Nhảy đến nội dung

Đưa Quảng Nam thành trung tâm công nghiệp dược liệu của cả nước

TPO - Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực” chứa đựng nhiều kỳ vọng, đặt ra nhiều động lực để phấn đấu, đóng góp sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cho khu vực.

TPO - Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực” chứa đựng nhiều kỳ vọng, đặt ra nhiều động lực để phấn đấu, đóng góp sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cho khu vực. 

Ngày 10/5, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai Quyết định 463/QĐ-TTg ngày 28/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực”. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự.

Đưa Quảng Nam thành trung tâm công nghiệp dược liệu của cả nước ảnh 1

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao đổi cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, doanh nghiệp tham gia hội nghị. Ảnh: Hoài Văn

'Thủ phủ sâm Ngọc Linh' thành Trung tâm công nghiệp dược liệu

Quyết định 463/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực”.

Theo đó, phát triển hệ thống chuỗi sản xuất, kinh doanh đồng bộ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực tại tỉnh Quảng Nam, hình thành khu vực tập trung các cơ sở công nghiệp dược liệu có kết nối với các hoạt động nuôi trồng, sản xuất, chế biến dược liệu của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Áp dụng các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật và có nghiên cứu, xây dựng chính sách đặc thù, vượt trội nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư vào sản xuất, kinh doanh dược liệu để sớm đưa tỉnh Quảng Nam trở thành trung tâm công nghiệp chế biến dược liệu trọng điểm của khu vực và của cả nước.

Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư phát triển ngành công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam, trong đó nhà nước tập trung đầu tư và sớm hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng và tạo các điều kiện thuận lợi nhằm thu hút thúc đẩy xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp dược liệu gắn với việc bảo tồn, phát huy nguồn gen các dược liệu đặc hữu nhất là sâm Ngọc Linh.

Đưa Quảng Nam thành trung tâm công nghiệp dược liệu của cả nước ảnh 2

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị.

Mục tiêu của đề án là nhằm phát triển đồng bộ vùng nguyên liệu dược liệu và hệ thống chế biến, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học,... để từng bước đưa tỉnh Quảng Nam trở thành trung tâm của ngành công nghiệp dược liệu của cả nước; phát huy tiềm năng của sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh và các dược liệu có thế mạnh trên địa bàn, góp phần đưa ngành công nghiệp dược liệu của Việt Nam thành ngành sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Trong đó, giai đoạn 2025 – 2035 duy trì và phát triển được diện tích vùng nguyên liệu phù hợp; ưu tiên phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu có lợi thế và giá trị kinh tế, có thị trường tiêu thụ và phù hợp với sinh thái của từng địa phương.

Đưa Quảng Nam thành trung tâm công nghiệp dược liệu của cả nước ảnh 3

Chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức hằng tháng tại huyện Nam Trà My, Quảng Nam.

Hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất giống, nuôi trồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO),

Trước năm 2030, hoàn thành quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch liên quan, xác định mặt bằng, từng bước đầu tư xây dựng hạ tầng khu vực trung tâm công nghiệp dược liệu tại các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, trước mắt tập trung tại Khu kinh tế mở Chu Lai; nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và giao thông kết nối vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và thu hút đầu tư vào công nghiệp dược liệu.

Giai đoạn từ 2036 – 2045: Hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu công nghiệp dược liệu trên địa bàn. Đa dạng hóa các sản phẩm dược liệu, sản phẩm từ dược liệu với sâm Ngọc Linh là chủ lực, có chất lượng đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia chuỗi giá trị công nghiệp dược liệu toàn cầu, với nhiều sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế cao…

Đưa Quảng Nam thành trung tâm công nghiệp dược liệu của cả nước ảnh 4

Bí Thư tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, việc mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu quý, kết hợp bảo tồn rừng, phát triển du lịch không chỉ giúp bảo vệ nguồn gen quý hiếm mà còn tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi.

“Việc phát triển các trung tâm công nghiệp dược theo hướng hiện đại, nghiên cứu chế biến sâu và xây dựng thương hiệu là hướng đi bức thiết, đặc biệt là khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nơi có điều kiện đặc thù, khí hậu thổ nhưỡng phù hợp. Phát triển công nghiệp dược liệu mang lại lợi ích kinh tế tạo sinh kế bền vững và xóa đói giảm nghèo” - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, nói.

Bước khởi đầu để hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp dược liệu Việt Nam

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh vai trò của đề án trong thúc đẩy kinh tế - xã hội, đặc biệt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Dược liệu có ý nghĩa đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển được nguồn cho y tế, tạo điều kiện nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là ở vùng cao. Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với ngành y tế cũng đã có định hướng rõ ràng, trong đó có vấn đề phát triển ngành dược liệu, Đông y.

Trong thế mạnh chung, Quảng Nam có thế mạnh riêng với 36 loại cây thuốc, là thủ phủ sâm Ngọc Linh, có quy hoạch trên 15.000 ha cho phát triển dược liệu.

"Đề án mới chỉ là động thái của Chính phủ về mặt hành chính để có cú hích, là điểm khởi đầu chưa phải đích tới, còn nhiều phải làm. Quảng Nam coi đây là điểm khởi đầu để thực hiện. Đây là đề án chứa đựng nhiều kỳ vọng, đặt ra nhiều động lực để phấn đấu, đóng góp sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cho khu vực” - Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, hội nghị là bước khởi đầu nhưng cũng là bước tiến quan trọng trong hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp dược liệu Việt Nam nói chung, Quảng Nam và khu vực nói riêng. Ông tin tưởng, với sự vào cuộc và nhận thức, các thỏa thuận đã ký kết, quyết tâm của tỉnh và đồng hành của Chính phủ sẽ biến đề án thành hiện thực và nhân rộng, đưa Quảng Nam thành trọng tâm, trọng điểm về phát triển dược liệu, với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đóng góp quan trọng vào hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế của cả nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu, Quảng Nam cần sớm hoàn thiện công bố quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch có liên quan; đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng dược liệu; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực…

Thời gian tới, Quảng Nam cần chủ trì và phối hợp với các tỉnh lân cận, các doanh nghiệp cùng hỗ trợ nhau làm lớn, nhìn xa để tạo sự cạnh tranh cho sâm Ngọc Linh và dược liệu, đặc biệt là ở thị trường quốc tế.

Đưa Quảng Nam thành trung tâm công nghiệp dược liệu của cả nước ảnh 5
Doanh nghiệp tham gia ký kết các bản ghi nhớ và thoả thuận nghiên cứu, hợp tác đầu tư.
Hoài Văn