Dùng công nghệ để dạy tiếng Anh chưa chắc giúp học sinh giỏi hơn

Việc sử dụng thiết bị công nghệ trong lớp học ngoại ngữ, bao gồm công cụ AI (trí tuệ nhân tạo), không phải ở trường hợp nào cũng sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn so với không sử dụng, theo chuyên gia giáo dục.
Sáng 4.7, Trường ĐH Tôn Đức Thắng tại TP.HCM (gồm TP.HCM, tỉnh Bà Rịa-Vũng tàu, tỉnh Bình Dương cũ) phối hợp với ĐH Sư phạm Thượng Hải (Trung Quốc), ĐH Silpakorn (Thái Lan) và ĐH Nueva Vizcaya State (Philippines) đồng tổ chức hội thảo quốc tế về phát triển ngôn ngữ (ICLD) lần thứ 2 với chủ đề "Chuyển đổi giáo dục ngôn ngữ: Sức khỏe, công nghệ và những vấn đề khác". Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên... tại Việt Nam và trên thế giới đến trình bày tham luận.
Công nghệ sẽ có ích, nếu...
Tại sự kiện, tiến sĩ Willy A. Renandya, giảng viên cao cấp Viện Giáo dục quốc gia (NIE) thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), giáo sư thỉnh giảng ở ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) cùng ĐH Vũ Hán (Trung Quốc), thẳng thắn cho rằng không phải cứ dùng công nghệ là sẽ cải thiện năng lực ngoại ngữ của học sinh, dù đó là tiếng Anh, tiếng Trung hoặc bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Đó là kết luận được ông rút ra từ nhiều nghiên cứu khác nhau.
Cụ thể, nghiên cứu của cô Guofang Li (Canada) cùng cộng sự cho thấy, không có sự khác biệt đáng kể trong việc thu hút học sinh học ngoại ngữ, giữa nhóm giáo viên dùng nhiều công nghệ với nhóm dùng ít công nghệ. Còn ở công trình của cô Ewa M. Golonka (Mỹ) cùng cộng sự, kết quả xem xét 350 nghiên cứu đánh giá tác động của công nghệ với việc phát triển năng lực ngôn ngữ chỉ ra rằng, dù công nghệ hữu ích cho việc dạy và học song nó chỉ có tác động rất nhỏ, gần như không đáng kể.
"Nếu dùng công nghệ, một khía cạnh mà nó hỗ trợ rõ rệt nhất là phần phát âm. Bởi lẽ, phát âm là khía cạnh nhỏ nhất của việc học ngôn ngữ và công nghệ ngày nay làm tốt khoản này. Bạn có thể dùng phần mềm nhận diện giọng nói để luyện phát âm chuẩn và được phản hồi ngay lập tức, sau đó có thể luyện tập lặp đi lặp lại. Nhưng với những kỹ năng khác như đọc, viết, nói..., thực tế lại không như mong đợi", tiến sĩ Renandya chia sẻ.
"Như vậy, công nghệ có thể ảnh hưởng tích cực đến việc học ngôn ngữ không? Câu trả lời có lẽ là không, ít nhất là ở thời điểm hiện tại", chuyên gia giáo dục nhận định.
Ông Renandya cũng chỉ ra một thực tế là nhiều trường hợp công nghệ được dùng vì nó sẵn có, hoặc vì lãnh đạo trường yêu cầu. Ví dụ thay vì dạy trên bảng đen phấn trắng thì thầy cô dùng phần mềm để trình chiếu, hay thay vì phát bài kiểm tra giấy thì thầy cô dùng các ứng dụng hỗ trợ như Google Form. "Những ứng dụng đó thực chất không có thay đổi gì về mặt phương pháp sư phạm", ông phân tích.
Đó cũng là lý do tiến sĩ Renandya khuyên giáo viên nên tập trung vào việc cải thiện phương pháp sư phạm trước rồi mới nhờ đến sự giúp đỡ của công nghệ, trong đó ông khuyến nghị thầy cô vận dụng 5 nguyên tắc giáo dục chung. Đó là cá nhân hóa cách dạy; học tập gắn kết (gắn kết 90% học sinh trong 90% thời lượng tiết học); học tập đích thực (thông qua các hoạt động thực tế chứ không chỉ dạy lý thuyết trong sách vở); góp ý; học tập hợp tác.
"Công nghệ tất nhiên quan trọng, công nghệ sẽ thay đổi cách chúng ta dạy học. Nhưng liệu công nghệ có giúp học sinh giỏi tiếng Anh hơn không? Câu trả lời là có, khi và chỉ khi thầy cô kết hợp hai yếu tố là những nguyên tắc giáo dục chung, và quan trọng hơn là các nguyên tắc về thụ đắc ngôn ngữ thứ hai", ông Renandya lưu ý.
Trao đổi cùng Thanh Niên, tiến sĩ Willy A. Renandya thông tin thêm hiện nay có rất nhiều công cụ công nghệ và hầu như "ngày nào cũng xuất hiện công cụ mới". Tuy nhiên, thầy cô không cần phải học cách dùng của tất cả công cụ này mà chỉ nên chọn ra khoảng 5 công cụ chính, dễ sử dụng cho cả thầy lẫn trò. "Đừng cảm thấy quá tải mà hãy chọn các công cụ thật sự hữu ích với thầy cô", ông Renandya khuyên.
AI là "con dao hai lưỡi"
Tại Trung Quốc, bắt đầu từ năm học 2025-2026, các trường tiểu học, THCS ở Bắc Kinh sẽ đưa khóa học AI vào chương trình giảng dạy, song hành với xu hướng triển khai các chương trình đào tạo về AI ở bậc ĐH diễn ra trong nhiều năm qua. Trong những tiết học về AI, học sinh Trung Quốc không chỉ học cách sử dụng các chatbot AI như DeepSeek và những công cụ liên quan, mà còn tìm hiểu kiến thức cơ bản về AI và vấn đề đạo đức khi dùng AI.
"Trung Quốc đã, đang quan tâm đến việc phát triển cũng như ứng dụng công nghệ AI. Cho tới nay, nhiều phần mềm AI đã trở nên nổi tiếng và được sử dụng rộng rãi ví dụ như Doubao, DeepSeek, Wenxin Yiyan... Nhiều trường học cũng nhờ AI hỗ trợ giảng dạy, và AI thực sự đã giúp nâng cao hiệu quả dạy và học trên lớp", GS-TS Cao Xiuling, Viện trưởng Viện Hán ngữ quốc tế ở ĐH Sư phạm Thượng Hải, chia sẻ với Thanh Niên.
Tuy nhiên, bà Cao cũng cho rằng AI giống như "con dao hai lưỡi", tuy mang lại nhiều tiện ích nhưng cũng khiến cả thầy cô và học trò phải đối diện với không ít vấn đề mới phát sinh, đặc biệt là câu chuyện liên quan tới đạo đức AI như bảo mật dữ liệu người dùng, công bằng trong giáo dục, tư duy sáng tạo...
PGS-TS William D. Magday Jr., Hiệu trưởng Trường Sư phạm tại ĐH Nueva Vizcaya State, chung quan điểm. Để đảm bảo về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, ông chia sẻ Philippines hiện có đạo luật Bảo mật dữ liệu năm 2012, yêu cầu giáo viên có trách nhiệm bảo vệ quyền riêng tư lẫn sự an toàn thông tin của học sinh khi cho các em sử dụng công cụ AI trong lớp học để tránh các rủi ro.
Ngoài ra, chuyên gia giáo dục cũng lưu ý thầy cô phải giảm thiểu sự thiên kiến trong AI để đảm bảo công bằng trong việc dạy và học ngôn ngữ. Bởi các thuật toán AI được huấn luyện dựa trên dữ liệu sẵn có, và nếu dữ liệu đó phản ánh các thiên kiến xã hội về giới tính, chủng tộc, điều kiện kinh tế-xã hội... thì AI sẽ lặp lại những thiên kiến đó trong quá trình đánh giá bài làm của học sinh.
Từng có trường hợp sinh viên bị chấm điểm thấp vì nhắc tới cụm "mẹ đơn thân", "barangay captain" (lãnh đạo ở cấp đơn vị hành chính nhỏ nhất Philippines), trong khi đó lại đạt điểm cao khi dùng các cụm như "giám đốc điều hành công ty toàn cầu" hoặc tên của những nhân vật phương Tây, PGS-TS Magday nêu ví dụ. "AI hoàn toàn không có cảm xúc thế nên cũng không thể giải thích bối cảnh của câu trả lời do học sinh đưa ra", ông cảnh báo.