'Đứng ngồi không yên' chờ công bố điểm thi tốt nghiệp THPT

Rất nhiều bạn trẻ "đứng ngồi không yên" trong khi chờ công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, trong đó có những bạn rơi vào trạng thái lo lắng kéo dài. Các chuyên gia đã tư vấn cần phải làm gì trong thời điểm này...
Chuẩn bị tâm lý cho mọi kịch bản
Lê Thị Thu Ngân (thí sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, P.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết: "Khi so đáp án của Bộ GD-ĐT, em không rõ có đủ điểm đậu nguyện vọng 1 hay không".
Cùng tâm trạng, Trần Anh Khôi (thí sinh Trường THPT Gia Định, P.Thạnh Mỹ Tây, TP.HCM), chia sẻ cảm xúc những ngày đợi công bố điểm thi là… trống rỗng. "Em làm bài thi không được trọn vẹn ý, nên lo lắng về việc chọn nguyện vọng sắp tới. Sợ rằng nếu chọn theo đúng nguyện vọng đã dự tính thì không đậu vào trường đại học mong muốn".
Về việc này, anh Lê Thành Tân (31 tuổi), nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý, Trường ĐH Newcastle (Úc), cho rằng: "Khoảng thời gian chờ điểm thi dễ khiến thí sinh rơi vào trạng thái mơ hồ, lo lắng kéo dài. Nhiều thí sinh có xu hướng "đóng băng tâm lý", không làm gì, không dám nghĩ tới tương lai vì sợ vỡ mộng".
"Chính sự kỳ vọng quá lớn vào một kết quả duy nhất, đặc biệt là nguyện vọng 1, khiến không ít thí sinh hoang mang khi chưa thấy chắc chắn điều gì. Điều quan trọng nhất lúc này không phải là đoán điểm thật chuẩn, mà là chuẩn bị tâm lý cho mọi kịch bản, kể cả kịch bản thấp hơn kỳ vọng", anh Tân khuyến nghị.
Theo thạc sĩ tâm lý Đỗ Huỳnh Dũng (Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam, P.Tăng Nhơn Phú, TP.HCM), nếu con mình có điểm thi chưa tốt, điều quan trọng nhất là phụ huynh đừng tạo thêm áp lực, mà hãy trở thành chỗ dựa tinh thần để con vượt qua giai đoạn này.
Anh Dũng chỉ ra một số cách phụ huynh có thể an ủi và đồng hành cùng con một cách tích cực, hiệu quả: "Đừng trách móc hay so sánh, vì có thể khiến con tự ti, cảm thấy thất vọng và mất động lực. Thay vào đó, hãy thấu hiểu rằng con đã cố gắng hết sức. Hãy nói những lời động viên chân thành như: "Không sao đâu, có những lúc kết quả không như mong đợi, nhưng con vẫn còn nhiều lựa chọn phía trước"… Những lời nói dịu dàng, ấm áp của phụ huynh sẽ giúp con bình tĩnh lại và có chỗ dựa".
Nguyên tắc "đủ mơ, đủ sức, an toàn"
Anh Đỗ Huỳnh Việt (29 tuổi), nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành khoa học máy tính, ĐH Wisconsin-Madison (Mỹ), cho biết khi điểm thi được công bố chính thức, thí sinh sẽ có một thời gian nhất định để điều chỉnh nguyện vọng. "Do đó, giai đoạn chờ điểm thi chính là lúc để thí sinh chủ động rà soát, đánh giá lại mục tiêu và sẵn sàng cho kế hoạch B, C nếu cần", anh Việt nói.
Anh Việt cho rằng nếu điểm thi tốt nghiệp THPT không cao, vẫn có thể tăng khả năng trúng tuyển bằng cách chiến lược hóa thứ tự và cách chọn nguyện vọng xét tuyển.
Anh Việt đưa ra lời khuyên để có thể giúp thí sinh lên chiến lược chọn nguyện vọng phù hợp: "Cần đánh giá lại năng lực và điểm thi của bản thân. So sánh tổng điểm các môn tổ hợp xét tuyển với điểm chuẩn những năm trước (nên xem 2-3 năm gần nhất) và nhận diện mức điểm đạt được đang ở đâu. Hãy sắp xếp nguyện vọng theo nguyên tắc: đủ mơ, đủ sức, an toàn".
Anh Việt gợi ý: "Nguyện vọng 1 (mơ ước), chọn ngành hay trường thật sự thích, dù điểm chuẩn năm trước cao hơn điểm đạt được một chút. Đây là "nguyện vọng liều thử vận may". Nguyện vọng 2 (khả năng phù hợp), chọn những ngành, trường có điểm chuẩn gần sát hoặc bằng điểm thi, xét theo xu hướng điểm năm nay. Nguyện vọng 3 (an toàn), là các ngành, trường có điểm chuẩn thấp hơn điểm đạt được khoảng 1-2 điểm; đây là nguyện vọng "giữ cửa". Nên chọn những nguyện vọng chất lượng, không đăng ký tràn lan".
Chị Nguyễn Hồng Phương (28 tuổi, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành kinh tế học, ĐH Amherst, Mỹ), khuyên: "Sau khi có điểm thi chính thức, thí sinh có thể linh hoạt chọn tổ hợp môn và ngành học, có những ngành dùng nhiều tổ hợp, điểm chuẩn mỗi tổ hợp lại khác nhau. Hãy chọn tổ hợp có điểm cao nhất để tăng cơ hội. Cần ưu tiên ngành phù hợp năng lực, không nhất thiết là ngành "hot". Ví dụ, nếu học lực trung bình khá, đừng cố vào ngành y, dược ở trường tốp đầu mà nên xem xét ngành điều dưỡng ở trường địa phương hoặc dân lập".
Chị Phương chia sẻ thêm: "Đừng nản lòng vì điểm thấp. Đại học không phải là con đường duy nhất và việc chọn ngành học phù hợp, dù ở một trường không danh tiếng, vẫn có thể mang lại cơ hội nghề nghiệp tốt trong tương lai. Điều quan trọng là hiểu rõ bản thân, chọn đúng chiến lược và giữ tâm lý ổn định để không bỏ lỡ các đợt điều chỉnh nguyện vọng sắp tới".
Một trong những thắc mắc của nhiều thí sinh là nên làm gì trong khoảng thời gian chờ điểm. Đỗ Hoàng Duy (sinh viên năm 3 ngành y tế công cộng, ĐH California, Irvine, Mỹ), nói: "Đây là thời gian lý tưởng để tìm hiểu kỹ hơn về ngành mình chọn, từ chương trình học đến cơ hội việc làm. Cũng nên tranh thủ học kỹ năng sống, kỹ năng mềm, học online, đăng ký lớp ngoại ngữ. Ngoài ra, có thể tận dụng thời gian này để du lịch cùng bạn bè, gia đình. Một chuyến đi ngắn sau mùa thi căng thẳng giúp nạp lại năng lượng, sẵn sàng tinh thần cho chặng đường mới".