Nhảy đến nội dung

Đừng mua thực phẩm bằng niềm tin

TP - Món quà được nhiều người thành phố yêu thích bây giờ chính là thực phẩm ở quê, do chính người thân của họ nuôi trồng, chăm sóc. Chưa bao giờ mua thực phẩm lại dễ như bây giờ, rau, thịt, cá… bán khắp nơi, tung hoành cả cõi mạng. Nhưng cũng chưa bao giờ mua thực phẩm sạch lại khó như bây giờ.

TP - Món quà được nhiều người thành phố yêu thích bây giờ chính là thực phẩm ở quê, do chính người thân của họ nuôi trồng, chăm sóc. Chưa bao giờ mua thực phẩm lại dễ như bây giờ, rau, thịt, cá… bán khắp nơi, tung hoành cả cõi mạng. Nhưng cũng chưa bao giờ mua thực phẩm sạch lại khó như bây giờ.

Người bán hàng đánh vào tâm lý của khách hàng nên thường quảng cáo: Rau sạch nhà trồng. Và nguồn rau ấy vô tận, ngày nào họ cũng bán rau “nhà trồng”, nhiều “thượng đế” nhắm mắt mua bằng niềm tin.

Rau vùng cao có sạch?

Đừng mua thực phẩm bằng niềm tin ảnh 1

Người Lô Lô bán măng và củ kiệu trên một cây cầu ở huyện Bảo Lạc, Cao Bằng

Thực phẩm mua ở chợ vẫn là lựa chọn của nhiều người giữa thời mạng xã hội bùng nổi và siêu thị mọc lên như nấm. Đây là lựa chọn mua sắm truyền thống, ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ. Chị Hằng An, Hà Nội, chia sẻ bí quyết đi chợ: “Tôi chọn vài hàng bán rau quen thuộc. Họ cam kết: Đảm bảo rau sạch. Thậm chí có người còn nói, nếu ăn rau của họ mà bị ngộ độc, họ sẵn sàng chịu tội. Người ta đã nói đến thế thì mình cũng tin và mua. Gia đình tôi đã ăn rau ở chợ nhiều năm vẫn chưa bị nhập viện lần nào”.

Đừng mua thực phẩm bằng niềm tin ảnh 2

Gạo nương tím được giới thiệu “của người Mông trồng” được bán ở Hà Nội

Nhưng đặt trọn niềm tin vào quảng cáo của người bán hàng có khi lại… bị lừa. Bà Nguyễn Thị Lan, người làm nội trợ ở Cao Bằng xuống Hà Nội chơi với con cháu gần một năm nay, thường xuyên mua sắm thực phẩm ở chợ Kẻ Vẽ, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Một lần, bà được người bán hàng chào mời mua quýt sim. Người bán hàng quảng cáo: Đây là đặc sản Cao Bằng. Bà ngạc nhiên nói: “Tôi người Cao Bằng khẳng định quýt sim không phải đặc sản quê tôi”. Người bán hàng liền mắng: “Người Cao Bằng mà không biết quýt sim thì vứt”. Bà Sâm kể: “Khách du lịch khắp mọi miền đất nước lên Cao Bằng thường mua từng thùng hạt dẻ mang về làm quà với niềm tin tuyệt đối đó là hạt dẻ Trùng Khánh, đặc sản Cao Bằng. Nhưng hạt dẻ trồng trên đất Cao Bằng hiếm lắm, chỉ có hạt dẻ Trung Quốc bán quanh năm ở Cao Bằng”.

Đừng mua thực phẩm bằng niềm tin ảnh 3

Khoai tây bi được giới thiệu “của người Dao trồng” bán ở Hà Nội

Khi người thành phố lung lay niềm tin với thực phẩm thành phố, họ lại dồn hi vọng vào thực phẩm vùng cao. Người người, nhà nhà bán thực phẩm vùng cao, ngay cả các nhà thơ, nhà văn, tiến sĩ cũng vào cuộc. Ở Hà Nội và các tỉnh thành lân cận muốn mua thịt lợn bản Dao cứ gõ cửa TS. Bàn Tuấn Năng.

Ngay lúc này anh đang chào hàng trên mạng xã hội với thịt lợn vai giòn và chân giò. Không chỉ bán thịt lợn anh còn bán cả sâm từ sâm vùi đến sâm rừng, rượu sâm kích hoạt sức mạnh đàn ông, mật ong, tam thất hoang… Còn một nữ nhà thơ ở Tuyên Quang lại thường xuyên bán online cam và quýt sim, thậm chí bán cả thịt huơu, nai. Chưa kể những thực phẩm mạo danh xuất xứ vùng cao thì thực phẩm vùng cao có đảm bảo sạch như hi vọng của người tiêu dùng?

Đừng mua thực phẩm bằng niềm tin ảnh 4

Khoai tím được quảng cáo xuất xứ vùng cao bán ở Hà Nội

Một cán bộ y tế ở Cao Bằng, thường xuyên đi công tác ở huyện, xã trong tỉnh đánh giá: “Không nên vơ đũa cả nắm. Thực phẩm sạch hay không còn tuỳ thuộc cách gieo trồng, chăm bón của từng hộ dân. Có hộ dân vẫn dùng hoá chất, thí dụ thuốc diệt cỏ của Trung Quốc. Tôi từng đi qua ruộng đỗ tương, tôi khen vườn sạch, không có cỏ, chủ vườn vui vẻ khoe: Mua thuốc diệt cỏ của Trung Quốc rất rẻ, pha ra và tưới vào, cả năm không có cỏ. Khi nghe tôi giải thích sự tàn phá của thuốc diệt cỏ với sức khoẻ của con người và môi trường chủ vườn rất sợ và hứa: Từ nay không dùng thuốc diệt cỏ nữa, chịu khó làm cỏ thôi”. Theo quan sát của nữ cán bộ y tế, rau, củ của bà con ở vùng sâu, vùng xa ít sử dụng hoá chất nhưng họ lại hay dùng phân tươi.

Chị kể: “Có lần, nhìn thấy vườn rau cải mèo (một loại cải xanh - PV) rất tốt, tôi đưa cho chủ vườn 50.000 đồng, bảo cắt cho bao nhiêu thì tuỳ, vì mua ủng hộ họ là chính. Khi chủ vườn lúi húi cắt rau, tôi hỏi: Sao rau tốt vậy, có phun tẩm gì không? Người này cười, nói: Không phun gì đâu, còn không có nước tưới, phân lợn chảy xuống thôi. Tôi nhìn quanh thì thấy ở nơi này lợn thả rông khắp nơi. Lần khác, xuống huyện công tác, tôi ra chợ gặp hàng rau mùi rất tươi ngon, bèn hỏi người bán: Tưới gì mà rau tốt thế? Họ cười, đáp: Phân trâu. Tôi hỏi tiếp: Phân tươi hay phân ủ? Họ lại cười to: À lôi, ai đi ủ phân bao giờ, hót ở chuồng ra thôi. Cho nên, rau của bà con vùng sâu vùng xa có thể không có hoá chất nhưng tiềm ẩn giun, sán cao”. Chị khen thịt lợn của đồng bào: “Rất ngon, không chê được, mỡ bóng, thái miếng thịt mà mỡ chảy theo con dao, khi xào thịt không có nước hoặc cực kỳ ít nước. Bởi đồng bào thả rông cho lợn tự kiếm ăn, chỉ chăn ngày một bữa bằng chuối rừng và ít ngô. Nhưng phải đi chợ huyện mới mua được thịt lợn của đồng bào, ở chợ thành phố không bán hoặc ít bán”.

Bà nội trợ cần trang bị kiến thức

Đừng mua thực phẩm bằng niềm tin ảnh 5

Ngọn su su của một người bán online ở Cao Bằng đang chờ giải cứu, giá 20 ngàn đồng/cân

Sạch, là tiêu chí đầu tiên người tiêu dùng hôm nay nhắm đến khi mua thực phẩm. Từ chợ truyền thống, chợ cóc đến thực phẩm bày bán lề đường, vỉa hè, trong một góc chung cư hay trên mạng xã hội, đều có cách quảng cáo làm bật lên tiêu chí mà “thượng đế” cần. Nhưng thế nào là thực phẩm sạch? PGS.TS. BS. Trần Đình Toán, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng, nói: “Thực phẩm sạch là thực phẩm không bị ô nhiễm hoá chất, vi khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý.

Các loại thực phẩm khi nuôi trồng, sản xuất phải đạt được một trong hai yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng đã được công nhận: Tiêu chuẩn VietGap; tiêu chuẩn GlobalGap. Có 4 tiêu chí để đạt tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGap): Kỹ thuật sản xuất nghiêm ngặt, khi thu hoạch đảm bảo không có hoá chất, không bị nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý, môi trường sản xuất không lạm dụng sức lao động của nông dân, dễ truy tìm nguồn gốc sản phẩm. Tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tiên tiến toàn cầu (GlobalGap), yêu cầu về sản xuất phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn, từ khâu chuẩn bị canh tác đến thu hoạch, chế biến và bảo quản”.

Chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, ở ta người bán hàng ít chịu tìm hiểu tiêu chuẩn đánh giá thực phẩm sạch, người mua hàng cũng lơ mơ. Theo ông, người mua hàng rất cần trang bị kiến thức cho mình để không bị… lừa khi ra chợ: “Lâu nay, các bà nội trợ khi mua rau thường nhắm đến những mớ rau có lỗ chỗ, bị sâu ăn/ đục vào. Họ cho rằng đó là rau sạch. Nhưng thực tế, chỉ đạt được một tiêu chí sạch, là không ô nhiễm hoá chất, vì nếu ô nhiễm hoá chất sâu không sống được. Họ quên kiểm tra những tiêu chí khác, thí dụ rau có vi khuẩn gây bệnh hay không, nếu nó sống bằng nước ở cống rãnh hay nước từ các khu công nghiệp, nước từ bệnh viện thải ra chưa qua xử lý thì sao? Rau chăm bón bằng phân tươi cũng không thể gọi là rau sạch”.

PGS.TS.BS Trần Đình Toán đưa một vài bí quyết lựa chọn thực phẩm cho bà nội trợ: “Khách hàng nên sử dụng kiến thức về thực phẩm sạch để hỏi người bán hàng vài câu. Khi mua rau, không nên chọn rau mỡ màng quá vì có khả năng rau ấy đã dùng chất kích thích tăng trưởng cây trồng. Khi mang rau về nhà, đầu tiên phải dỡ mớ rau ấy ra, xem có lẫn sâu bệnh bám vào không, có côn trùng như vắt, đỉa hay hồng giun nhỏ hay không?

Nếu có hồng giun nhỏ chứng tỏ rau ấy lớn lên bằng nguồn nước bẩn (Cống rãnh là môi trường thuận lợi của hồng giun nhỏ). Nên đưa rau lên mũi ngửi, xem có mùi hoá chất hay mùi lạ không? Khi đun nấu, nếu rau toả ra mùi lạ, rất có khả năng rau ấy đã bị ô nhiễm”. Theo chuyên gia dinh dưỡng, rau sống ngâm nước muối có thể hạn chế nhưng không tiêu diệt được vi khuẩn hoàn toàn, nếu ngâm lâu rau còn mất dinh dưỡng và cảm quan, đặc biệt như rau sống: “Ngâm nước muối loãng không tiêu diệt được trứng giun đũa, để loại bỏ nên xối dưới vòi nước”, ông nói.

Một vấn nạn diễn ra từ vùng cao đến thành thị hiện nay là việc dùng túi nilon để đựng thực phẩm, không chỉ gây ô nhiễm môi trường, còn ảnh hưởng tới sức khoẻ. Nhà nghiên cứu Phạm Thị Huyền, Viện Nghiên cứu Con người, phân tích: “Người dân Việt Nam chưa bỏ được thói quen sử dụng túi nilon vì chúng tiện lợi, rẻ, dễ tìm thấy ở khắp nơi. Thói quen này đã ăn sâu vào đời sống, trở thành một phần quen thuộc trong sinh hoạt hằng ngày, được hình thành qua nhiều năm nên rất khó thay đổi trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, nhiều người vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của túi nilon đối với môi trường. Trong khi đó, các loại túi tái sử dụng hoặc túi thân thiện với môi trường thường có giá cao hơn, ít phổ biến và khó tìm hơn. Người bán hàng cũng lo ngại sẽ mất khách nếu không cung cấp túi nilon miễn phí càng khiến việc thay đổi trở nên khó khăn hơn”.

Nông Hồng Diệu
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn