gồm Chợ dự án các phim nghệ thuật châu Á và Chợ dự án các phim thể loại của Việt Nam.

Vườn ươm dự án, theo bà Lan, "đánh dấu bước phát triển chiến lược, thể hiện tầm nhìn của DANAFF là phát triển tài năng triển vọng, cổ vũ những câu chuyện sáng tạo, xây dựng cầu nối bền vững giữa các nhà làm phim trẻ và cộng đồng điện ảnh quốc tế".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Kim Hong Joon, giám đốc Viện phim Hàn Quốc, nói ông ấn tượng với năng lượng trẻ trung của DANAFF: "Tôi nhận thấy liên hoan này có tiềm năng lớn, tôi rất sẵn lòng đóng góp theo bất kỳ cách nào có thể".

Nhận giải thưởng lớn cho dự án xuất sắc nhất hạng mục thuyết trình Dự án phim nghệ thuật với Ghost of the Currents tối 4-7, đạo diễn Kalil Pitsuwan cho biết anh cùng ê kíp đã có 5 ngày đáng nhớ và những tình bạn đặc biệt khi đến DANAFF: "Ở Thái, không có nhiều chương trình cho phim nghệ thuật như thế này. Hy vọng được trở lại vào kỳ sau".

Bản sắc điện ảnh châu Á đương đại

Nhật báo The Korea Herald của Hàn đưa tin: "DANAFF quy tụ những câu chuyện đầy sức mạnh và sự sáng tạo nghệ thuật từ các nhà làm phim Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mang đến những góc nhìn mới và tôn vinh sự đa dạng văn hóa".

Quả thật các phim tranh giải Phim châu Á dự thi và chương trình Toàn cảnh điện ảnh châu Á đã mang đến những lát cắt cuộc sống tươi mới về văn hóa - xã hội khu vực đương đại.

Bên cạnh điện ảnh Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Philippines, Indonesia, Đài Loan..., năm nay có cả Mông Cổ, Kyrgyzstan, Kazakhstan với những phim khá thú vị. Và như một lời thoại trong phim In the Nguyen Kitchen của Stephane Ly-Cuong, còn gì thú vị bằng việc đã đến lúc "chúng ta kể câu chuyện của chúng ta".

Trong khi Black Dog (Hắc cẩu), đạo diễn Quản Hổ, muốn kể chuyện những người dân bị bỏ lại bên lề xã hội trong cơn lốc phát triển kinh tế ở Trung Quốc thì Don't cry, butterfly (Mưa trên cánh bướm) của Dương Diệu Linh lại ngập tràn tính nữ, phá vỡ hình ảnh khuôn mẫu, cho thấy phụ nữ Việt Nam đầy sức sống và hài hước, với một chút chủ nghĩa hiện thực huyền ảo cùng những giấc mơ.

Tale of the land (Chuyện của đất) của đạo diễn người Indonesia Loeloe Hendra phản ánh những thách thức của cộng đồng bản địa Dayak trong việc bảo vệ di sản văn hóa - lịch sử trước áp lực của hiện đại hóa.

In the name of fire (Lửa thiêng) của Abhilash Sharma lại là một màu sắc đen trắng ngột ngạt, có phần u tối nhưng sâu sắc, kết hợp các ẩn dụ, biểu tượng dân gian, ngôn ngữ cổ của Ấn Độ, khắc họa những mâu thuẫn, bất công trong xã hội Ấn Độ đương đại, đặc biệt là vấn đề đẳng cấp và nghèo đói.

Trả lời Tuổi Trẻ, Abhilash Sharma nói anh biết Lửa thiêng là một bộ phim khó xem với khán giả đại chúng: "Song qua ngôn ngữ điện ảnh, tôi tin phim khơi gợi được một phần nào đó hiểu biết về mảnh đất nơi mình đến". Đạo diễn này tin đó cũng là mục đích của nhiều nhà làm phim khác khi đến DANAFF.

Nhà sản xuất và phát hành người Pháp Leonard Haddad cho biết với tư cách là nhà phân phối, họ "không chỉ cung cấp những gì khán giả thích xem, mà còn nỗ lực để phá vỡ những sáo rỗng, phá vỡ những tiếng nói mới xuất hiện". Ông là người phụ trách mua bản quyền và phát triển dự án tại Metropolitan và Davis Films - đứng sau các phim True Romance, Silent Hill, Resident Evil...


Đừng chỉ là giấc mơ lạc lõng

Hiện ở Việt Nam đang có ba LHP quốc tế: LHP quốc tế Hà Nội, LHP quốc tế TP.HCM và DANAFF. Đạo diễn Phan Đăng Di đánh giá "so với hai liên hoan phim còn lại, DANAFF đang cho thấy có nhiều ưu thế và hiện nó là LHP quốc tế hàng đầu tại Việt Nam".

Ngoài việc bước đầu tạo nguồn cho tác phẩm và nhân lực mới cho ngành điện ảnh, theo anh Di, DANAFF còn có các chương trình, hội thảo "bốc thuốc" cho điện ảnh Việt Nam: "DANAFF có tầm nhìn, lực lượng hiểu về điện ảnh Việt Nam đều có mặt ở đây".

Phát biểu khai mạc DANAFF, bà Ngô Phương Lan thông tin: Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam cùng UBND TP Đà Nẵng đã ký bản ghi nhớ hợp tác vào năm 2024 để cùng phối hợp tổ chức DANAFF từ 2025 - 2031. Nghĩa là đường đi của DANAFF - cầu nối để điện ảnh Việt Nam ra thế giới - đang rất rộng.

Tuy nhiên DANAFF không chỉ là giấc mơ lạc lõng của những người yêu điện ảnh và Đà Nẵng mà nên là một chiến lược đồng bộ, thông minh, giàu tham vọng của Chính phủ.

Đạo diễn Phan Đăng Di dẫn trường hợp LHP Busan, ngoài tâm huyết và tình yêu điện ảnh của thế hệ làm phim trẻ, còn phải kể đến chiến lược của Chính phủ Hàn Quốc giai đoạn đó.

TS Park Hee Seong - Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) - cho rằng những năm 1980 tới những năm 2000, Chính phủ đã trở thành "cánh tay nối dài", tạo đà cho sự phát triển của điện ảnh công nghiệp Hàn Quốc như chúng ta thấy ngày nay.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn